Suy nghĩ về "cái phong bì" của một người thầy!

12/11/2016 07:46
Khánh Văn
(GDVN) - Không phải những phong bì hay món quà xa xỉ với thầy, cô món quà vô giá lớn nhất là sự biết ơn chân thành của học trò dành cho mình.

Trước vấn nạn phong bì trong ngành giáo dục khiến hình ảnh đẹp của thầy, cô mất dần trong suy nghĩ của học trò của dư luận. Tuy nhiên có phải phong bì là điều mà những "người lái đò" thực sự cần?.

Tất cả câu hỏi đó đã được thầy Nguyễn Văn Khánh giáo viên Trường THCS Vĩnh Hanh (Châu Thành, An Giang) chia sẻ thông qua bài viết được thầy gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Được sự đồng ý của tác giả, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin đăng tải bài viết mời độc giả theo dõi.

Điều những người thầy, người cô thực sự cần là lòng biết ơn chân thành từ học sinh chứ không phải món quà xa xỉ hay những chiếc phong bì lạnh lùng - Ảnh minh họa. Báo Pháp luật VN.
Điều những người thầy, người cô thực sự cần là lòng biết ơn chân thành từ học sinh chứ không phải món quà xa xỉ hay những chiếc phong bì lạnh lùng - Ảnh minh họa. Báo Pháp luật VN.

Nhiều năm nay, cứ gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam thì một sô Sở giáo dục lại chỉ đạo các đơn vị trực thuộc không được vận động tiền bạc của phụ huynh để lo quà cho thầy cô nhân ngày 20/11.

Đọc - ngẫm thấy buồn.

Người thầy có nhất thiết phải cần những vật chất đến như vậy không?

Hạnh phúc của những người khi theo đuổi nghề sư phạm đâu có đặt ra những món quà này, phong bì nọ.

Có những điều giản dị mà cao cả thiêng liêng hơn nhiều.

Cuộc sống hiện đại, đôi khi chúng ta quên đi những giá trị truyền thống và tình cảm “tôn sư trọng đạo”.

Đâu đó ta vẫn nghe, vẫn chứng kiến nhiều thầy cô giáo dễ dàng nhận những “phong bì” của học trò “tặng” cho mình.

Nhiều phụ huynh vẫn quan niệm tặng tiền cho thầy cô là thực tế nhất. Vì thế, những chiếc phong bì lạnh lùng vẫn được trao và nhận như là một lẽ tất nhiên trong cuộc sống.

Tình thầy trò còn không? Sao năm nào cũng có nhiều địa phương chỉ đạo cấm huy động tiền của phụ huynh?

Nhiều năm làm thầy nên cứ đến ngày 20/11 là tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại của người thân, bạn bè điện đến chúc mừng.

Niềm vui cũng xốn xang khi cuộc đời đã lựa chọn cái “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Khi người thân, bạn bè ở xa còn nhớ đến mình, nhất là trong cái ngày mà mọi hoạt động đều hướng về sự tri ân thầy cô giáo…

Song, cũng từ những cuộc điện thoại này đã làm tôi chạnh buồn và trăn trở với nghề nhiều hơn.

Những cuộc điện thoại gọi đến từ bạn bè người thân tựu trung lại cũng có hai ý.

Ý thứ nhất là chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam và ý thứ hai phần lớn đều xoáy quanh câu hỏi: “Nhận được nhiều phong bì và quà không?”.

Nhiều người còn hào hứng khoe rằng: mình có hai đứa con đi học, hôm nay tặng mất mấy cái phong bì cho thầy cô.

Làm nghề giáo thích thật, biết thế này thì ngày xưa cũng theo nghề giáo…

Vâng, “làm nghề giáo thích thật” cái nghề mà ra đường được học trò và nhiều người gọi bằng thầy.

Mỗi năm có một lần đơn vị tổ chức kỉ niệm để tri người thầy, mỗi nơi có một cách tri ân thầy cô khác nhau, cách thể hiện tình cảm khác nhau.

Và, chúng tôi những thầy cô trường huyện cũng có những niềm vui, niềm hạnh phúc đúng nghĩa của người thầy.

Học trò nơi chúng tôi đang dạy phần lớn là con em nông thôn nên những món quà các em tặng cũng chân chất, giản đơn như những con người sở tại.

Đó là những bông hoa giấy, là những tấm thiệp các em tự làm hay món quà nhỏ được các em kì công ghép từ những bông hoa dại, những cành cây khô…

Chỉ vậy thôi cũng đã ấm lòng đến lạ trong ngày 20/11.

Còn nhớ, ngày 20/11 năm ngoái, sau khi dự lễ kỉ niệm do nhà trường tổ chức, mấy anh em đồng nghiệp chúng tôi rủ nhau vào quán uống nước ven đường để tán gẫu vài ba câu chuyện không đầu không cuối.

Vẫn là chuyện trường lớp, vẫn là những trăn trở với nghề, những buồn vui của cuộc sống. Khi những ly nước vơi dần, mấy anh em chuẩn bị ra về, kêu tính tiền thì chủ quán ra (thay vì nhân viên ra lấy tiền) cương quyết không lấy tiền với lý do: “Em là học trò cũ của các thầy, hôm nay là ngày 20/11, em mời các thầy cô-những người đã từng dạy dỗ em nên người”.

Mặc dù chúng tôi đưa tiền và nói rất nhiều nhưng em chủ quán không nhận. Có lẽ hạnh phúc quá bất ngờ, không vì mấy chục nghìn bạc mà ở đó là câu chuyện thầy- trò, mặc dù cả 6 anh em không ai nhớ tên người học trò cũ trong hàng trăm học trò của mình đã từng dạy dỗ.

Song, sự gặp gỡ tình cờ, ngẫu nhiên để chúng tôi tin rằng đa phần tình thầy trò thời nào cũng đẹp, cũng luôn được coi trọng.

Hạnh phúc của người thầy không có gì hơn là được nhìn thấy học trò của mình thành đạt, biết lo học hành, lo cho tương lai, biết được trách nhiệm của mình với gia đình, với quê hương, đất nước.

Chỉ cần thế thôi là thầy cô cảm thấy hạnh phúc lắm rồi.  

Hạnh phúc của người thầy thời nay khi mà công nghệ thông tin phát triển đó là ngày này, khi vào facebook thấy tràn ngập hoa và thiệp cùng những lời chúc mừng của các em học trò cũ, bây giờ học cấp học khác hoặc là sinh viên của các trường đại học hay đã ra trường đi làm.

Những lời chúc, hỏi thăm trên facebook cũng làm cho cõi lòng người thầy xôn xao cảm xúc.

Mỗi lần ngày nhà giáo trôi qua, hạnh phúc bất ngờ của tôi không phải là những phong bì, không phải là những món quà xa xỉ như bao người từng nói mà sao hạnh phúc đến khôn cùng.

Thời nào cũng vậy, sự giản đơn, bình dị vẫn mãi là tình cảm trong sáng của tình thầy trò thiêng liêng và cao đẹp.

Khánh Văn