Tâm sự đầy nước mắt của cô giáo bị phụ huynh đánh thủng màng nhĩ

30/06/2018 07:04
An Nguyên
(GDVN) - Cũng như bao giáo viên mầm non khác, cô Mai cũng mang một nỗi buồn với nghề khi nhiều phụ huynh cứ xem các cô là những “ô-sin” giữ trẻ.

Đó là tâm sự đầy trăn trở của cô giáo Nguyễn Thị Xuân Mai (sinh năm 1997).

Những ngày nằm trên giường bệnh, đau đớn bởi vết thương do phụ huynh gây ra, cô Mai vẫn chưa biết quyết định thế nào về con đường phía trước: Nên tiếp tục đi dạy hay kiếm một công việc khác (!?).

Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Mai đang được các y bác sĩ chăm sóc. Ảnh: TT
Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Mai đang được các y bác sĩ chăm sóc. Ảnh: TT

Đầu năm 2017, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Xuân Mai tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non Quảng Nam mang theo biết bao tâm huyết, hoài bão cống hiến với nghề.

Ra trường, để theo đuổi đam mê, Mai chấp nhận về dạy tại cơ sở mầm non Sen Hồng (xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam) cách nhà mấy chục cây số.

Suốt hơn một năm lăn lộn với nghề, thấm thía nỗi nhọc nhằn của một cô giáo mầm non nhưng Mai vẫn giữ được ngọn lửa nghề, không quản ngại khó khăn.

Phụ huynh kéo côn đồ xông vào trường đánh cô giáo thủng màng nhĩ

“Nhà ở xa, nên em phải thuê trọ ở gần trường để tá túc, chỉ cuối tuần được nghỉ mới về nhà. Lương giáo viên mầm non thì được gần 3 triệu, phải chi trả 600.000 đồng tiền nhà trọ. Cuộc sống chật vật nhưng vui với trẻ thơ hồn nhiên”, Mai tâm sự.

Nụ cười khẽ trên môi cô giáo trẻ bỗng hằn lại vì vết thương ở đầu lại đau. Đến bây giờ, cô cũng không hiểu vì sao phụ huynh lại xông vào trường đánh mình đến ngất xỉu, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.

“Em không dạy lớp cháu PTMT., cũng không hề đánh trẻ. Vậy mà phụ huynh lại kéo theo người nhà đến đánh em một cách vô cớ”, Mai nghẹn ngào nói.

Cô chia sẻ rằng, từ ngày vào nghề chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày mình sẽ bị phụ huynh đánh nhất là lại đánh vì lý do “hành hung trẻ”.

Bởi khi đã xác định chọn nghề này thì phải yêu quý trẻ như con, cháu trong nhà, sao lại nỡ ra tay đánh đập.

“Phụ huynh nên bình tĩnh trước mọi thông tin, để tìm hiểu kỹ càng, không nên vô cớ, nóng giận mà hành hung giáo viên như vậy”, cô Mai ấm ức nói.

Suốt nhiều ngày liền thức trắng bên giường bệnh của con, bố mẹ của Mai trông phờ phạc, mệt mỏi.

Vì người gầy yếu nên việc lấy ven khi chích thuốc cho Mai trở nên khó khăn. Nhìn con quằn quại đau đớn sau mỗi lần y tế chích thuốc, mẹ của Mai thở dài buồn bã:

“Cái nghề gì đến bạc bẽo. Mai nó yêu con nít từ nhỏ nên muốn theo nghề dạy trẻ, vậy mà bị đánh đến nỗi thủng màng nhĩ”.

Dù đã tham gia giảng dạy được hơn một năm nhưng mãi tới đầu tháng 6 Mai mới chính thức được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Niềm vui chưa được “tày gang” thì nỗi buồn kéo đến.

Cô cũng như gia đình chỉ muốn công an vào cuộc để điều tra, làm rõ hành vi của ông T. (phụ huynh cháu PTMT.), để trả lại sự công bằng cho cô và nhà trường.

Vì như cô nói, cô không phải giáo viên chủ nhiệm lớp cháu T. và hình ảnh camera ghi lại cũng không cho thấy có hiện tượng bạo hành…

Với em việc đánh đập trẻ là một tội lỗi. Em muốn cơ quan công an vào cuộc để làm sáng tỏ sự việc, có hay không việc đánh trẻ.

Cục Nhà giáo yêu cầu xử lý vụ phụ huynh đánh, bắt giáo viên thực tập quỳ

Việc này ảnh hưởng rất lớn đến danh dự của bản thân em và nhà Trường, nó sẽ là vết hằn đầy ám ảnh về nghề đối với em”, Mai nói rồi ánh mắt cô thoáng buồn.

Chia sẻ về dự định trong những ngày tới, Mai khóc nghẹn: “Sau sự việc này cũng chưa biết khi nào em mới được đi làm lại. Dù rất buồn nhưng em thực sự vẫn còn yêu nghề, thấy nhớ những đứa trẻ”.

Cũng ít ai biết rằng, chỉ còn ít ngày nữa thôi, cô Mai sẽ lên xe hoa về nhà chồng. Bao dự định về một cuộc sống mới để tận tâm cống hiến với nghề nhưng lại bị “dội một gáo nước lạnh”.

Cũng như bao giáo viên mầm non khác, cô Mai cũng mang một nỗi buồn với nghề khi nhiều phụ huynh cứ xem các cô là những “ô-sin” giữ trẻ. 

Họ đưa con đến trường và đòi hỏi các cô phải chăm sóc chúng như những “ông hoàng, bà chúa”.

Chỉ cần con họ bị sút cân, bị một vết xước nhỏ… thì ngày hôm sau, cô giáo chủ nhiệm phải “giải trình” mệt nghỉ. Và nặng hơn là như trường hợp của cô Mai sẽ bị đánh đến nhập viện.

Dẫu biết nghề nào cũng có những khó khăn, nhọc nhằn riêng, nhưng riêng với giáo viên mầm non rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu của mỗi phụ huynh.

An Nguyên