Tâm sự của một nhà giáo giấu tên về ấm ức tuyển sinh của trường ngoài công lập

30/03/2018 06:51
Thanh Sơn
(GDVN) - Trong nhiều năm qua, trường ngoài công lập dù tự chủ nhưng vẫn phải thực hiện rất nhiều các quy định chung như với các trường công lập.

Trong những ngày gần đây, câu chuyện về công tác tuyển sinh của các trường ngoài công lập (cả bậc phổ thông và đại học) lại nóng lên, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà giáo, nhiều phụ huynh, đồng thời cũng làm đau đầu nhiều nhà quản lý khi mùa tuyển sinh đang cận kề. 

Có dịp được lắng nghe những chia sẻ rất tâm huyết của một cô giáo (hiện cũng đang làm quản lý của một nhà trường), phóng viên thấy đây là những trăn trở rất đáng được ghi nhận trước yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện ngành giáo dục. 

Đã gần 30 năm kể từ khi trường phổ thông tư thục đầu tiên (trường Lương Thế Vinh của cố Phó giáo sư Văn Như Cương) ra đời. Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của mô hình, của hệ thống giáo dục ngoài công lập những năm qua cho giáo dục Việt Nam, đặc biệt tại các thành phố lớn của đất nước. 

Chưa có một con số thống kê nào cho thấy đã có bao nhiêu học sinh Việt Nam lớn lên từ những mô hình giáo dục mới mẻ, năng động, chủ động, được dựng xây bởi tâm huyết của những nhà giáo, nhà khoa học giáo dục, bởi sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất của những doanh nghiệp, doanh nhân.  

Giáo dục ngoài công lập đã góp phần giải quyết đáng kể vấn đề thiếu trường lớp cho con em tuổi đến trường (nhất là khi dân số cơ học tăng nhanh như hiện nay); 

Trong nhiều năm qua, trường ngoài công lập dù tự chủ nhưng vẫn phải thực hiện rất nhiều các quy định chung như với các trường công lập. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Trong nhiều năm qua, trường ngoài công lập dù tự chủ nhưng vẫn phải thực hiện rất nhiều các quy định chung như với các trường công lập. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Hơn nữa, các trường ngoài công lập mang đến cơ hội việc làm cho biết bao giáo viên tốt nghiệp từ các trường sư phạm; 

Đặc biệt, chất lượng đào tạo của nhiều trường ngoài công lập hiện nay đang tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, cần thiết để nâng cao chất lượng chung của hệ thống giáo dục quốc dân…

Luật Giáo dục sửa đổi 2009 đặt ra vấn đề khuyến khích xã hội hóa giáo dục, Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư làm thật tốt trong lĩnh vực này.

Hưởng ứng chủ trương xã hội hóa giáo dục này cùng với việc tự chủ hoàn toàn về tài chính, về nhân sự, các trường ngoài công lập cũng tự chủ về việc lựa chọn chương trình học theo mục tiêu đào tạo của riêng mình. 

Mỗi nhà trường, với điều kiện về cơ sở vật chất khác nhau, dịch vụ giáo dục khác nhau, chương trình đào tạo và cách tổ chức các hoạt động giáo dục khác nhau….sẽ có mức học phí và đối tượng học khác nhau. 

Tâm sự của một nhà giáo giấu tên về ấm ức tuyển sinh của trường ngoài công lập ảnh 2Trường tư và phận làm em ăn thèm, vác nặng

Do đó, phụ huynh  lựa chọn  trường ngoài công lập theo nguyên tắc tự nguyện và thỏa thuận.

Chính vì thế, nỗ lực quan trọng nhất của trường ngoài công lập là làm sao để phụ huynh- học sinh yêu thích, tin tưởng và lựa chọn mình. 

Tuy nhiên, để các nhà trường ngoài công lập có điều kiện phát triển tốt hơn, hoạt động theo đúng những quy định của pháp luật, yên tâm và tự tin đầu tư để đa dạng hóa các mô hình giáo dục, đáp ứng nhiều nguyện vọng của phụ huynh…., họ luôn cần có sự quản lý, hướng dẫn, tạo điều kiện và khích lệ của các cơ quan quản lý các cấp. 

Trong nhiều năm qua, trường ngoài công lập dù tự chủ nhưng vẫn phải thực hiện rất nhiều các quy định chung như với các trường công lập. Từ đó đã bộc lộ những bất cập, làm khó cho các nhà trường – đặc biệt là về công tác tuyển sinh.

Đơn cử như tại Hà Nội, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp (cả trường công và trường tư).

Tâm sự với phóng viên, nhà giáo này thừa nhận rằng, hướng dẫn này rất đúng, rất phù hợp với sự vận hành của các trường công lập vì họ được nhà nước đầu tư và hoàn toàn ổn định về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên, về tài chính, được đón nhận học sinh theo phân bổ của địa phương, theo tuyến tuyển sinh, theo đúng thời gian và cách thức quy định…

Tâm sự của một nhà giáo giấu tên về ấm ức tuyển sinh của trường ngoài công lập ảnh 3Những gì giáo dục công lập không lo được, hãy để xã hội làm

Bởi lẽ, để có thể phân bổ chỉ tiêu cho các trường công lập, hàng năm, các cơ quan quản lý phải cho điều tra, thống kê học sinh theo độ tuổi sẽ vào các lớp đầu cấp ngay từ cuối kỳ I- đầu kỳ II của năm học trước…, từ đó có kế hoạch chỉ đạo các nhà trường chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp nhận học sinh.

Trong khi các trường ngoài công lập phải tự chủ tất cả các vấn đề đó, cho nên đáng lẽ sự chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm học sau của họ còn phải sớm hơn rất nhiều nhưng theo yêu cầu của Sở thì thời điểm tuyển sinh của trường công lập và tư thục như nhau nên trường ngoài công lập “chết đứng”. 

Trên quan điểm cá nhân, nhà giáo này cho rằng, việc các trường ngoài công lập phải hội thảo giới thiệu mô hình, chia sẻ với phụ huynh, tư vấn với phụ huynh về chương trình học, đón phụ huynh tham quan cơ sở vật chất, đăng tải công khai những dự kiến về chỉ tiêu tuyển sinh, về các mức phí, phương án xét tuyển xếp lớp, các chính sách học bổng, ưu đãi của năm học sau...hoàn toàn bình thường.

Việc làm đó không ảnh hưởng gì tới an ninh, an toàn xã hội.

Bởi lẽ, việc phụ huynh có con chuẩn bị vào các lớp đầu cấp tìm hiểu các nhà trường, lựa chọn môi trường giáo dục cho con phù hợp với điều kiện địa lý, với định hướng tương lai, với khả năng tài chính của gia đình…là việc thường diễn ra trước hàng năm. 

Khi gặp được một cơ sở giáo dục nào đó phù hợp, phụ huynh đăng ký trước 1 chỗ cho yên tâm cũng là việc hết sức bình thường. 

Và việc trường ngoài công lập thăm dò nhu cầu của phụ huynh cho năm học mới để có thời gian chuẩn bị chu đáo về phòng học, đội ngũ giáo viên, các điều kiện chăm sóc tương ứng (ăn, ngủ, xe đưa đón….) là hết sức cần thiết. 

Từ những năm học trước, một số thành phố lớn trong cả nước (như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…) đã chủ trương giao quyền tự chủ về công tác tuyển sinh cho các trường ngoài công lập. 

Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng năm vẫn luôn có những điều chỉnh, bổ sung về quy chế của các kỳ thi, phương thức xét tuyển… phù hợp. 

Từ những thực tế đó, nhà giáo nay tha thiết mong Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cũng như các địa phương khác sớm có giải pháp, có những điều chỉnh về quy định, về hướng dẫn công tác tuyển sinh ngay từ năm học 2018-2019 cho phù hợp thực tế, giúp khối các trường ngoài công lập sánh bước cùng các trường công lập phát triển, làm phong phú bức tranh giáo dục nước nhà. 

Tổ chức Hội thảo Tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp

Với mong muốn góp phần tháo gỡ những khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường tư thục, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo về tuyển sinh ở các trường tư thục với mong muốn tìm kiếm các giải pháp đóng góp cho công tác quản lý của các Sở giáo dục và Đào tạo, đồng thời cũng tìm ra những giải pháp khắc phục khó khăn cho các trường tư thục.

Hội thảo diễn ra từ 8h30-11h ngày 26/4/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.

Để đăng ký tham dự hội thảo và gửi các ý kiến đóng góp tìm kiếm giải pháp, tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường tư thục, xing vui lòng liên hệ:

toasoan@giaoduc.net.vn

– Hotline: 0938.766.888 - 0243.5569.666
Thanh Sơn