Thầy Văn Như Cương: Mơ học cao là tốt, nhưng đừng viển vông, xa vời

13/07/2016 09:02
Phương Thảo
(GDVN) - Vì sao thất nghiệp? Trước hết phải tự hỏi mình!

Tình trạng sinh viên thất nghiệp hiện nay đang là vấn đề báo động trong xã hội,lý giải vấn đề này có thể bằng nhiều góc nhìn và quan điểm khác nhau, và trước hết phải nhìn nhận ở góc độ bản thân các bạn.

Suy nghĩ của nhiều sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường đều biện minh cho sự thất bại của mình bằng cách đổ lỗi cho xã hội, cho những yếu tố bên ngoài, do chương trình đào tạo không chuẩn hay do gia đình nghèo không có nền tảng vững chắc. 

Thị trường lao động tại Việt Nam rất đa dạng, phong phú, đặc biệt là tại các thành phố lớn nơi tập trung các trường Đại học; vậy tại sao tình trạng sinh viên ra trường đều lên con số báo động?

Có người giấu bằng Đại học để đi làm công nhân?

Có bạn thì lại cất vào một góc coi là kỷ niệm để đi chạy xe ôm, hay đi làm thuê?

Đó là thực trạng, kết quả của lười học tập, lười trau dồi kiến thức; thiếu tư duy về nghề nghiệp.

Nếu các bạn lựa chọn con đường làm công nhân, xe ôm, làm thuê… sau khi tốt nghiệp thì tốt nhất nên đi làm ngay từ đầu để không tốn kinh tế gia đình và xã hội!

Hàng năm có rất nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp! (Ảnh nguồn: Tuoitre.vn)
Hàng năm có rất nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp! (Ảnh nguồn: Tuoitre.vn)

PGS.Văn Như Cương nhận định: “Định hướng nghề nghiệp đối với học sinh rất quan trọng, đặc biệt giai đoạn THPT.

Hiện nay, Nhà nước ta cũng chưa làm được việc này và các em thất nghiệp sau khi ra trường một phần là do các em thiếu sự tư duy.

Hơn nữa, các trường Đại học cũng nên đưa ra các số liệu dự đoán ngành một cách chính xác, không nên mang tính ước lượng, tối thiểu sau 4 năm khi các em ra trường.

Tôi chỉ thấy điểm mới duy nhất đối với Đại học sư phạm là công bố giảm chỉ tiêu vì thừa giáo viên”.

Trong suốt 4 năm ở trường đại học, rất nhiều sinh viên quan niệm rằng chỉ cần vào lớp nghe giảng, học những gì được dạy trên giảng đường là đủ rồi.

Hầu hết thời gian còn lại các bạn dành cho các trò giải trí vô bổ như nhậu nhẹt, game online, tụ tập đua đòi... 

Thầy Văn Như Cương: Mơ học cao là tốt, nhưng đừng viển vông, xa vời ảnh 2

Hơn 190.000 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đang thất nghiệp

(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ xem xét lại kế hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 – 2020.

Các bạn không biết rằng, trong môi trường công việc đầy cạnh tranh và năng động, trang bị tốt cho mình các kỹ năng mềm, kiến thức xã hội mới thực sự là yếu tố quyết định giúp bạn khác biệt và làm việc hiệu quả.

PGS.Văn Như Cương cũng đưa ra quan điểm rằng: “Các em mơ ước học cao, học nhiều là tốt, nhưng đừng ngồi đó để mơ ước những thứ xa vời quá nếu như chỉ trông chờ vào yếu tố bên ngoài mà quên đi những công việc ở ngay bên cạnh, có nhiều cơ hội phát triển… Việt Nam là một nước nông nghiệp, mà nông nghiệp là một ngành làm giàu, hầu hết các em đều đã quên đi mất ngành này”.

Bằng đại học là tấm vé giúp các bạn có nhiều cơ hội hơn nếu như các bạn biết cách vận dụng nó vào chính sự phát triển tương lai của mình.

Đừng bao giờ thụ động trông chờ vào sự giúp đỡ của các mối quan hệ mà trở nên ngu dốt. Hãy chủ động trong mọi vấn đề!

Phương Thảo