Tại sao những tài liệu, hồ sơ của Hoàng Xuân Quế ở Bộ Giáo dục lại biến mất?

16/10/2016 12:03
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Quế bảo vệ luận án cấp nhà nước, là nghiên cứu sinh của Bộ nên hồ sơ phải được lưu trữ theo quy định và phải luôn được đảm bảo tính truy nguyên nguồn gốc.

LTS: Ngày mai (17/10), TAND Thành phố Hà Nội sẽ tuyên án vụ ông Hoàng Xuân Quế khởi kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Để đảm bảo tính khách quan, trung thực, thông tin đa chiều, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với LS.Trần Hồng Phúc – bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên khởi kiện.

Trong ý kiến của đại diện Bộ GD&ĐT nói rằng đã đối chiếu hồ sơ “gốc” của nghiên cứu sinh tại Thư viện Quốc gia. Tức là quyển luận án Bộ GD&ĐT thu thập gửi cho Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành kinh tế để thẩm định là bản “pho-to-cop-py”.

Do có nhiều ý kiến là Bộ không đối chiếu hồ sơ gốc nên tổ xác minh của Bộ đã mang quyển “pho-to-cop-py” này đến Thư viện Quốc gia đối chiếu với bản chính đang lưu giữ tại đây. Vì thế, Bộ cho rằng đã sử dụng bản “gốc” để đối chiếu với luận án của ông Mai Thanh Quế. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?

LS.Trần Hồng Phúc: Ở đây, hồ sơ "gốc" của nghiên cứu sinh phải là tài liệu được thu thập, hình thành trong quá trình theo dõi, giải quyết đối với việc đào tạo nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế từ khi bắt đầu đến khi cấp bằng tiến sĩ.

Ông Quế bảo vệ luận án cấp nhà nước, là nghiên cứu sinh của Bộ GD&ĐT nên hồ sơ này phải được lưu trữ theo quy định và phải luôn được đảm bảo tính truy nguyên nguồn gốc của quá trình đào tạo nghiên cứu sinh.

Pháp lệnh lưu trữ Quốc gia số 34/2001/PL-UBTVQH10 và sau này thay thế bằng Luật lưu trữ 2012, đều quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc quản lý hồ sơ lưu trữ.

Hồ sơ đào tạo, bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh là loại hồ sơ gốc của cán bộ, công chức nên thuộc nhóm tài liệu bảo quản vĩnh viễn theo quy định.

Điều 8 Luật lưu trữ 2012 còn có quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm là làm mất tài liệu lưu trữ, chuyển giao trái phép tài liệu lưu trữ.

Việc luận án gốc của ông Quế bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ năm 2003 cũng như các bản phản biện kín của các nhà khoa học hay một số tài liệu liên quan khác không còn dù với lý do bị mất hay chuyển đi đâu, đến nay không có hoặc đưa ra tài liệu khác thay thế nhưng không bảo đảm “tính tác giả”, tính truy nguyên nguồn gốc là của ông Quế thì Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm.

Luật sư Trần Hồng Phúc khẳng định, trách nhiệm lưu giữ hồ sơ "gốc" của nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. ảnh do LS.Phúc cung cấp.
Luật sư Trần Hồng Phúc khẳng định, trách nhiệm lưu giữ hồ sơ "gốc" của nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. ảnh do LS.Phúc cung cấp.

Hơn nữa, sau khi bảo vệ luận án, như ông Quế trình bày thì ông Quế còn phải sửa chữa, tiếp thu theo ý kiến của Hội đồng chấm luận án để hoàn chỉnh luận án mới đi nộp cho Bộ GD&ĐT, Thư viện Quốc gia và Thư viện trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Như vậy, trong hồ sơ gốc của ông Quế lưu tại Bộ GĐ&ĐT không chỉ có 02 quyển mà phải có 03 quyển luận án: 01 quyển được nộp trước khi bảo vệ để xin quyết định thành lập Hội đồng chấm luận án; 01 quyển nộp kèm theo hồ sơ bảo vệ tại buổi bảo vệ luận án và 01 quyền được nộp sau khi đã chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng chấm luận án.

Thấy rằng, tại tiểu mục 3.1 Mục III Hướng dẫn tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ ban hành kèm theo quyết định số 8217/SĐH ngày 01/9/2000 của Bộ Giáo dục và đào tạo v/v hướng dẫn đánh giá luận án tiến sĩ đã quy định rất rõ: “Sau khi bảo vệ thành công, nghiên cứu sinh phải nộp... quyển luận án nộp Thư viện Quốc gia bao gồm bản luận án (giống như bản đã nộp Bộ GD&ĐT)…”.

Như vậy, với quy định này, nghiên cứu sinh nộp luận án cho Bộ trước, sau đó mới nộp cho Thư viện Quốc gia. Bộ phải lưu giữ, quản lý luận án gốc này.

Tại sao những tài liệu, hồ sơ của Hoàng Xuân Quế ở Bộ Giáo dục lại biến mất? ảnh 2

Luật sư nói cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hành sự vô pháp

Điểm đặc biệt là tại Điều 27 Quy chế đào tạo sau Đại học ban hành kèm Quyết định số 18 ngày 08/6/2000 còn quy định: “Sau buổi bảo vệ luận án trước Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước 02 tuần, cơ sở đào tạo có trách nhiệm chuyển Bộ Giáo dục và Đào tạo toàn bộ hồ sơ của buổi bảo vệ luận án”.

Vì thế, nếu không có luận án gốc cùng hồ sơ bảo vệ của nghiên cứu sinh thì Bộ không thể thực hiện được trách nhiệm thẩm định kết quả bảo vệ luận án và cấp bằng tiến sĩ cho họ.

Điều này một lần nữa khẳng định Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý, lưu trữ hồ sơ bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh, phù hợp với sự thừa nhận của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Bộ GD&ĐT tại phiên tòa sơ thẩm.

Song không hiểu vì sao Bộ GD&ĐT có lưu hồ sơ này, nhưng lại không có những tài liệu quan trọng như vậy?!

Ngày 17/10, TAND thành phố Hà Nội sẽ tuyên án vụ ông Hoàng Xuân Quế kiện Bộ trưởng GD&ĐT. ảnh: HM.
Ngày 17/10, TAND thành phố Hà Nội sẽ tuyên án vụ ông Hoàng Xuân Quế kiện Bộ trưởng GD&ĐT. ảnh: HM.

Nếu vậy, việc xử lý đơn tố cáo đối với luận án của ông Hoàng Xuân Quế sẽ được xử lý thế nào khi không còn luận án “gốc”, thưa bà?

LS.Trần Hồng Phúc: Điều 27 Quy chế đào tạo sau Đại học ban hành kèm Quyết định số 18 ngày 08/6/2000 của Bộ GD&ĐT có quy định sau khi nghiên cứu sinh bảo vệ luận án trước Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước thì Bộ sẽ thẩm tra kết quả bảo vệ luận án.

Trường hợp cần thiết, Bộ thành lập Hội đồng thẩm định chất lượng luận án, quá trình đào tạo, quá trình hoạt động của Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước để làm cơ sở cho Bộ trưởng xem xét, quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án.

Nếu không còn cuốn luận án gốc, thì đương nhiên phải căn cứ vào hồ sơ bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh lưu giữ tại Bộ GD&ĐT để tham chiếu, kết luận, vì tôi cũng cho rằng trách nhiệm của Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước, các nhà khoa học phản biện kín, hội đồng thẩm định luận án sau khi nghiên cứu sinh bảo vệ xong là rất lớn.

Ngay tại khoản 4 Điều 41 Quy chế đào tạo sau Đại học ban hành kèm Quyết định số 18 ngày 08/6/2000 của Bộ GD&ĐT cũng quy định cả việc xử lý vi phạm đối với hành vi “đánh giá sai chất lượng luận án” bằng chế tài xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo luật định (tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm).

Theo đó, không thể ban hành quyết định hành chính thiếu căn cứ trên cơ sở loại trừ toàn bộ công sức, trí tuệ, danh dự, ý kiến đánh giá của các nhà khoa học phản biện kín, của Hội đồng chấm luận án và của Hội đồng thẩm định chất lượng luận án của Bộ GĐ&ĐT năm 2003 được.

Bà đánh giá ra sao về đề xuất thu hồi bằng tiến sĩ của Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành kinh tế học thành lập gửi đến Bộ GD&ĐT theo yêu cầu xác minh của Bộ này?

LS.Trần Hồng Phúc: Đề xuất này hoàn toàn sai!

Thứ nhất, như tôi đã phân tích tại Tòa án, theo quy định thì Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành kinh tế học không có chức năng, nhiệm vụ xác minh luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh đã được Bộ GD&ĐT cấp bằng tiến sĩ.

Thứ hai, căn cứ pháp lý để Hội đồng này đề xuất với Bộ GD&ĐT là dựa vào Điều 41 Quy chế đào tạo sau đại học ban hành kèm theo QĐ 18 ngày 08/6/2000 và Điều 47 Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT.

Tuy nhiên, Điều 41 Quy chế đào tạo sau đại học không có chế tài thu hồi bằng tiến sĩ, còn Điều 47 Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ thì ban hành vào tháng 5/2009, không áp dụng hiệu lực hồi tố đối với sự việc từ năm 2003 (văn bản ra đời sau không áp dụng đối với sự việc xảy ra trước đó).

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng, không có quy định nào của pháp luật cho phép Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành kinh tế học có thẩm quyền đề nghị Bộ GD&ĐT tiến hành thu hồi bằng tiến sĩ của nghiên cứu sinh.

Trân trọng cảm ơn bà!

Ngọc Quang