Sở Giáo dục Hà Nội "thừa giấy vẽ voi", các trường phổ thông khốn khổ tuyển sinh

12/06/2017 07:10
Diệu Linh
(GDVN) - Sự việc bắt đầu nóng lên khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công văn số 1646/SGD&ĐT-QLT yêu cầu xử lý nghiêm các trường tuyển sinh trước thời hạn quy định.

Yêu cầu của Sở Giáo dục đặt ra khi thực hiện tuyển sinh 2017 - 2018 là chỉ diễn ra trong thời gian từ 1/7 đến 15/7 (trường nào tuyển không đủ thì đề xuất và được gia hạn thêm 2 ngày để tuyển sinh).

Tuy nhiên, việc chốt thời hạn tuyển sinh áp dụng chung cho cả các trường công lập và ngoài công lập đã gây ra nhiều phản ứng trong dư luận xã hội.

Cụ thể hơn, tại điều 13 Luật giáo dục số 44/2009/QH12 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục số 38/2005/QH11 được Quốc hội ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2009, nêu rõ: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục là hoạt động đầu tư đặc thù thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện và được ưu đãi đầu tư.

Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục; khuyến khích và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho giáo dục. Ngân sách nhà nước phải giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục".

Tiếp đó, tại Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường Trung học cơ sở, Trường Trung học Phổ thông và Trường Phổ thông nhiều cấp học có hiệu lực từ 15/5/2011 cụ thể hóa Luật giáo dục số 44/2009/QH12 không có bất kỳ điều khoản nào quy định các trường công lập và tư thục phải tuyển sinh cùng thời điểm.

Vì lẽ đó nên nhiều ý kiến đặt ra câu hỏi: Luật Giáo dục đã được Quốc hội thông qua, khuyến khích nhà đầu tư giáo dục thì liệu Công văn số 1646 có ảnh hưởng đến “quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục”, gây khó khăn cho trường ngoài công lập?

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Văn Như Cương – Người sáng lập Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nói rằng, những gì mà Sở Giáo dục Hà Nội đã làm là thừa thãi, không thực tế.

Phó Giáo sư Văn Như Cương nói rằng quy định áp đặt tuyển sinh cùng thời điểm cả trường công lập và tư thục là trái với tinh thần Luật Giáo dục. ảnh: TN.
Phó Giáo sư Văn Như Cương nói rằng quy định áp đặt tuyển sinh cùng thời điểm cả trường công lập và tư thục là trái với tinh thần Luật Giáo dục. ảnh: TN.

Phó Giáo sư Cương nói thẳng: “Thứ nhất là trước khi tuyển thì chúng tôi phải phát ra phiếu đăng ký sớm để phụ huynh có thời gian cân nhắc, tìm hiểu mọi điều kiện để quyết định có cho con học ở Lương Thế Vinh không?

Thứ hai là phụ huynh cũng cần biết được mức điểm mà chúng tôi đặt ra hàng năm để tuyển sinh, biết được năng lực đào tạo thực tế và môi trường họp tập, từ đó có lự chọn phù hợp cho con em mình.

Các ông ở Sở Giáo dục Hà Nội đưa ra thời gian tuyển sinh từ ngày 1/7 đến 15/7, thế nếu không phát phiếu trước thì đến ngày 1/7 chúng tôi tuyển ai?

Sở Giáo dục Hà Nội "thừa giấy vẽ voi", các trường phổ thông khốn khổ tuyển sinh ảnh 2

Bỏ biên chế giáo dục, y tế thì cũng nên bỏ cả biên chế quản lý hành chính

Thậm chí chúng tôi có quyền phát phiếu để phụ huynh cân nhắc lựa chọn và chúng tôi cũng có sự chuẩn bị tốt cho kỳ tuyển sinh năm sau nữa.

Cái đó những trường ngoài công lập làm chẳng có gì sai trái cả, không vi phạm gì vào luật giáo dục cả, cho nên đừng đưa ra những quy định trái khoáy gây khó cho các trường”.

Phó Giáo sư Văn Như Cương cũng nêu ra thực tế là những trường ngoài công lập phải bỏ chi phí rất lớn đầu tư, tốn rất nhiều công sức mới xây dựng được ngôi trường ổn định.

“Nhà nước kêu gọi xã hội hóa, chúng tôi tự chủ về mọi vấn đề rồi thì tại sao tuyển sinh lại ép chúng tôi phải theo các trường công lập? Đâu có cần thiết phải khai giảng cùng thời điểm với trường công lập?

Chúng tôi hoạt động dựa trên nhu cầu của phụ huynh, học sinh, bây giờ rất nhiều gia đình mong muốn trường khai giảng sớm, sớm đi vào giảng dạy để các con đến trường học tập ổn định, bố mẹ còn phải đi làm.

Bây giờ nghỉ mấy tháng hè rồi cứ áp cái quy định sang tháng 8 mới cho vào ôn luyện, tháng 9 mới khai giảng thì nhiều gia đình không biết gửi con đi đâu.

Tôi cho rằng phải giao quyền tự chủ thực sự cho các trường tư, đừng gây khó khăn gì mà phải tạo điều kiện tốt hơn nữa để các trường như thế phát triển. Họ hoạt động tốt, cũng có nghĩa là đóng góp tốt cho xã hội, cho nền giáo dục và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước”, Phó Giáo sư Cương nói.

Phụ huynh cũng bức xúc

Quy định riêng của Sở Giáo dục Hà Nội cũng gây ra nhiều bức xúc cho các phụ huynh.

Chị N.T.Hồng – Phụ huynh học sinh Trường Phổ thông Quốc tế Newton chia sẻ: “Tôi lựa chọn cho con vào trường tư thục vì ở trường công, các con vẫn phải học thêm quá nhiều, sĩ số lớp lại quá đông gây ảnh hưởng tới chất lượng học tập.

Trong khi đó đến thăm trường Newton thì tôi thấy đáp ứng được những yêu cầu cần thiết, cả về điều kiện chăm sóc cho các con rất tốt cho tới điều kiện học tập.

Một đặc điểm nổi trội khác của trường chính là các con đều rất tốt tiếng Anh, đó là ngôn ngữ thứ hai của các con để mà hội nhập với thế giới”.

Đề cập tới quy định trường công lập và tư thục đều phải tuyển sinh đầu cấp cùng thời điểm, chị Hồng tỏ ra bất ngờ: “Tại sao lại ấn định ngày tuyển sinh bắt buộc cùng lúc cho cả trường công và trường tư? Nếu như phụ huynh phải đi công tác dài ngày, muốn ổn định cho con sớm ở một ngôi trường đã chọn thì việc tuyển sinh rất cần phải đáp ứng, đó là nhu cầu chính đáng. Theo tôi đáp ứng nhu cầu chính đáng là tốt chứ, sao lại hạn chế?

Chúng tôi có công việc riêng, có nhu cầu riêng, lựa chọn riêng và định hướng khác hoàn toàn với các gia đình cho con học trường công lập. Vậy hai hướng đi khác nhau tại sao lại đánh đồng với nhau?”.

Ở các trường tư, ngoài thời gian học kiến thức, học sinh có điều kiện phát triển nhanh các năng khiếu nghệ thuật. ảnh: ngs.
Ở các trường tư, ngoài thời gian học kiến thức, học sinh có điều kiện phát triển nhanh các năng khiếu nghệ thuật. ảnh: ngs.

Cùng chung quan điểm, anh P.V.Tuấn – Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, cho biết: “Tôi cho con học trường tư vì cơ sở vật chất tốt. Đội ngũ giáo viên được lựa chọn rất kỹ, làm việc nhiệt tình, thái độ ứng xử của giáo viên, nhân viên làm việc tốt hơn hẳn nhiều trường công lập.

Một điều quan trọng khác là đầu vào thì nhà trường đã có đánh giá sơ lược năng lực của từng học sinh và trong toàn bộ quá trình học thì các con ngoài học chương trình chung ra còn được quan tâm ở từng mức độ khác nhau tùy thuộc vào việc con yếu ở điểm nào, để đảm bảo rằng kết thúc một năm học thì chất lượng học tập của các con ít nhất đều ở một mặt bằng chất lượng cơ bản là ngang nhau.

Sở Giáo dục Hà Nội "thừa giấy vẽ voi", các trường phổ thông khốn khổ tuyển sinh ảnh 4

“Chở thật thà vào lòng dối trá”!

Sĩ số mỗi lớp thì tối đa là 30 cháu, có điều kiện học tập và phát triển đồng đều về mặt đời sống, kỹ năng sống rất nhiều, nhiều hơn hẳn các trường công lập. Ngoại ngữ cũng được đầu tư gấp nhiều lần trường công.

Theo tôi, khi các gia đình đã xác định cho con học trường tư rồi thì để cho các trường tuyển sinh sớm để bố mẹ còn lo việc khác.

Thế mà bây giờ ép phải tuyển sinh cùng thời điểm trường công là bất hợp lý, bởi vì các gia đình đã xác định hướng đi cho con hoàn toàn khác nhau, chi phí khác nhau, yêu cầu khác nhau thì đừng ép người ta phải giống nhau”.

Đầu tư cho giáo dục là cả một quá trình rất lâu dài và gian nan, vì vậy khi nhà nước đã khuyến khích xã hội hóa thì các các cơ quan chuyên môn ở từng địa phương phải có trách nhiệm tìm mọi giải pháp thuận lợi để khuyến khích, tạo điều kiện cho các trường tư phát triển.

Trên thực tế có những trường tư thục từ khi thành lập đến nay đã hoạt động rất tốt, là những cơ sở đào tạo uy tín được xã hội, trong đó phải kể đến: Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Trường Phổ thông Quốc tế Newton, Trường Tiểu học Nguyễn Siêu, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Trường THPT Lương Thế Vinh…

Điều các trường tư cần không phải là cung cách quản lý cũ kỹ, ít nhất là không giúp được gì cho họ thì cũng đừng gây thêm khó khăn.

Ai cũng hiểu rằng kinh tế thị trường sẽ tự động điều chỉnh nhu cầu của xã hội. Đối với giáo dục cũng vậy, các trường sẽ phải tự nỗ lực để tồn tại, để nhận được sự tôn trọng, sự tin tưởng của xã hội.

Thế nên đừng tư duy quản lý theo kiểu bao cấp, kìm hãm và ban phát, vì tất cả những hành vi ứng xử như thế chỉ gây hại, không thể đưa nền giáo dục nước nhà hội nhập với thế giới.

Diệu Linh