Thầy Xuân Khang cho rằng nên duy trì kỳ thi quốc gia trong 3 đến 5 năm tới

29/08/2018 06:56
Thùy Linh
(GDVN) - Khi nào chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai toàn bộ 3 cấp học thì mới nên thay đổi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Kể từ năm 2015 đến nay, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia với nhiều thay đổi mang tính cách mạng.

Theo lộ trình thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sẽ tiếp tục được duy trì đến năm 2020.

Thời gian qua, cách tổ chức thi như vậy đã có nhiều tiếng khen vì mang nhiều ưu điểm nhưng đâu đó còn nhiều lo lắng, thậm chí nhận lời chê trách rồi đề xuất nên bỏ kỳ thi này và giao quyền tuyển sinh trực tiếp cho các trường đại học, cao đẳng nhất là khi kỳ thi quốc gia năm 2018 đã xảy ra tiêu cực tại Hà Giang, Sơn La.

Góp ý về kỳ thi này, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng: 

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hiện nay chủ yếu để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, các trường đại học và cao đẳng có thể căn cứ vào đó để tuyển sinh.

Tuy còn một số vấn đề cần điều chỉnh nhưng kỳ thi quốc gia về căn bản đáp ứng được hai việc nói trên. 

Nên duy trì kỳ thi đó thêm 3 đến 5 năm nữa, trong quá trình thay đổi chương trình giáo dục phổ thông và chuẩn bị cho một phương thức mới hợp lý hơn”.

Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, nên duy trì kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trong 3 đến 5 năm tới (Ảnh minh họa: VTV)
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, nên duy trì kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trong 3 đến 5 năm tới (Ảnh minh họa: VTV)

Như vậy có nghĩa, theo thầy Khang, khi nào chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai toàn bộ 3 cấp học thì mới nên thay đổi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. 

Thầy Khang cũng đưa ra một số khâu cần cải thiện trong thời gian tới. 

Ví dụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tiến hành thử nghiệm câu hỏi trên quy mô rộng hơn. 

Đồng thời ở quy trình coi thi, chấm thi phải thắt chặt để đảm bảo tối đa quyền lợi của các thí sinh cũng như sự nghiêm túc khách quan của kỳ thi. 

Thầy Xuân Khang cho rằng nên duy trì kỳ thi quốc gia trong 3 đến 5 năm tới ảnh 2Quy trình thi quốc gia sẽ tiếp tục được cải cách

Còn sau khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai đồng loạt ở các lớp thì thầy Khang đề xuất phương thức thi mới, đó là: 

Đối với tốt nghiệp trung học phổ thông cần tổ chức một kỳ thi gọn nhẹ, không gây áp lực lớn lên học sinh và gia đình học sinh, không quá tốn kém cho xã hội và gia đình. 

Thi và xét tốt nghiệp giao cho các tỉnh tổ chức để học sinh ở đâu thì thi ở đó. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định môn thi và ra đề thi cho toàn quốc để có thang đo kiến thức chung chứ không để các tỉnh miền Tây Nam Bộ ra 1 kiểu đề, Tây Bắc ra 1 kiểu đề, Hà Nội rồi Thành phố Hồ Chí Minh ra 1 đề. 

Nếu như vậy sẽ vô cùng tốn kém về tài chính, nhân lực...

Còn về tuyển sinh đại học và cao đẳng, tiến tới Nhà nước cho phép thành lập các Trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng độc lập.

Trung tâm này có thể do Trường Đại học hoặc các tổ chức xã hội nghề nghiệp có điều kiện và uy tín đứng ra thành lập. Các trung tâm này được phép làm dịch vụ tuyển sinh và kiểm định chất lượng giáo dục của các trường trong toàn bộ hệ thống giáo dục Quốc gia.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng về nguyên tắc do các trường tự chủ. Trường nào có điều kiện thì tự tổ chức để dựa vào kết quả đó xét tuyển.

Trường nào không đủ điều kiện thì dựa vào dịch vụ của các Trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng để xét tuyển. 

Thùy Linh