TS. Lê Viết Khuyến: Có thể dùng đề thi để tránh tiêu cực trong thi cử

08/07/2016 06:13
Xuân Trung
(GDVN) - Trong đề thi nên mạnh dạn dùng các dạng trắc nghiệm khách quan, đề dạng này không đòi hỏi học sinh học thuộc lòng nên mới hạn chế tiêu cực trong thi cử.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD&ĐT cho biết, cái được lớn nhất của Kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua là xã hội nhẹ nhàng hơn, bình an hơn, không ầm ĩ như những năm trước.

PV: Kỳ thi năm nay được Bộ GD&ĐT quán triệt quyết liệt ở từng địa phương về tính nghiêm túc, khách quan. Điều này sau kỳ thi đã được xã hội ghi nhận cao và đánh giá kỳ thi năm nay rất nhẹ nhàng, có đổi mới theo hướng thuận lợi cho thí sinh. Với góc nhìn của ông, ông đánh giá thế nào?

Ông Lê Viết Khuyến: Giữa lúc kỳ thi đang diễn ra thì tôi có chuyến công tác tại Cần Thơ và điều làm tôi ấn tượng là kỳ thi diễn ra êm đềm, cảm tưởng như kỳ thi không diễn ra, mà có lẽ nơi khác cũng như vậy.

Có lẽ lâu lắm rồi mới có một sự phối hợp giữa Bộ, các địa phương, cơ quan ban ngành về kỳ thi được làm tốt như năm nay, tôi thấy hướng đó là tích cực và có đổi mới. 

TS. Lê Viết Khuyến.
TS. Lê Viết Khuyến. 

Còn những điều tôi chưa hài lòng về kỳ thi cũng có thể là do những quyết định từ những năm trước, nên nếu muốn sửa có lẽ phải chờ năm tới hoặc những năm tiếp sau.

Ông có nghĩ rằng năm tới chúng ta sẽ phải đổi mới lại phương thức thi để tiến tới thật gọn nhẹ, nhưng cũng đánh giá được khách quan chất lượng kỳ thi?

Ông Lê Viết Khuyến: Tôi vẫn băn khoăn giữa hai loại cụm thi, bởi hai loại cụm thi này đề thi đều giống nhau, barem thi giống nhau, coi thi, chấm thi giữa hai loại này về tương quan có thể khác nhau.

TS. Lê Viết Khuyến: Có thể dùng đề thi để tránh tiêu cực trong thi cử ảnh 2

Ý kiến của thầy Văn Như Cương về thi quốc gia 2016

(GDVN) - Tôi thấy không nên tổ chức kỳ thi 2 trong 1. Bộ GD&ĐT không nên ôm toàn quyền mà nên trao quyền cho các cấp.

Quyền lợi của thí sinh ở hai loại cụm thi này cũng khác nhau, một bên để xét tốt nghiệp phổ thông, một bên dùng để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, chuyện này là chuyện không bình thường.

Có thể làm cho xã hội, cho thí sinh nghĩ rằng cụm thi địa phương sẽ gian lận nhiều hơn, chất lượng kém hơn.

Nếu hai cụm thi với hai loại đề thi khác nhau thì còn có thể chấp nhận được. Do đó, dứt khoát năm tới phải bỏ hai loại cụm thi này. Chỉ có một loại cụm thi.

Nhiều học giả, nhiều người vẫn nói đây là kỳ thi “hai trong một”, tôi nghĩ không phải, đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Có những ý kiến nói phải bỏ kỳ thi này để cho các địa phương tự ra đề, tự công nhận, đó là điều không được.

Nếu để địa phương tự công nhận sẽ đẻ thêm bệnh chạy theo thành tích. 

Như vậy thì chức năng của Bộ GD&ĐT ở đâu trong vấn đề quản lí thi?

Ông Lê Viết Khuyến: Bộ GD&ĐT không phải đứng ra quản lí kỳ thi này, mà Bộ chỉ việc ra đề, barem điểm, quy chế. Còn vấn đề tổ chức thi thì giao cho địa phương làm.

Dứt khoát kỳ thi này phải là kỳ thi quốc gia, Bộ là nơi ra đề thi, quyết định phương án thi, barem điểm. 

Các thi sinh tham gia Kỳ thi THPT Quốc gia 2016.
Các thi sinh tham gia Kỳ thi THPT Quốc gia 2016.

Hiện nay việc quy định 4 môn thi, trong đó có 1 môn tự chọn là góp phần giúp thí sinh học lệch, điều này cần điều chỉnh trong những năm tới vì hậu quả rất nghiêm trọng.

Điều nữa, đề thi hiện nay cơ bản vẫn theo dạng tự luận, đề thi không mang tính tiêu chuẩn và do đó kết quả thi chỉ dùng được cho năm đó, điều này phải thay đổi theo hướng dùng các đề thi tiêu chuẩn. Phải nhanh chóng xây dựng các ngân hàng đề thi tiêu chuẩn như Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm.

TS. Lê Viết Khuyến: Có thể dùng đề thi để tránh tiêu cực trong thi cử ảnh 4

Năm nay, thí sinh không được rút hồ sơ đã đăng ký

(GDVN) - Chiều 4/7, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi kỳ thi THPT quốc gia 2016, tại đây nhiều vấn đề “nóng” được lãnh đạo Bộ trao đổi.

Trong đề thi nên mạnh dạn dùng các dạng trắc nghiệm khách quan, đề dạng này không đòi hỏi học sinh học thuộc lòng nên mới hạn chế tiêu cực trong thi cử. Bên cạnh đó phải có barem điểm chuẩn, không phải cứ thi là đỗ 99%?

Trước đó dư luận cho rằng kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay khiến các trường đại học, cao đẳng khó chọn được học sinh, vi phạm quyền tự chủ…?

Ông Lê Viết Khuyến: Hoàn toàn không phải vậy. Đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, yêu cầu chỉ như vậy.

Việc xét tuyển hay thi tuyển vào từng trường là quyền của các trường. Bởi trường nào không tin vào kết quả của kỳ thi này hoàn toàn có thể có thêm những đợt thi khác của từng trường, điều này không ai cấm.

Tôi biết còn có những ý kiến nói nên bỏ kỳ thi THPT và để cho các trường tự tổ chức kỳ tuyển sinh riêng của mình, đó là xu hướng cực đoan mà đi ngược lại xu hướng chung của thế giới. 

Theo ông, hướng đổi mới kỳ thi năm tới nên vận dụng theo hướng như thế nào?

Ông Lê Viết Khuyến: Những điều tôi nói ở trên nếu khắc phục tốt thì sẽ tạo ra hướng đổi mới. Trong hoàn cảnh hiện nay nên vận dụng theo hướng tổ chức thi như Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm, từ cách làm đề, xây dựng đề, tổ chức thi để cho kỳ thi tốt nhất.

Còn năm nay thi vẫn theo lối mòn cũ nên đề thi không mang tính chất tiêu chuẩn. Đề thi tiêu chuẩn sẽ hạn chế được tiêu cực, học thuộc lòng, tính không toàn diện…

Trân trọng cám ơn ông.

Xuân Trung