Thang, bảng lương của nhà giáo hiện đã quá lạc hậu rồi, sao mãi không đổi?

04/10/2018 06:41
Thùy Linh
(GDVN) - Theo số liệu báo cáo từ các địa phương, khoảng 50% giáo viên phổ thông có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/ tháng.

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010-1016 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chỉ rõ: 

Thang, bảng lương nhà giáo hiện tại đã lạc hậu, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo như đã được khẳng định trong các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. 

Bậc lương của nhà giáo có nhiều bất hợp lý khi xét trong tương quan với thang, bậc lương của các chức danh cùng loại trong các đơn vị hành chính sự nghiệp của nhà nước, chẳng hạn, giáo viên trung học cao cấp (yêu cầu phải có trình độ sau đại học) chỉ được xếp vào loại công chức, viên chức nhóm A2.2 với hệ số lương bậc 1 là 4,00; trong khi chuyên viên chính (từ đại học trở lên) xếp vào loại công chức nhóm A2.1 với hệ số lương bậc 1 là 4,40. 

Với chính sách lương hiện tại, thu nhập của đại bộ phận nhà giáo vẫn ở mức trung bình; thu nhập của giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, nhất là giáo viên mới ra trường còn thấp. (Ảnh minh họa: VTV)
Với chính sách lương hiện tại, thu nhập của đại bộ phận nhà giáo vẫn ở mức trung bình; thu nhập của giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, nhất là giáo viên mới ra trường còn thấp. (Ảnh minh họa: VTV)

Số bậc lương trong một ngạch vẫn còn nhiều; chênh lệch giữa các hệ số lương thấp ví như khoảng cách giữa các bậc lương đầu tiên giữa các ngạch lương của nhà giáo cũng không có sự chênh lệch lớn: 1,86 – 2,10 – 2,34. 

Nhà giáo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tuy rất khác về tiêu chuẩn và tính chất nghề nghiệp nhưng vẫn xếp cùng thang, bảng lương như giáo viên trung học…

Việc thực hiện các chế độ phụ cấp của nhà giáo cũng còn bất cập, chưa tạo được động lực để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo một cách bền vững. 

Quy định số giờ dạy thêm được tính trả lương không vượt quá 200 giờ tiêu chuẩn/ người/ năm không phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là ở các trường nội trú.

Bởi lẽ, Điều 69 của Bộ Luật lao động quy định “Tổng số thời giờ làm thêm trong một năm không vượt quá 200 giờ”, do vậy, số giờ dạy vượt (ngoài 200 giờ) của giáo viên không được thanh toán. 

Phụ cấp thâm niên mới chỉ áp dụng cho nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, không áp dụng đối với cán bộ quản lý giáo dục, dẫn đến những khó khăn khi điều động, bổ nhiệm nhà giáo  từ các cơ sở giáo dục lên các phòng, sở giáo dục và đào tạo. 

Với chính sách lương hiện tại, thu nhập của đại bộ phận nhà giáo vẫn ở mức trung bình; thu nhập của giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, nhất là giáo viên mới ra trường còn thấp. 

Cụ thể, theo số liệu báo cáo từ các địa phương, khoảng 50% giáo viên phổ thông có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/ tháng, mức lương của giáo viên phổ thông vùng đồng bằng với 30 năm công tác khoảng 9-10 triệu đồng/ tháng.

Và dù có bằng tốt nghiệp cao đẳng hay đại học, hệ số lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học vẫn là 1,86, do vậy, số giáo viên mới đi làm thường có mức lương dưới 3 triệu đồng/ tháng. 

Cũng theo đánh giá của các cơ sở giáo dục và các chuyên gia, thu nhập (chủ yếu từ tiền lương) của nhà giáo hiện nay chưa thực sự là thước đo giá trị sức lao động, chưa tạo động lực để đội ngũ nhà giáo làm việc với tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình và phát huy sức sáng tạo của bản thân. 

Thùy Linh