Sinh viên chính quy tâm tư về bằng tại chức

22/12/2018 07:46
Ninh Vũ
(GDVN) - Bọn em vào học đại học mất 4 năm để rèn luyện và trưởng thành cuối cùng kết quả được cào bằng. Nếu biết trước thế này thì em đã vừa đi làm vừa đi học tại chức.

Liên quan đến Khoản 23 Điều 1 Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018, cụ thể: Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.

Điều này đồng nghĩa với việc không ghi hình thức đào tạo khi cấp bằng cử nhân.

Sinh viên hoang mang khi cho rằng bằng cấp bị…cào bằng

Có thể thấy với quy định này giáo dục đại học đã không còn phân biệt bằng cấp giữa các hình thức đào tạo. Xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều tranh cãi đặc biệt đến từ chính các bạn sinh viên.

Trước thông tin từ ngày 1/7/2019 bằng đại học chính quy và tại chức sẽ có giá trị như nhau, Nguyễn Trung Kiên, sinh viên năm 3 Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ:

“Thông tin này khiến em và các bạn có chút hoang mang. Vì để thi vào đại học bọn em phải trải qua một quá trình học tập rất căng thẳng và mệt mỏi mới có thể thi vào đại học. Học ở đại học 4 năm cũng mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Nhiều bạn phấn đấu cũng chỉ để lấy cái bằng mặc dù sau này không biết áp dụng như thế nào nhưng bằng đại học chính quy bọn em coi đó như một thành quả của quá trình học tập”.

Nhiều sinh viên cảm thấy hoang mang trước quy định mới của Luật giáo dục: bằng đại học tại chức và đại học chính quy sẽ có giá trị tương đương nhau.
Nhiều sinh viên cảm thấy hoang mang trước quy định mới của Luật giáo dục: bằng đại học tại chức và đại học chính quy sẽ có giá trị tương đương nhau.

Chung nỗi niềm với Kiên, Hoàng Thị Linh, sinh viên năm 3 Trường Học viện Ngoại thương cho biết:

“Bọn em vẫn biết tấm bằng chỉ là một trong những điều kiện để có được việc làm, nhiều bạn không cần bằng cấp vẫn có thể thành công.

Nhưng khi bọn em vào trong môi trường đại học này đã mất thời gian 4 năm để rèn luyện và trưởng thành cuối cùng kết quả được cào bằng. Vậy nếu biết trước thế này thì em đã có thể vừa đi làm vừa đi học tại chức.

Các bạn trong lớp khi biết đến thông tin này đều rất hoang mang nhiều bạn còn nói không biết học đại học để làm cái gì.

Tất nhiên sẽ có người "phản pháo" rằng học gì không quan trọng mà quan trọng học như thế nào. Nhưng đối với nhiều bạn thì các bạn ấy cần một lý do để học”.

Vũ Thùy Dung, sinh viên năm 3 Trường đại học Sư phạm lại có suy nghĩ “thoáng” hơn khi cho rằng:

“Bằng đại học tại chức hay đại học chính quy chỉ là một phương tiện thậm chí em thấy rất nhiều người thành công mà không cần bằng cấp. Có lẽ các bạn đã quá nặng vấn đề về bằng cấp.

Sinh viên chính quy tâm tư về bằng tại chức ảnh 2Thời buổi này mà tại chức bằng chính quy, lẽ đâu vàng trộn...cám

Theo em thấy bằng gì không quan trọng mà quan trọng là ở bản thân, ở cách học.

Bạn em có nhiều người học cao đẳng, học liên thông nhưng chuyên môn làm việc rất tốt.

Vì thế cơ hội thăng tiến trong công việc cao hơn hẳn.

Ngược lại có nhiều bạn ỷ lại vào bằng cấp nhưng lại không có vốn sống, vốn hiểu biết ra ngoài rất khó để xin việc. Theo em học ở đâu không quan trọng mà quan trọng là học cái gì”.

Tuy nhiên cũng như nhiều bạn sinh viên khác, Dung cũng có đôi chút băn khoăn việc công nhận bằng đại học chính quy và tại chức như nhau liệu có làm giảm đi cơ hội việc làm của các bạn sinh viên mới ra trường.

Thay đổi là cần thiết nhưng cần siết chặt quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục tại chức

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng như các thầy cô đã cho rằng, việc dẫn chứng nhiều nước phát triển không phân biệt các loại văn bằng mà chú trọng vào quản lý để đảm bảo chất lượng khi áp dụng vào Việt Nam đã thỏa đáng hay chưa.

Vũ Thị Huyền – một sinh viên đang theo học tại chức bên Mỹ cho biết: Việc học tại chức bên đây áp lực và căng thẳng gấp hàng chục lần việc thi đại học và học chính quy tại Việt Nam.

Cô bạn cũng chia sẻ thêm: “Có những người bạn của mình phải học và thi đến 6 năm mới có thể ra được trường.

Mình không biết việc học tại chức ở Việt Nam như thế nào nhưng ở đây không có ranh giới giữa chính quy và tại chức.

Các bạn đều phải cố gắng và nỗ lực để đạt được mục tiêu học tập của mình”.

Một sinh viên đang theo học tại chức cho biết: Hiện nay, học tại chức đang có vấn nạn về tình trạng học hộ.

Nhiều bạn sẵn sàng bỏ ra cả trăm nghìn đồng để thuê người học hộ. Thậm chí người này cũng cho biết có những buổi lớp phải có đến 10 bạn học hộ.

Kể từ ngày 01/07/2019 bằng đại học tại chức và bằng đại học chính quy sẽ có giá trị như nhau.
Kể từ ngày 01/07/2019 bằng đại học tại chức và bằng đại học chính quy sẽ có giá trị như nhau.

Tham gia tìm hiểu các nhóm học hộ, thi hộ tại Hà Nội, chúng tôi nhận thấy thực tế có tình trạng này. Tức là có nhiều sinh viên (tại chức và chính quy) bỏ tiền ra thuê người học hộ. Thậm chí có những bạn bỏ ra cả triệu đồng để thuê trọn gói người học hộ, thi hộ.

Đây chỉ là một ví dụ để minh chứng cho việc liệu chất lượng đào tạo tại chức có đủ tốt để công nhận bằng đại học chính quy và tại chức là như nhau hay không? 

Đào tạo tại chức là một cơ hội cho những người đi làm hoặc những người bỏ lỡ giấc mơ học đại học.

Tuy nhiên, việc quản lý và đào tạo hệ tại chức cần phải được siết chặt, nghiêm chỉnh để không gây ra những bất công dành cho những người học thật, thi thật, nỗ lực hết mình.

Có như thế mục tiêu xóa bỏ ranh giới bằng cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới phát huy hiệu quả, và những sinh viên như Kiên, Linh, Dung không bị mông lung với câu hỏi, học đại học chính quy để làm gì?

Ninh Vũ