Thầy cô "dân túy, ngại đổi mới" sẽ không theo được chương trình mới

04/01/2019 06:55
Đăng Bình
(GDVN) - Giáo viên cần phải thay đổi thói quen (những điều đã ăn sâu bén rễ bao nhiêu năm) để thích nghi với nhiều cái mới.

LTS: Trước khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới thì giáo viên cần chuẩn bị những gì?

Điều này được nhà giáo Đăng Bình chia sẻ trong bài viết sau đây.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chưa đầy 2 năm nữa là Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được triển khai.

Đây là chủ trương lớn của ngành với mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Để góp phần thực hiện nhiệm vụ trọng đại này, vai trò của người giáo viên là vô cùng quan trọng. Vậy mỗi thầy cô giáo chúng ta cần phải chuẩn bị những gì?

Giáo viên cần chuẩn bị những gì để đáp ứng chương trình mới? Ảnh minh họa: TTXVN.
Giáo viên cần chuẩn bị những gì để đáp ứng chương trình mới? Ảnh minh họa: TTXVN.

Chuẩn bị tâm thế

Mỗi giáo viên phải luôn xác định, ngành giáo dục đang bước vào một cuộc cải cách lớn dù vẫn còn nhiều khó khăn, trắc trở.

Giáo viên hiểu điều đó để cùng chung tay thực hiện, để tự học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao kĩ năng đứng lớp cho chính mình, hiểu để cảm thông với ngành, để vừa thực hiện vừa khắc phục những khó khăn còn tồn tại ấy.  

Giống như trước một trận đánh lớn nếu quân với dân đều đồng lòng thì chiến thắng như cầm chắc trong tay.

Ngược lại, lòng quân xao động thì chưa vào trận đánh, đoàn quân cũng tự mình tan tác.

Khi giáo viên hiểu và có một tâm thế tốt, thì chính họ sẽ có động lực tự chuẩn bị cho chính mình những điều kiện tốt nhất. 

Chuẩn bị kiến thức chuyên môn

Thay đổi chương trình lần này, điều lo lắng nhất với giáo viên là gì?

Thầy cô "dân túy, ngại đổi mới" sẽ không theo được chương trình mới ảnh 2Đội ngũ giáo viên sẽ quyết định sự thành bại của chương trình mới

Đó là việc dạy tích hợp (Lý, Hóa, Sinh) thành môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử, Địa lý thành môn Lịch sử & Địa lý.

Chúng tôi đã tìm hiểu, đã phỏng vấn khá nhiều đồng nghiệp và cũng nhận thấy sự lo lắng của họ khi phải dạy những môn vốn không là thế mạnh của mình.

Thế nhưng không thể ngồi than vãn, kể khó hay lo sợ mình không thể đáp ứng tốt. Không thể ngồi đợi ngành giáo dục tập huấn, bồi dưỡng mới bắt đầu học.

Mà điều quan trọng nhất lúc này, những thầy cô giáo ấy phải tự mình học hỏi để tìm lại kiến thức, nâng cao sự hiểu biết cho chính mình.

Ngành giáo dục tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên dạy tích hợp cũng chỉ bồi dưỡng được kĩ năng đứng lớp.

Còn kiến thức chuyên sâu về môn học phải tự mình đầu tư, học hỏi.

Ví như giáo viên dạy Lý nay phải hiểu biết cả môn Sinh và Hóa. Giáo viên dạy Hóa phải hiểu sâu cả môn Lý và Sinh. Hay như giáo viên dạy Địa giờ cần học thêm kiến thức về môn Sử…

Thầy cô muốn dạy tốt phải tự mình học lại kiến thức như chính các em học sinh. Điều này sẽ chẳng ai có thể giúp được ngoài sự nỗ lực hết mình của mỗi thầy cô.

Nếu không tự học như thế, sẽ có một ngày có học sinh hỏi thầy cô về kiến thức tích hợp mình sẽ trả lời các em ra sao?

Chúng tôi từng thấy, thầy dạy Hóa dạy giùm tiết Lý khi học sinh giải bài (khác với giáo án của bạn nhờ dạy) thầy đã chẳng thể xác định đúng sai.

Thế là chỉ có 45 phút nhưng thầy phải nhấc điện thoại hỏi đồng nghiệp đến vài ba lần. Thế nên, không tự học ngay từ bây giờ sẽ chẳng thể nào kịp.

Giáo viên cần phải thay đổi thói quen (những điều đã ăn sâu bén rễ bao nhiêu năm) để thích nghi với nhiều cái mới.

Bao giờ thực hiện một điều gì mới cũng luôn gặp khó khăn, lòng kiên trì và sự quyết tâm mới có thể chiến thắng.

Đăng Bình