Thầy Sơn Quang Huyến băn khoăn về những tiêu chí xét tuyển đại học mới

07/02/2019 06:51
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Việc thêm tiêu chí học lực giỏi trong ngưỡng tuyển sinh, không nâng cao chất lượng giáo dục, nó chỉ làm “bệnh thành tích” thêm trầm trọng hơn.

LTS: Bàn về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo sức khỏe hệ chính quy, thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ ý kiến về một số tiêu chí tuyển sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong dự thảo chương trình mới, chương trình Trung học phổ thông là giai đoạn giáo dục hướng nghiệp.

Mục tiêu của giai đoạn này là học sinh học kiến thức, phát hiện năng lực bản thân, chọn nghề và từ đó chọn các môn học phù hợp.

Như vậy sự phân luồng nghề nghiệp, định hướng năng lực bản thân, giúp học sinh trang bị, lựa chọn kiến thức ngay từ trên ghế phổ thông chứ không phải lên đại học hay học nghề mới học.

Đấy là đổi mới thú vị nhất của giáo dục phổ thông, học đi làm chứ không phải đi thi. Học sinh học những gì mình thích, phục vụ lợi ích chính bản thân chứ không phải học những gì nhà trường có thể dạy.

Như vậy, Trung học phổ thông mới không còn kiểu đồng phục “học sinh là phải giỏi tất cả các môn”. 

Những đổi mới đó đang được xã hội kỳ vọng, một nền giáo dục không hàn lâm, gắn với thực tiễn cuộc sống, phát huy được năng lực của con người, của học sinh.

Học sinh đang được tư vấn tuyển sinh. Ảnh minh họa: TTXVN
Học sinh đang được tư vấn tuyển sinh. Ảnh minh họa: TTXVN

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo sức khỏe hệ chính quy để xin ý kiến dư luận trước khi thông qua.

Theo đó, ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, căn cứ kết quả của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Trong đó, yêu cầu học sinh có học lực giỏi lớp 12 mới được xét tuyển học bạ vào các ngành cấp chứng chỉ hành nghề, các ngành sức khỏe. 

Bên cạnh đó, một số trường đại học có phương án, xét tuyển thẳng các học sinh học lực giỏi ba năm phổ thông.

Tiêu chí “học sinh giỏi”, trước thềm đổi mới giáo dục có nên không?

Khi một thực tế đang xảy ra, xếp loại học lực giỏi lớp 12, nhưng tổ hợp ba môn xét tuyển đại học thấp so với học sinh trung bình!

Thầy Sơn Quang Huyến băn khoăn về những tiêu chí xét tuyển đại học mới ảnh 2Học giỏi lớp 12 được vào đại học, nhiều trường rộng tay cho điểm

Điều này dễ dàng nảy sinh nghi ngờ của người dân với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Mặt khác, do chạy theo thành tích, các trường phổ thông hiện nay đang “chạy đua” với điểm học bạ, đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp năm nay không thể thấp hơn năm trước; các học sinh có nguyện vọng vào các ngành đòi hỏi “học lực giỏi” chắc chắn sẽ được “ưu tiên”.

Như vậy việc thêm tiêu chí học lực giỏi trong ngưỡng tuyển sinh, không nâng cao chất lượng giáo dục, nó chỉ làm “bệnh thành tích” thêm trầm trọng hơn.

Học kì hai này, giáo viên “tổng kết thoáng hơn” không chỉ khối 12 mà kể cả khối 10 và 11! Biết đâu năm sau lại thay đổi, đòi hỏi học lực giỏi cả ba năm!

Để đảm bảo tính khách quan, khoa học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổng kết mối quan hệ giữa học lực loại giỏi lớp 12 với điểm thi đại học, chất lượng đào tạo tại các trường đại học hiện nay.

Một tổng kết có tính khoa học, thống kê cụ thể, đảm bảo hơn những phân tích, dự đoán, làm nền tảng cho các ngưỡng đầu vào khi xét tuyển đại học nói chung, ngành sức khỏe nói riêng.

Vì vậy, để phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục phổ thông mới; không làm bệnh thành tích bùng phát ở học kì hai, thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc khi ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2019.

Sơn Quang Huyến