Tâm tư của tân giáo viên ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi

31/08/2018 09:17
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Khác với thành phố Đà Nẵng, cách làm của 14 huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi là thí sinh phải chọn trường trước khi tham gia thi tuyển.

LTS: Bàn về việc thi tuyển giáo viên tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi, thầy giáo Sông Trà chia sẻ bài viết về tâm tư của những giáo viên nơi đây xung quanh chủ đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Năm học mới 2018 - 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng có 84 chỉ tiêu tuyển giáo viên trung học phổ thông cho các trường đang thiếu giáo viên theo quy định.

519 thí sinh trong và ngoài thành phố Đà Nẵng tham dự kỳ thi tuyển, với 5 môn điều kiện như tin học, ngoại ngữ, kiến thức chung, chuyên ngành, thực hành trên lớp.

Kết quả đã có 79 giáo viên trúng tuyển, trong đó có 25 giáo viên ngoại tỉnh.

Sáng ngày 30/8, các thí sinh tham gia việc chọn trường. Sáng ngày 31/8, các tân giáo viên nhận quyết định bổ nhiệm về các trường.  

Đà Nẵng và Quảng Ngãi đều đã áp dụng hình thức thi tuyển giáo viên. Ảnh minh họa: http://pgdquangngai.edu.vn/
Đà Nẵng và Quảng Ngãi đều đã áp dụng hình thức thi tuyển giáo viên. Ảnh minh họa: http://pgdquangngai.edu.vn/

Năm nay Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng để cho các giáo viên mới trúng tuyển tự chọn trường. Theo thứ tự trúng tuyển từ cao đến thấp, ai cũng có quyền chọn…

Các khâu coi thi, chấm thi cũng như cách làm mới này của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Đà Nẵng đã được nhận sự đồng tình, đánh giá cao của mọi thí sinh và dư luận xã hội.

Cô giáo Nguyễn Tường Vi, dạy môn Ngữ văn (quê ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã trúng tuyển tại đây và quyết định chọn Trường Trung học phổ thông Trần Phú (quận Hải Châu) nhận xét:

Tôi thấy việc tổ chức cho các giáo viên mới được chọn trường theo kết quả trúng tuyển như thế này rất đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của giáo viên”.

Tâm tư của tân giáo viên ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi ảnh 279 giáo viên trúng tuyển được lựa chọn trường để dạy

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh cho rằng: 

Việc tổ chức cho giáo viên tự chọn trường là để bít bớt những “cái lỗ” xin – cho, và chúng tôi không muốn có sự xin – cho trong giáo dục.

Cứ tưởng xin – cho là mình có quyền lực, nhưng thực ra đó là quyền lực ảo.

Ví dụ có mấy ông “ở trên” gửi người xuống, hoặc người thân, bạn cũ và đủ thứ mối quan hệ khác thì xử lý thế nào?

Càng bịt được các lỗ xin – cho thì Giám đốc càng mạnh mẽ, thanh thản. Quan niệm của chúng tôi là như thế.

Có người bảo chúng tôi cứ duy trì xin – cho để mình có quyền. Nhưng quyền gì mà quyền?

Mấy ông “ở trên” mà gửi người xuống thì mình ăn không ngon, ngủ không yên, vì thu xếp cho người này thì lại không công bằng với người khác, lo đến rã người ra chứ quyền gì mà quyền!”.( Báo infonet)

Tại Quảng Ngãi, sau khi Sở Nội vụ công bố kết quả điểm chấm thẩm định của kỳ thi này tại Hội đồng thi tuyển giáo viên của 11 huyện trong toàn tỉnh gồm: Huyện Bình Sơn, Lý Sơn, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tịnh, Sơn Tây, Ba Tơ, Tư Nghĩa và Tây Trà, Ủy ban nhân dân các huyện nói trên đã chỉ đạo Hội đồng thi tuyển giáo viên huyện lấy kết quả chấm thẩm định tổng hợp vào kết quả thi của huyện và xác định lại thí sinh dự kiến trúng tuyển.

Tâm tư của tân giáo viên ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi ảnh 3Quảng Ngãi thi tuyển giáo viên, 3 lần chấm, 3 mức điểm, thật không thể tin nổi

Đến ngày 30/8, Ủy ban nhân dân 11 huyện ở đây đã hoàn tất công việc sắp xếp, phân bổ các thí sinh trúng tuyển và trước khai giảng năm học mới, các tân giáo viên sẽ nhận quyết định về công tác tại các trường đang thiếu giáo viên.

Khác với thành phố Đà Nẵng, cách làm của 14 huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi là thí sinh phải chọn trường trung học phổ thông; huyện, thành phố trước khi tham gia thi tuyển.

Đối với các huyện gồm 3 cấp học: mầm học, tiểu học và trung học cơ sở, các tân giáo viên dạy trường gần hay trường xa thì phụ thuộc cách sắp xếp của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ và quyết định cuối cùng của Chủ tịch huyện, thành phố.

Em N., trúng tuyển ở hội đồng tuyển sinh huyện Sơn Tịnh, sáng ngày 30/8 lên huyện nghe, xem thông báo biết mình sẽ được phân công về công tác tại một trường thuộc xã khu Tây huyện Sơn Tịnh.

Cô tân giáo viên này không được vui cho lắm vì gia đình cô hiện đang thường trú tại khu Đông huyện Sơn Tịnh trước đây (nay thuộc thành phố Quảng Ngãi), cách trường sắp đến dạy trên 20 cây số, lại đang có hai con nhỏ, chồng đi làm ăn xa.

Cô thổ lộ: “Em phải cố gắng thôi, chứ biết làm sao bây giờ. Mơ ước được đi dạy chính thức đã trở thành hiện thực rồi, chẳng lẽ chỉ do đường xá xa xôi một tí mà chán nản hay sao?

Nói đúng ra, em vẫn còn may mắn hơn nhiều các thầy cô giáo trúng tuyển ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa - nơi giao thông, điều kiện trường lớp còn khó khăn, thiếu thốn nhiều.

Tâm tư của tân giáo viên ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi ảnh 4Không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên trước thềm năm học mới

Hiệu trưởng một trường tiểu học (đề nghị không nêu tên và địa chỉ trường cụ thể) ở huyện miền núi Ba Tơ cho biết:

Nhiều năm nay, về đội ngũ giáo viên của trường tôi luôn trong tình trạng xáo trộn, một số thầy cô giáo đúng tuổi và trước tuổi nghỉ hưu, một số giáo viên xin chuyển trường về xuôi, một số giáo viên hợp đồng nghỉ dạy giữa chừng, số lớp tăng…

Năm nay, nhờ có tổ chức thi tuyển dụng mà trường tôi nhận thêm 3 giáo viên mới, đỡ bớt khó khăn, áp lực, lo lắng về đội ngũ nhà giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương cần có chiến lược, tầm nhìn, quy hoạch cụ thể, dài hơi về trường lớp, đội ngũ giáo viên… để ngành giáo dục đi vào ổn định dài lâu, không bị động, rời rạc như hiện nay.

SÔNG TRÀ