Sở Giáo dục TP.HCM tăng cường phòng chống dịch bệnh trong trường học

07/09/2013 06:34
Ngọc Luân
(GDVN) -  Hôm nay, ngày 6/9/2013, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các trường học và cơ sở đào tạo trên địa bàn tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong trường học và vệ sinh môi trường đầu năm học 2013-2014.

Theo đó, các phòng Giáo dục và Đào tạo phải  phối hợp với ngành y tế địa phương tổ chức tập huấn, truyền thông các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong học đường, (nhất là với các bệnh nguy hiểm như: tay chân miệng, sốt xuất huyết, và cúm gia cầm… ) cho ban giám hiệu, cán bộ y tế các trường; giáo viên, bảo mẫu tại các trường mầm non và nhóm trẻ gia đình trên địa bàn.

Về phía các trường, phải tổ chức tổng vệ sinh toàn trường, đặc biệt là các cơ sở nội trú, bán trú ngay đầu năm học. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ trường lớp, bếp ăn, căn-tin, khu vệ sinh… Các khu vực vệ sinh phải có vòi nước rửa tay, đủ nước sạch, xà phòng. Mở cửa thông thoáng lớp học, hội trường, phòng làm việc, bếp ăn.


Thường xuyên kiểm tra bảo đảm trong khuôn viên trường học không có nước tù đọng, thả cá bảy màu ở hồ, chậu thủy cảnh để diệt lăng quăng. Bếp ăn, căn-tin nhà trường không sử dụng thịt và các sản phẩm gia cầm từ những điểm kinh doanh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.


Song song đó, các trường đẩy mạnh công tác dạy lồng ghép kiến thức và tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh cho học sinh nhằm tạo thói quen thực hành các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, cần đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác học sinh, sinh viên, tư tưởng, văn hóa, thể dục, thể thao và y tế trường học.


Đặc biệt, riêng đối với phụ huynh, khi phát hiện trẻ bệnh phải thông báo cho nhà trường biết để nhà trường cùng ngành y tế địa phương tổ chức xử lý kịp thời. Trẻ bị bệnh phải nghỉ học từ 7 đến 10 ngày nhằm tránh lây nhiễm cho trẻ khác.


Được biết, Sở lãnh đạo Giáo dục và Đào tạo TP. HCM sẽ phối hợp với Sở Y tế đi kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh tại các đơn vị ngay từ đầu năm học...


Theo số liệu thống kê của Viện Pasteur TP. HCM vừa công bố gần đây cho thấy, tại khu vực phía Nam, bệnh tay chân miệng vẫn là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất đối với trẻ em: 14 ca. Trong đó, số ca mắc bệnh tay chân miệng từ đầu năm đến nay là gần 25 nghìn ca. 


 Bệnh cúm xếp hàng thứ hai với 13 ca tử vong. Trong đó, bao gồm gần 94 nghìn ca mắc cúm mùa (tử vong 12 ca) và 2 ca cúm A/H5N1 (tử vong 1 ca).


Tiếp theo, sốt xuất huyết cũng có gần 12 nghìn ca mắc (10 ca tử vong). Các bệnh khác có số tử vong cao là viêm não do vi rút (7 ca) và bệnh dại (5 ca)...


Các chuyên gia y tế của Viện Pasteur TP. HCM cũng khuyến cáo: trẻ em trong độ tuổi đến trường là những đối tượng có nguy cơ cao nhất trước những dịch bệnh trên.

Ngọc Luân