Tâm sự nhói lòng của những cô cậu bé tiểu học

28/05/2018 06:21
Phan Tuyết
(GDVN) - Con thương mẹ nhưng cũng thương ba nữa vì ba bị đau đầu. Ba mẹ mà bỏ nhau, con ở với mẹ lại không có ba, ở với ba lại chẳng có mẹ. Con muốn ở với cả hai.

LTS: Việc cha mẹ cãi nhau trước mặt con cái có thể sẽ làm ảnh hưởng tới tâm lý cũng như sức khỏe của các con.

Từ những dòng tâm sự chất chứa nhiều cảm xúc của các em học sinh, cô giáo Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Gia đình nào cũng có những phút giây vui vẻ, hạnh phúc, những lúc xích mích, giận hờn, những buồn vui, lục đục với muôn ngàn vạn lý do mà nguyên nhân có thể đến từ hai phía hay đơn giản chỉ là những xung đột về cách nuôi dạy con cái

Thế nhưng, biết dung hòa những vui buồn ấy để không làm ảnh hưởng đến các con lại không phải gia đình nào cũng làm được.

Ba mẹ cãi nhau trước mặt con cái sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con (Ảnh minh họa: Sài Gòn Tiếp Thị).
Ba mẹ cãi nhau trước mặt con cái sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con (Ảnh minh họa: Sài Gòn Tiếp Thị).

Không ít gia đình, các bậc cha mẹ thường hay thờ ơ vì họ luôn có suy nghĩ “trẻ con thì biết gì” nên không bao giờ để ý đến sự hiện diện của các em.

Vì thế, họ cũng chẳng cần quan tâm chuyện buồn gia đình ấy tác động đến các con như thế nào?

Buồn gia đình, trẻ sẽ có nhiều cách phản ứng. Có em lặng lẽ trầm ngâm; em bất ngờ lì lợm, khó bảo; em lại thường lên tâm sự với thầy cô; em lại thể hiện trong các bài viết của mình…

Là giáo viên, tôi luôn thân thiện và gần gũi học sinh của mình nên mỗi ngày đến lớp chỉ cần lướt qua các khuôn mặt nhí thân quen là biết ngay em nào đang có tâm sự.

Chỉ vài câu gợi mở “hôm nay, con có chuyện buồn à? Con có thể chia sẻ cùng cô?” là có thể sẽ được nghe những giọng nói non nớt cất lên đầy tâm trạng.

Cô bé Linh một học sinh lớp 2 Trường tiểu học Tân An nơi tôi giảng dạy đã khá nhiều lần thổn thức nói rằng: “Con buồn lắm, hôm nay ba đánh mẹ.

Con thương mẹ nhưng cũng thương ba nữa vì ba bị đau đầu. Ba mẹ mà bỏ nhau, con ở với mẹ lại không có ba, ở với ba lại chẳng có mẹ. Con muốn ở với cả hai”.

Tâm sự nhói lòng của những cô cậu bé tiểu học ảnh 2Chúng ta đã thực sự hiểu con và hiểu mình?

Nói rồi, cô bé khóc tu lên một cách tức tưởi.

Lại có lần, khi tôi vừa bước vào lớp để chuẩn bị cho tiết dạy, em hồ hởi khoe lớn:

“Cô ơi! hôm nay, ba về ngoại xin lỗi ngoại và mẹ rồi. Ba nói ba không bao giờ làm thế nữa và mẹ con nói đã tha thứ cho ba”.

Và suốt cả buổi học hôm ấy, cô bé hàng ngày luôn trầm tư buồn rầu cứ luôn miệng hát, nói, cười một cách rất hồn nhiên.

Lần khác, trong một bài tập làm văn yêu cầu “em hãy kể về gia đình em”. Một học sinh viết rằng: “Gia đình em buồn lắm. Ba mẹ thường xuyên cãi nhau.

Có lần đang ăn cơm, ba hất đổ mâm cơm rồi nói: “Bà lúc nào mở miệng cũng tiền, tiền, tiền. Tiền có cướp được đâu mà nhiều thế? Đây chán cái nhà này rồi, đi làm cực khổ về đến nhà như cái địa ngục”.

Thế là cuộc hỗn chiến của hai người bùng lên dữ dội. Dũng nói mình chỉ biết khóc thôi.

Hay như tâm sự nhói lòng của cô bé Xuân Nhi học sinh lớp 3 mà bất cứ ai nghe được cũng cần phải xem lại trẻ sẽ bị tổn thương đến nhường nào khi sống trong gia đình không phải là tổ ấm.

“Khi tôi được sinh ra, sống chung trong một căn nhà với bố và mẹ, tôi thấy rất hạnh phúc và ấm áp.

Vào một ngày nọ, bố mẹ giận nhau. Tôi thấy rất cô đơn, trái tim tôi như đang tan vỡ đi và trong lòng tôi rất buồn.

Cứ thế vì giận nhau mà bây giờ tôi không còn gia đình nữa, mà bố mẹ phải ở mỗi người một nhà coi như không quen biết.

Nếu ai có gia đình, xin hãy hiểu cho gia đình của tôi, đừng giận nhau”.

Những lời tâm sự nhói lòng của cô bé Xuân Nhi học sinh lớp 3 (Ảnh: tác giả cung cấp).
Những lời tâm sự nhói lòng của cô bé Xuân Nhi học sinh lớp 3 (Ảnh: tác giả cung cấp).

Đọc lá thư nhỏ được nhét sâu vào trang vở, mẹ cô bé đã phải rơi nước mắt vì không ngờ chuyện của người lớn đã làm tổn thương con trẻ đến như vậy.

Ba mẹ cô bé vốn không thể dung hòa những khúc mắc, những suy nghĩ trái chiều nên hai người đã sống ly thân. Xuân Nhi cùng cậu em trai lớp Lá sống với mẹ.

Đã khá nhiều lần em lấy điện thoại của mẹ để nhắn cho ba. Mẹ em đã vô cùng bất ngờ khi đọc được dòng chữ cô bé chưa kịp gửi “em muốn gặp anh để nói chuyện. Em và con nhớ anh lắm”.

Em đã rất nỗ lực để ba mẹ hàn gắn những xích mích. Bên mẹ, em tha thiết “con muốn gia đình mình sum họp như xưa. Con muốn cuộc sống có cả ba và mẹ”.

Ở bên ba, em lại năn nỉ “ba nói chuyện với mẹ đi. Con trai thì phải nói chuyện trước chứ”.

Khi được nghe ba hỏi “nếu ba mẹ chia tay, con sẽ ở với ai?”. Có lẽ muốn gây áp lực để ba mẹ về với nhau, em đã trả lời “con muốn ở với cả hai hoặc là không ở với ai cả”.

Tâm sự nhói lòng của những cô cậu bé tiểu học ảnh 4Cha dạy con kỹ năng nhìn nhận cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc, thành công

Chỉ khi thật sự chứng kiến những lời nói, những hành động của ba dành cho mẹ, Xuân Nhi mới bất ngờ thay đổi ý định “con đồng ý cho mẹ ly dị. Vì về sống chung với ba, mẹ sẽ khổ lắm”.

Những đứa trẻ sống trong môi trường gia đình luôn “xảy ra chiến sự” với những cuộc cãi vã, thậm chí những bạo hành giữa các bậc sinh thành thì những nỗi niềm u uẩn trong lòng các em cứ tích tụ, lớn dần hình thành những tổn thương tâm hồn và hằn sâu trong tâm tưởng.

Nếu chúng không biết kìm chế sẽ có nhiều chuyện buồn xảy ra.

Vậy nên, việc kìm nén cơn giận trước mặt các con phải được nghĩ đến đầu tiên khi có ý định “khẩu chiến”.

Thay vì cãi nhau, chửi rủa, mạt sát nhau thậm chí đánh nhau trước mặt con, các ông bố bà mẹ cần cân nhắc thật cẩn thận.

Đừng vì thỏa mãn tính hiếu thắng cá nhân mà các bậc làm cha mẹ quên đi con cái mình đang bị tổn thương rất nhiều.

Vì con, chúng ta cũng có thể bỏ qua cho nhau, “chín bỏ làm mười” để những đứa trẻ ấy được sống trong tình yêu thương của cả cha và mẹ.

Phan Tuyết