Thật khó tìm được cán bộ giỏi chuyên môn, có tâm huyết ở Phòng giáo dục

19/12/2017 06:55
Nhật Khoa
(GDVN) - Hiện nay trong các cán bộ, nhân viên Phòng giáo dục khó tìm thấy những người thật sự giỏi, tâm huyết.

LTS: Đồng tình với ý kiến của thầy Bùi Nam về giải tán Phòng giáo dục, thầy giáo Nhật Khoa còn chỉ ra rằng rất khó để tìm thấy cán bộ Phòng giỏi chuyên môn và toàn tâm với giáo dục.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chính sách liên quan đến giáo viên đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đang được các cấp, các ngành, đồng bào và nhân dân cả nước quan tâm.

Dư luận xã hội đang quan tâm đến việc tăng lương giáo viên, tinh giản biên chế, cán bộ nhân viên Phòng giáo dục hiện tại chuyên môn như thế nào? Hoạt động có hiệu quả hay không?

cần thiết giữ lại Phòng giáo dục hay không đang là những đề tài rất nóng.

Cán bộ, nhân viên Phòng giáo dục có thật sự giỏi chuyên môn? (Ảnh minh họa: ĐAN/Laodong.vn)
Cán bộ, nhân viên Phòng giáo dục có thật sự giỏi chuyên môn? (Ảnh minh họa: ĐAN/Laodong.vn)

Cán bộ, nhân viên Phòng giáo dục có thật sự là những người giỏi chuyên môn, vững tay nghề?

Góp ý về chế độ, chính sách trên, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi khái niệm nhà giáo, làm sao để các cán bộ, nhân viên Phòng giáo dục để có thể hưởng được đầy đủ các chính sách như giáo viên vì cán bộ, nhân viên Phòng giáo dục là những người giỏi chuyên môn, vững tay nghề mới được chuyển về Phòng giáo dục công tác là chưa thật sự thuyết phục.

Thầy giáo Bùi Nam đề xuất giải tán Phòng giáo dục ở các quận, huyện

Thực tế phải thừa nhận có một số cán bộ, nhân viên Phòng giáo dục thật sự là những giáo viên tâm huyết, vững chuyên môn, tay nghề đem lại những hiệu quả, sáng kiến cho việc cải tiến, đổi mới giáo dục mang lại một số hiệu quả nhất định.

Nhưng hiện nay trong các cán bộ, nhân viên Phòng giáo dục khó tìm thấy những người thật sự giỏi, tâm huyết.

Báo Lao Động có bài viết “Phòng Giáo dục là nơi “chứa” Hiệu trưởng bị kỷ luật, hết nhiệm kỳ?” của tác giả Bích Hà. (1)

Bài viết đã nêu rõ Phòng giáo dục là trạm trung chuyển hiệu trưởng.

Hiệu trưởng bị kỷ luật hay hiệu trưởng làm hết hai nhiệm kỳ nếu không thể làm thêm thì lên Phòng chờ 1, 2 năm rồi làm hiệu trưởng trường khác hay hiệu trưởng gần hết tuổi bổ nhiệm, lên Phòng chờ hưu.

Bên cạnh đó bây giờ, phòng giáo dục đa số chứa hiệu trưởng bị kỷ luật, bị phản ánh.

Giải tán Phòng Giáo dục, trao quyền cho Hiệu trưởng bổ nhiệm Hiệu phó

Hay một số giáo viên đa số chuyển về Phòng giáo dục do kỹ năng đứng lớp còn “hạn chế” nên chuyển về Phòng giáo dục để khỏi phải chịu áp lực đứng lớp giảng dạy, dự giờ hay chịu áp lực thành tích, hồ sơ sổ sách giáo viên.

Nhưng khi trở thành nhân viên Phòng giáo dục họ nghiễm nhiên trở thành “cán bộ” ra vẻ là những người “lãnh đạo” ra lệnh giáo viên, chèn ép giáo viên, tỏ vẻ uy quyền thậm chí “ra lệnh” cho cả hiệu trưởng, hiệu phó,…

Một số nhân viên Phòng giáo dục khi công tác tại trường thì năng lực, chuyên môn thật sự giỏi được lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp công nhận, học sinh quý mến nhưng khi về công tác tại Phòng giáo dục họ không còn trực tiếp đứng lớp nên chuyên môn “mai một” dần.

Vì họ không trực tiếp giảng dạy, không ôn luyện tay nghề, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và họ cũng không dự các buổi tập huấn đổi mới chuyên môn, sách giáo khoa nên tay nghề họ ngày càng “yếu” dần.

Có trường hợp nhân viên Phòng giáo dục khi chuyển về trường thì không giảng dạy được, hoặc rất khó tiếp cận việc dạy học.

Chính vì thế Phòng giáo dục “chứa” giáo viên dù có chuyên môn tốt hay không thì cũng là bất cập, nếu chuyên môn, đạo đức không tốt thì nhũng nhiễu, hạch sách hoặc đưa ra những phát biểu, chỉ đạo, hướng dẫn sai lầm.

Nếu có chuyên môn tốt khi chuyển lên Phòng giáo dục thì tay nghề bị “mai một” dần, không trực tiếp giảng dạy rất phí nhân tài, thiệt thòi cho học sinh.

Bởi thực tế Phòng giáo dục chỉ là khâu trung gian nên cũng không có những đề xuất gì trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục mà chỉ nhận lệnh từ Sở giáo dục.

Lương cán bộ, nhân viên Phòng giáo dục có thấp?

Cán bộ, nhân viên Phòng giáo dục lương thấp chỉ đúng một phần, lương nhận thì có thấp nhưng tổng chế độ của các bộ, nhân viên phòng giáo dục khá cao, có thể cao hơn so với giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Thật khó tìm được cán bộ giỏi chuyên môn, có tâm huyết ở Phòng giáo dục ảnh 2Phòng giáo dục cũng có điểm tốt, nhưng sao lại bị đòi giải tán?

Hiện tại lực lượng cán bộ, nhân viên làm việc trực tiếp tại Phòng giáo dục chỉ hưởng lương, phụ cấp công vụ (công chức),  phụ cấp chức vụ (Trưởng, phó phòng), phụ cấp trách nhiệm (kế toán trưởng) mà không được hưởng phụ cấp thâm niên như giáo viên.

Nhưng họ không chỉ nhận lương mà còn nhận rất nhiều khoản khác như Ban tổ chức, Ban giám khảo các kỳ thi (rất nhiều kỳ thi như học sinh giỏi, giáo viên giỏi, khoa học kỹ thuật, tích hợp liên môn, sáng kiến kinh nghiệm, thể dục thể thao, văn nghệ….), tiền công tác phí khi xuống đơn vị, báo cáo, hoa hồng mua tài liệu, văn phòng phẩm (sổ đầu bài học sinh, sổ dự giờ giáo viên,…), các khoản hoa hồng khác (bảo hiểm, ngân hàng, học phí…),…

Thế nên, tổng thu nhập của cán bộ, nhân viên phòng giáo dục là tương đối cao, đôi khi còn cao hơn cả giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Giáo viên trực tiếp đứng lớp là những người trực tiếp giảng dạy và giáo dục cho học sinh nếu tăng lương thì đối tượng giáo viên là những người cần phải ưu tiên cao nhất không phải cán bộ, nhân viên Phòng giáo dục.

Nếu đề xuất cho cán bộ, nhân viên Phòng giáo dục hưởng đầy đủ các chế độ như giáo viên đứng lớp thì phải kiên quyết cắt toàn bộ các khoản ngoài lương của các các bộ, nhân viên Phòng giáo dục.

Cần coi đó như nhiệm vụ của họ phải thực hiện, không thể để “lương” chồng “bổng” vì thực tế các khoản họ nhận ngoài lương là đang lấy “giờ làm việc” để “làm thêm”.

Phải công khai các khoản thực nhận của các bộ, nhân viên Phòng giáo dục ngoài lương để có cái nhìn đầy đủ khách quan hơn về tổng thu nhập của cán bộ, nhân viên Phòng giáo dục làm cơ sở đánh giá thực tế hơn.

Nếu thật sự còn thấp thì có thể điều chỉnh cho phù hợp nhưng tôi cho rằng “không thấp”.

Nhiều nhân viên Phòng giáo dục không chịu về trường

Nhân viên Phòng giáo dục luôn kêu ca, đòi hỏi chế độ, so sánh thấp hơn so với giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Thật khó tìm được cán bộ giỏi chuyên môn, có tâm huyết ở Phòng giáo dục ảnh 3Bộ máy quản lý giáo dục phình to lại đòi thêm phụ cấp, ngân sách nào kham nổi?

Tuy nhiên, khi các trường thiếu giáo viên, nếu điều các nhân viên Phòng giáo dục trên về trường sẽ được hưởng đầy đủ chế độ như giáo viên nhưng đa số đều từ chối.

Họ lại tìm mọi cách để được ở lại Phòng giáo dục vì ở Phòng giáo dục có quyền và có tiền từ các khoản thu nhập khác.

Xung quanh đề xuất “giải tán” Phòng giáo dục cấp quận, huyện nhận được sự quan tâm rất lớn từ lực lượng cán bộ, giáo viên và nhân dân, có ý kiến tôi khá tâm đắc là ý kiến của nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Nhĩ.

Ông cho rằng đây là một giải pháp đáng bàn có thể thí điểm bỏ Phòng giáo dục ở vài nơi để thí điểm làm căn cứ đánh giá, đưa ra kết luận.

(Trích bài Giải tán Phòng giáo dục: Quan điểm trái chiều từ các nguyên lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo – Báo Lao động). (2)

Hay ý kiến của Giáo sư Chu Hảo nói: Sáng kiến quá hay! Việc giải tán Phòng giáo dục là sáng kiến quá hay. Hệ thống quá cồng kềnh, nếu giản lược lại thì rất tốt,…

Ý kiến của Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm cho rằng nếu làm được thì quá tốt, nếu giảm được mà vẫn giữ sự thông suốt từ trên xuống thì nên ủng hộ

(Trích bài Giải tán Phòng giáo dục, trung tâm giáo dục thường xuyên: Sáng kiến hay nhưng khó thực hiện – Báo Lao Động) (3)

Tôi đề nghị khi thí điểm các Phòng giáo dục còn lại chỉ còn công chức làm nhiệm vụ hành chính, tuyển các công chức làm việc tại các Phòng giáo dục mà không trưng dụng các giáo viên có tay nghề về Phòng giáo dục làm hao phí nhân lực, mai một nhân tài, phí quá trình học tập và công tác.

Nếu trưng dụng giáo viên về Phòng giáo dục thì thời gian công tác tại Phòng giáo dục không quá 5 năm sau đó phải quay lại trường giảng dạy để không làm “mai một” nhân tài.

Bên cạnh đó trưng dụng được những giáo viên giỏi, tâm huyết về Phòng giáo dục công tác.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://laodong.vn/giao-duc/phong-giao-duc-la-noi-chua-hieu-truong-bi-ky-luat-het-nhiem-ky-581491.ldo

(2) https://laodong.vn/giao-duc/giai-tan-phong-giao-duc-quan-diem-trai-chieu-tu-cac-nguyen-lanh-dao-bo-gddt-581725.ldo

(3) https://laodong.vn/giao-duc/giai-tan-phong-giao-duc-trung-tam-gdtx-sang-kien-hay-nhung-kho-thuc-hien-581418.ldo

Nhật Khoa