Tất cả thầy cô giáo phổ thông lại phải làm sáng kiến kinh nghiệm

12/10/2018 07:51
THIÊN ẤN
(GDVN) - Giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông…trực thuộc các Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo thì bắt buộc phải làm đề tài/sáng kiến kinh nghiệm tất cả.

LTS: Trước việc tất cả các thầy cô giáo phổ thông phải làm sáng kiến kinh nghiệm, tác giả Thiên Ấn đã có bài viết thể hiện quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thông tư Số: 22/2018/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 28 /8/2018 về việc hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/10/2018 thay thế Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục.

Quyết định số 26/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 29/8/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” và Quyết định số 27/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 29/8/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.  

Tất cả thầy cô giáo phổ thông lại phải làm sáng kiến kinh nghiệm ảnh 1Dạy giỏi, tích cực, nhiệt tình... cũng không bằng một sáng kiến kinh nghiệm

Thông tư mới này cũng đưa ra một số yêu cầu cụ thể đối với việc xét thi đua, khen thưởng:

1. Không áp đặt chỉ tiêu thi đua, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện tham gia thi đua của tập thể, cá nhân theo quy định.

2. Việc xét thi đua, khen thưởng phải căn cứ vào tiêu chuẩn, thành tích đạt được gắn với minh chứng, sản phẩm cụ thể, thiết thực của tập thể, cá nhân.

3. Việc đánh giá, công nhận các danh hiệu thi đua và phạm vi ảnh hưởng của thành tích phải phù hợp với kết quả đánh giá, xếp loại công chức, viên chức, người lao động, số lượng công chức, viên chức, người lao động được đề nghị xét công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, các hình thức khen thưởng cấp Bộ đảm bảo không quá 1/3 là cán bộ quản lý.

4. Không xét khen thưởng các tập thể, cá nhân, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu có tập thể hoặc cá nhân thuộc quyền quản lý vi phạm một trong các điểm sau: kê khai không đúng thành tích đạt được; vi phạm đạo đức nhà giáo, đạo đức người học; vi phạm quy chế tuyển sinh, quy chế thi, dạy thêm, học thêm; thu chi sai quy định làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục của đơn vị, địa phương, của ngành.

Tại Thông tư số 35, ở Điều 10 và 11 để xét công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Bộ” cho cá nhân có một trong các thành tích  dưới đây được tính là đề tài hoặc sáng kiến kinh nghiệm (tức là không phải làm sáng kiến kinh nghiệm): Đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường (bậc trung học phổ thông), đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện (bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở); Tham gia soạn thảo đề án, dự án, quy chế, văn bản quy phạm pháp luật.

Hay trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được 1 học sinh đạt các giải chính thức trong kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế, biên soạn chương trình, sách giáo khoa phổ thông…

Nhờ có quy định trên mà 2 năm học 2016-2017, 2017-2018 qua, hàng chục ngàn thầy cô giáo dạy bậc mầm non, phổ thông trên cả nước được miễn làm và nộp đề tài/sáng kiến kinh nghiệm do có những thành tích, đóng góp nổi bật cho ngành giáo dục.

Hơn nữa, mối “ác mộng” của nhiều  giáo viên khi đăng ký các danh hiệu từ “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” trở lên về làm đề tài/sáng kiến kinh nghiệm cũng giảm đi. 

Sáng kiến kinh nghiệm trong giáo dục (Ảnh minh họa: ĐAN).
Sáng kiến kinh nghiệm trong giáo dục (Ảnh minh họa: ĐAN).

Lâu nay, đúng là các đề tài/sáng kiến kinh nghiệm của giới giáo thật giả, vàng thau, lẫn lộn, không biết đâu mà lần. 

Nhiều giáo viên lười đầu tư, suy nghĩ, thi nhau copy, sao chép, xào xáo sáng kiến kinh nghiệm.

Các hội đồng khoa học từ cấp sở trở lên cũng không tài nào kiểm soát nổi, may nhờ, rủi chịu. 

Hàng vạn sáng kiến kinh nghiệm chấm, nghiệm thu xong…cất tủ, chẳng ứng dụng, không được cái tích gì.

Thế nhưng “sức sống” của Thông tư số 35 do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo và ban hành có hiệu lực từ ngày 31/12/2015 thật ngắn ngủi (đến nay tồn tại được 2 năm 10 tháng) sẽ chính thức bị bãi bỏ từ ngày 14/10/2018 tới đây.

Đồng nghĩa với đó, tất cả thầy cô giáo mầm non, phổ thông trực thuộc các Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước đều phải làm và nộp đề tài/sáng kiến kinh nghiệm (nếu đăng ký các danh hiệu thi đua) quay trở lại như thời trước khi chưa có Thông tư 35.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn về thi đua, khen thưởng năm học 2018-2019, trong đó đều thống nhất quy định:

Các cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, “Chiến sỹ thi đua thành phố” thực hiện theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP:

Có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận, hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Không được sử dụng thành tích khác để thay thế cho sáng kiến kinh nghiệm”.

Nhiều cán bộ quản lý giáo dục và thầy cô giáo quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng hết sức bất ngờ, ngạc nhiên, không hiểu vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại hủy bỏ những thành tích, đóng góp của giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông để được thay thế cho làm đề tài/sáng kiến kinh nghiệm.

Tất cả thầy cô giáo phổ thông lại phải làm sáng kiến kinh nghiệm ảnh 3Giáo viên vào mùa tìm kiếm sáng kiến kinh nghiệm

Trong khi đó, đối với cá nhân của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia  tại Điều 4 của Thông tư số 22 thì một số thành tích được tính thay thế tiêu chuẩn sáng kiến cấp Bộ, cấp cơ sở áp dụng:

1. Cá nhân đạt một trong các thành tích sau được tính thay thế tiêu chuẩn có 01 sáng kiến để làm căn cứ xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ:

a) Tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành theo quyết định phân công và được xác nhận kết quả tham gia soạn thảo văn bản của người có thẩm quyền;

b) Tham gia biên soạn chương trình, tài liệu, giáo dục mầm non; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được nghiệm thu, được người có thẩm quyền xác nhận;

c) Chủ biên 01 sách chuyên khảo được sử dụng trong giảng dạy;

d) Chủ biên 01 giáo trình hoặc đồng chủ biên 02 giáo trình môn học được sử dụng trong giảng dạy;

đ) Tác giả chính 01 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế nằm trong danh mục ISI hoặc Scopus;

e) Hướng dẫn chính đội tuyển thi Olympic quốc tế đoạt giải Ba trở lên;

g) Tác giả chính của tác phẩm nghệ thuật đoạt giải Ba trở lên tại các Hội thi, Hội diễn cấp quốc gia.

2. Cá nhân đạt một trong các thành tích sau được tính thay thế tiêu chuẩn 01 sáng kiến cấp cơ sở để làm căn cứ xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:

a) Đạt một trong các thành tích quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Hướng dẫn 01 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đoạt giải nhất cấp trường trở lên;

c) Tác giả chính của tác phẩm nghệ thuật được chọn tham gia triển lãm Hội thi, Hội diễn cấp quốc gia.

Giáo viên đừng vội mừng về việc bỏ viết sáng kiến kinh nghiệm

Giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông…trực thuộc các Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo thì bắt buộc phải làm đề tài/sáng kiến kinh nghiệm tất cả, còn các cán bộ, giảng viên, nhân của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia thì lại được quyền miễn làm đề tài/sáng kiến kinh nghiệm khi đăng ký và xét công nhận các danh hiệu thi đua, nếu có những thành tích được công nhận.

Cũng là cán bộ, công chức, nhân viên, thầy cô giáo trong một ngành giáo dục với nhau cả (tuy chỉ khác về đơn vị trực thuộc thôi) thế tại sao lại xuất hiện cảnh “bên trọng”, “bên khinh”, “bên sướng”, “bên khổ” như thế này.

Phải chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cấp cao nhất của ngành giáo dục có quyền ban phát đặc ân cho các đơn vị trực thuộc của mình? Thật là quá vô lý và bất công.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có thấy sự bất thường đó hay không khi ban hành Thông tư số 22 về hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục.   

THIÊN ẤN