Tại sao học sinh trái tuyến cứ bị đè ra thu tiền?

01/10/2018 09:32
Trương Lê
(GDVN) - Trong các đối tượng mà nhà trường nhắm tới để đặt ra các khoản thu phí thì phụ huynh học sinh trái tuyến là những người thường xuyên bị “è cổ” đóng tiền.

Bài 1, Bài 2, Bài 3

Nhà trường lấy lý do học sinh học trái tuyến phải đóng góp nhiều hơn, còn phụ huynh thì mang tâm lý con mình được học trái tuyến, học trường trung tâm thành phố nên đành cắn răng cam chịu.

"Tận thu" tiền học sinh trái tuyến

Năm học mới 2018-2019 chỉ mới bắt đầu được 6 tuần nhưng ngành giáo dục thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn đang đau đầu vì tình trạng lạm thu của các trường trên địa bàn thành phố.

Học sinh học trái tuyến tại Trường tiểu học Quang Trung phải đóng nhiều khoản thu phí vô lý. Ảnh: TL
Học sinh học trái tuyến tại Trường tiểu học Quang Trung phải đóng nhiều khoản thu phí vô lý. Ảnh: TL

Vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế đã phải yêu cầu trường Tiểu học Quang Trung và trường Tiểu học Trần Quốc Toản trả lại hàng trăm triệu đồng mà nhà trường thu sai từ học sinh trái tuyến.

Câu chuyện lạm thu tại thành phố Huế đã có từ nhiều năm nay, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, việc các trường thu thêm các khoản tiền ngoài quy định đa phần đều từ học sinh theo học trái tuyến. Điều này khiến nhiều phụ huynh đặt câu hỏi về sự công bằng ngay trong trường học.

Các Hiệu trưởng trần tình điều gì khi thu tiền của phụ huynh?

Thông thường, trước khi vào năm học mới, các trường tổ chức cuộc họp phụ huynh để thông báo tình hình trong năm học mới, đồng thời phổ biến những khoản thu, chi trong năm học.

Tại những cuộc họp này, các phụ huynh có con em học trái tuyến sẽ phải đóng tiền ủng hộ cho nhà trường thông qua Ban đại diện hội cha mẹ học sinh dưới các khoản thu “tự nguyện” để xã hội hóa giáo dục.

Ông Phan Văn Hải - Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, có những trường hợp, có con em vào học các trường trái tuyến phụ huynh phải đóng đến vài triệu đồng.

Ông Hải nhấn mạnh rằng, đa phần các phụ huynh đều “tự nguyện” thông qua Ban đại diện hội cha mẹ học sinh.

Tuy vậy vấn đề cần làm rõ đó là việc các học sinh học trái tuyến đóng tiền  cho nhà trường để làm gì? Trường sẽ dùng số tiền đó như thế nào?

Trả lời câu hỏi về việc tại sao học sinh trái tuyến lại cứ phải đóng tiền ủng hộ cho nhà trường, ông Hải nói rằng, học sinh trái tuyến là học sinh không phải người của địa phương.

Ngân sách hàng năm chi cho giáo dục của mỗi phường, xã là hỗ trợ cho con em trong từng địa phương, vì vậy các trường hợp trái tuyến phải ủng hộ cho nhà trường.

Các trường “lách” luật để lạm thu như thế nào ?

Ông Lâm Thủy - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế cho biết, sau khi phát hiện các trường thu không đúng quy định phòng đã yêu cầu trả lại, chấn chỉnh các trường lạm thu.

Lạm thu, toát mồ hôi với những con số mang tên tự nguyện (bài 2)

Trước thềm năm học mới, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo ngành giáo dục thu đúng, thu đủ các khoản theo quy định;

Tránh tình trạng lạm thu, tạo thêm gánh nặng cho phụ huynh và gây bức xúc trong nhân dân, xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục xảy ra vi phạm.

Khi được hỏi về trách nhiệm của Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung vì đã thu sai hơn 300 triệu đồng, ông Thủy nói rằng Hiệu trưởng trường này vừa nhận chức, kinh nghiệm còn thiếu nên chỉ yêu cầu rút kinh nghiệm chứ chưa kỷ luật.

Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế nói rằng, hiện có ba cách mà các trưởng sử dụng để lạm thu. 

Ông Thủy phân tích, các trường sử dụng Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Điều lệ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu tiền.

Trong thông tư này có quy định về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường sẽ “đá” sang cho phụ huynh học sinh về những khoản thu do ban này đứng ra kêu gọi nhằm xã hội hóa giáo dục.

Cách thứ hai đó là những khoản thu tự nguyện cho dù có nhiều phụ huynh không đồng ý với chủ trương của nhà trường.

Cách thứ ba đó là các khoản thu thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh không bài bản, không kỹ càng.

Ông Thủy thừa nhận rằng, hiện vẫn chưa có cách nào ngăn được tình trạng lạm thu cho dù Phòng nhiều lần gửi công văn về cho các trường để chấn chỉnh tình trạng này.

Ông Thủy cũng đề xuất rằng, để chấn chỉnh được nạn lam thu thì các trường không được lạm dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu tiền. Tất cả các khoản thu phải có sự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh.

Trong khi đó, ông Hải nói thẳng để “chống” lạm thu nên bỏ luôn cả việc xã hội hóa giáo dục.

(Còn tiếp)

Trương Lê