Tại sao học trò lại hò reo, hoan hô khi được báo cho nghỉ học?

13/01/2019 07:11
Phan Tuyết
(GDVN) - Phần lớn học sinh đi học đã thật sự vui? Thật sự được hạnh phúc chưa? Câu trả lời chẳng cần suy nghĩ gần như là chưa và chưa bao giờ được như thế.

Mới đây, trong một phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ “Muốn nâng cao được chất lượng giáo dục phổ thông thì cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ ngành, các bên liên quan (nhà trường – gia đình – xã hội) để học sinh đi học được hạnh phúc”.

Trước đây, ngành giáo dục luôn đưa ra mục tiêu làm sao để học sinh có được “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Nay là “đi học được hạnh phúc”.

Học sinh trường Tiểu học Tân An, La Gi, Bình Thuận (ảnh tác giả cung cấp)
Học sinh trường Tiểu học Tân An, La Gi, Bình Thuận (ảnh tác giả cung cấp)

Về ý nghĩa hai câu nói ấy chẳng có gì khác nhau. Vấn đề là phần lớn học sinh đi học đã thật sự vui? Thật sự được hạnh phúc chưa? Câu trả lời chẳng cần suy nghĩ gần như là chưa và chưa bao giờ được như thế.

Áp lực học hành khiến học sinh sợ học

Cứ làm cuộc khảo sát trực tiếp học sinh ở nhiều cấp học sẽ thấy ngay điều này. Sự mệt mỏi, căng thẳng của học sinh ở trường hiện ra khá rõ.

Trong buổi chào cờ, chỉ cần nghe thông báo “ngày mai các em sẽ được nghỉ học”. Tùy vào thông báo được nghỉ nhiều ngày hay ít thì lập tức tiếng ồ thích thú vang lên, tiếng cười nói rôm rả, những khuôn mặt sáng bừng vì hạnh phúc, nhiều học sinh còn không thể kìm nén niềm vui đưa tay lên vỗ liên hồi.

Tại sao học trò lại hò reo, hoan hô khi được báo cho nghỉ học? ảnh 2Giáo viên làm gì để học trò hạnh phúc?

Và phải vất vả lắm, giáo viên mới ổn định được trật tự trở lại. Nếu đi học là niềm vui, là niềm hạnh phúc thì khi nghe thông báo nghỉ học, các em phải buồn, phải nuối tiếc.

Nhưng đằng này, hình như chưa bao giờ giáo viên bắt gặp học sinh mình có được tâm trạng ấy.

Mỗi sớm mai tới trường, học sinh phải miệt mài ngồi học từ 7-8 tiết/ngày (dù Bộ Giáo dục đã quy định dạy không quá 7 tiết/ngày).

Học ở trường căng thẳng, tối về nhà các em còn phải học thêm và hoàn thành biết bao bài tập giáo viên yêu cầu. Có em phải thốt lên nghe thật nhói lòng “con ước gì được nằm ngủ một giấc mà không phải giật mình tỉnh dậy để đến trường”.  

Thậm chí đã có học sinh thốt lên “con sợ phải học lắm rồi! Ước gì con không phải học nữa!”

Những tiết học căng thẳng, mệt mỏi đã làm cho các em thấy sợ và chán nản. Với kiểu dạy nặng về lý thuyết, nhồi nhét nhiều kiến thức (chủ yếu chỉ học Toán và tiếng Việt) như hiện nay thì làm sao học sinh có thể vui và hạnh phúc cho được.

Dạy học phát triển kĩ năng từng cá thể

Khắc phục những yếu điểm của trường công, một số trường tư thục đã thực sự mang đến niềm vui cho người học. Điển hình phải kể kến Trường trung học phổ thông Trưng Vương Quảng Trị.

Ông Bùi Mạnh Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường cho biết, mục tiêu “mỗi ngày đến trường là một niềm vui” nhà trường đã hoàn toàn đạt được.

Bằng chứng là nhiều học sinh tan trường nhưng chưa muốn về nhà “cho con chơi thêm vài phút nữa”. Hoặc nhiều em đi học tranh thủ tới trường thật sớm để được chơi, được giải trí.

Với khuôn viên trường rộng khoảng 16 nghìn mét vuông có sân bóng đá, bể bơi, phòng đa năng, 4 sân cầu lông, sân khấu ca nhạc, 2 sân bóng đá nhân tạo, phòng học đàn, phòng khiêu vũ, phòng mỹ thuật, phòng học diễn kịch, phòng bóng bàn…

Trong trường, thật ra không cần đội cờ đỏ

Học sinh đến trường ngoài việc học văn hóa theo quy định, các em sẽ được quyền đăng kí tự chọn môn học theo sở thích, sở trường của mình.

Nhà trường không chỉ dạy và học đại trà các lớp theo năng khiếu, trong từng lớp học  năng kiếu ấy vẫn có chú trọng nâng cao thêm cho những học sinh có khả năng vượt trội hơn các bạn.

Với mục tiêu dạy học phát triển kĩ năng từng cá thể, trường Trưng Vương Quảng Trị không chỉ tạo cho học sinh sự vui thú, hào hứng trong học tập còn giúp các em thích học, thích được đến trường hơn.

Nhờ đó, khá nhiều học sinh nơi đây đã khẳng định được tài năng của mình qua các sân chơi năng khiếu trong toàn quốc.

Để học sinh đến trường thật vui, thật hạnh phúc

Niềm vui của học sinh cũng khá đơn giản. Các em học nhưng vẫn phải được vui chơi. Tôi nhớ mãi, cứ đến dịp tết nhà trường thường tổ chức buổi biểu diễn văn nghệ lớn mà học sinh là những diễn viên.

Mỗi lớp có từ 1 đến 2 tiết mục. Số học sinh tham gia cũng chỉ khoảng một nửa học sinh trong lớp là đủ.

Bao giờ cũng thế, khi chọn học sinh vào đội múa, hát hay diễn kịch giáo viên chúng tôi luôn rất phân vân vì gần như cả lớp đều có yêu cầu xin cô cho được vào đội văn nghệ.

Những ánh nhìn khát khao, những lời cầu xin tha thiết, những khoảnh khắc im lặng chờ đợi được thầy cô gọi tên. Khi tên em nào được nhắc đến, tiếng cười vui mãn nguyện hiện rõ trên những khuôn mặt ngây thơ ấy.

Và kể từ ngày ấy, các em hào hứng đến trường hơn, nhiều em vui cười hồ hởi. Nói thế để thấy được ngoài việc học, học sinh khát khao được vui chơi sinh hoạt đến mức nào.

Vậy nên hãy đừng bắt các em chỉ học và học. Cần tăng cường nhiều hoạt động giáo dục phát triển kĩ năng đặc biệt chú trọng việc phát triển kĩ năng từng cá thể. Và chúng tôi hy vọng, chờ đợi chương trình mới sẽ làm được điều này.

Phan Tuyết