Thầy cô giáo mà quá lùn sẽ khó thuyết phục được học sinh

14/02/2019 06:33
Thùy Linh
(GDVN) - Đối với người thầy khi đứng trước học sinh, ngoài những yêu cầu về kiến thức, kinh nghiệm, thì bề ngoài cao ráo sẽ có tác dụng nhất định khi giảng dạy.

Vừa qua, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra dự kiến điều kiện tuyển sinh 2019 với yêu cầu các ngành đào tạo giáo viên tuyển thí sinh nam cao 1,55 m trở lên, nữ cao 1,50 m trở lên.

Riêng ngành Giáo dục Thể chất yêu cầu nam cao từ 1,65m, nặng 50 kg trở lên, nữ phải cao từ 1,55m, nặng 45 kg trở lên.

Điều kiện xét tuyển này đang gây ra tranh luận, tuy nhiên khi trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 13/2, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng tiêu chí về chiều cao như vậy là hợp lý.

Cao mét rưỡi trở lên mới được thi ngành sư phạm ở Thành phố Hồ Chí Minh

Lý giải về nhận định của mình, theo thầy Nhĩ thì mỗi ngành nghề đều có tiêu chí xét tuyển, tuyển dụng nhân sự để phù hợp với công việc. 

Đối với người thầy khi đứng trước học sinh, ngoài những yêu cầu về kiến thức, kinh nghiệm, thì bề ngoài cao ráo sẽ có tác dụng nhất định khi giảng dạy.

Hơn nữa, thực tế cho thấy hiện nay học sinh được ăn uống đầy đủ, có điều kiện sống tốt nên ngày càng cao lớn chứ không còi cọc như xưa.

Do đó nếu thầy giáo mà thấp dưới 1m55, cô giáo thấp dưới 1m50 thì rất khó coi, nếu giao tiếp sẽ có trở ngại.

Đồng thời các thầy cô luôn ra rả khuyến khích, động viên học sinh uống sữa, tập luyện để cao, khỏe vậy mà bản thân thầy cô thì nhỏ bé. Nhìn vào thầy cô như vậy là học sinh đã mất tin tưởng rồi.

Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, đối với người thầy khi đứng trước học sinh, ngoài những yêu cầu về kiến thức, kinh nghiệm, thì bề ngoài cao ráo sẽ có tác dụng nhất định khi giảng dạy. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, đối với người thầy khi đứng trước học sinh, ngoài những yêu cầu về kiến thức, kinh nghiệm, thì bề ngoài cao ráo sẽ có tác dụng nhất định khi giảng dạy. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Tuy nhiên, thầy Nhĩ cũng cho rằng cần có xét tuyển trường hợp ngoại lệ để không bỏ xót những thí sinh có năng khiếu đặc biệt như âm nhạc, hội họa… bởi ngành sư phạm cần những giáo sinh này.

Khi phóng viên đặt băn khoăn rằng, ngành sư phạm vừa đưa ra tiêu chí chọn học sinh có học lực Khá, Giỏi giờ thêm cả tiêu chí về chiều cao thì các trường có gặp khó khăn khi tuyển sinh thì được thầy Nhĩ cho rằng, hiện nay số lượng nam cao dưới 1m55, nữ cao dưới 1m50 là rất ít, thậm chí rất hiếm bởi lẽ hiện nay chế độ ăn uống đầy đủ nên nhiều trẻ 13,14 tuổi đã cao gần 1m60 chứ chưa nói đến trẻ 18 tuổi. 

“Do đó, việc đưa ra tiêu chí về chiều cao sẽ không ảnh hưởng gì đến chuyện tuyển sinh của các trường sư phạm”, thầy Nhĩ nhận định. 

Điểm mới trong tuyển sinh công an, giáo viên, bác sĩ mà thí sinh cần nắm chắc

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí chiều 13/2, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, trong điều kiện tự chủ, quy chế tuyển sinh cho phép các trường được yêu cầu sơ tuyển và thí sinh phải đạt yêu cầu sơ tuyển của trường.

“Chúng tôi khuyến khích trường quy định các yêu cầu, điều kiện riêng để hướng tới việc lựa chọn thí sinh giỏi, tâm huyết với nghề, có khả năng sư phạm... để nâng cao chất lượng đội ngũ thầy cô giáo.

Các quy định khác của trường do trường xác định và chịu trách nhiệm giải trình, để xây dựng chính sách chất lượng, nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên và xây dựng “thương hiệu” của trường. 

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã yêu cầu trường rà soát kỹ dự thảo đề án tuyển sinh, xác định các nội dung thực sự cần thiết, có cơ sở chắc chắn... để khi ban hành đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội cho các thí sinh, không thể hiện chính sách phân biệt đối xử; yêu cầu trường nên giải trình rõ để tạo sự đồng thuận trong xã hội”, bà Phụng khẳng định. 

Thùy Linh