Thầy giáo hiến kế đảm bảo công bằng khi giao các Sở Giáo dục coi thi quốc gia

04/02/2017 06:41
Thiên Ấn
(GDVN) - Ở cụm thi tốt nghiệp địa phương, cán bộ, giám thị có tư tưởng, thái độ coi thi nhẹ nhàng, dễ dãi, thường “bỏ qua” đối với các thí sinh vi phạm quy chế.

LTS: Theo quy chế thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, công tác coi thi giao cho từng địa phương chủ trì. Cụ thể là, các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phụ trách chủ trì coi thi.

Trước thông tin này, thầy giáo Thiên Ấn bày tỏ sự lo lắng về tính trung thực của kết quả thi. Theo đó, thầy đưa ra một số góp ý nhằm giúp tránh được những tiêu cực trong thi cử.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả!

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chính thức quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017.

Theo đó, vẫn duy trì điểm sàn đầu vào, không công bố đáp án các đề thi, công tác coi thi giao cho từng địa phương chủ trì…

Về vấn đề tổ chức các cụm thi quy định mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là tỉnh) tổ chức một cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì dành cho tất cả các thí sinh của địa phương, cử cán bộ, giảng viên từ đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng đến các tỉnh để phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi… tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều người trong cuộc.   

Nhìn lại thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với mục “2 trong 1” ở  trong 2 năm (2015, 2016) đã có nhiều điều chỉnh theo hướng tốt hơn cho Nhà nước và xã hội. 

Cụ thể, từ 38 cụm thi trên cả nước do các trường đại học chủ trì và 61 cụm thi địa phương do Sở giáo dục chủ trì trong năm 2015, đến 70 cụm thi đại học và 50 cụm thi tốt nghiệp trong năm 2016, đã giảm thiểu chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, phụ huynh.

Việc giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành chủ trì công tác coi thi cần đảm bảo nghiêm túc, tránh xảy ra tiêu cực. (Ảnh minh họa: Zing.vn)
Việc giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành chủ trì công tác coi thi cần đảm bảo nghiêm túc, tránh xảy ra tiêu cực. (Ảnh minh họa: Zing.vn)

Tuy nhiên, việc tổ chức 2 loại cụm thi, cụm thi địa phương (2015), cụm thi tốt nghiệp (2016) vẫn có dư luận xã hội cho rằng không sự công bằng trong các loại cụm thi. 

Thực tế cho thấy, công tác coi thi giữa hai hình thức tổ chức cụm này thấy rõ sự bất thường về số lượng thí sinh vi phạm quy chế thi.

Chất lượng, năng lực học tập, ý thức thi cử của các thí sinh tại cụm thi địa phương không bằng thí sinh cụm thi đại học nhưng số lượng em bị lập biên bản lại ít hơn nhiều cụm thi đại học. 

Sự thiếu công bằng này xuất phát từ khâu coi thi ở cụm thi đại học được coi thi rất chặt chẽ, nghiêm túc. 

Các trường hợp thí sinh vi phạm quy chế nếu bị phát hiện đều bị xử lý, lập biên bản ngay lập tức. 

Còn ở cụm thi tốt nghiệp địa phương, cán bộ, giám thị có tư tưởng, thái độ coi thi nhẹ nhàng, dễ dãi, thường “bỏ qua” hoặc chỉ dừng lại mức độ nhắc nhở đối với các trường hợp thí sinh vi phạm quy chế thi.

Vì là “người nhà”, vì sính bệnh thành tích, vì diện học sinh này học trung bình hoặc yếu, chỉ mong thi đỗ tốt nghiệp nên được tạo điều kiện tối đa. 

Thầy giáo hiến kế đảm bảo công bằng khi giao các Sở Giáo dục coi thi quốc gia ảnh 2

Tiếp tục công khai đề, đáp án trong kỳ thi quốc gia 2017

Rõ ràng, với tình trạng coi thi “tháo khoán” phổ biến ở các cụm thi địa phương nên số lượng bài thi bị điểm liệt ít, phổ điểm các môn tự luận cao, kéo theo là kết quả đỗ tốt nghiệp vượt hẳn cụm thi đại học đã xuất hiện tại nhiều cụm thi địa phương.

Những tiêu cực hạn chế, bất thường, bất công từ khâu coi thi tại các cụm thi địa phương đã bộc lộ rõ qua hai năm 2015, 2016 và nhiều năm trước đó, các chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo lại lo lắng, chưa thật yên tâm khi thống nhất một cụm thi ở mỗi tỉnh, thành trên phạm vi cả nước nhưng lại do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì. 

Công tác phối hợp, hỗ trợ của cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo, nếu làm không kỹ, dễ rơi vào tình trạng hình thức, cuộc “dạo chơi”, khó có thể đem lại hiệu quả và đảm bảo tính nghiêm túc, đúng quy chế thi. 

Các quan ngại của thầy cô giáo - những người trong cuộc về vai trò, chức năng chủ trì các cụm thi của Sở Giáo dục và Đào tạo là hoàn toàn có cơ sở. 

Tính lặp lại những tồn tại, tiêu cực, thiếu công bằng, khách quan trong khâu tổ chức coi thi tại cụm thi địa phương rất dễ xảy ra. 

Khi mà căn “bệnh thành tích” chưa được đẩy lùi; tư tưởng cục bộ, địa phương vẫn còn đó; những mối quan hệ, nhờ vả… trong thi cử càng khó lường. 

Có người nhầm tưởng, các môn thi, bài thi tổ chức thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan (trừ môn Ngữ văn) sẽ triệt tiêu được hiện tượng tiêu cực trong phòng thi như: “gà bài”, coi bài nhau. 

Thực ra, hình thức trắc nghiệm càng dễ để “gà bài”, trao đổi với nhau, mặc dù mỗi thí sinh có đề thi riêng, chỉ 15% câu hỏi giống nhau.

Từ thực trạng trên, tôi và nhiều người có mong muốn các trường đại học chủ trì các cụm thi địa phương thì tốt hơn nhiều, tính công bằng, tính thực chất của kỳ thi sẽ đáng tin cậy hơn. 

Thay vì phải huy động lượng cán bộ giáo viên lớn từ các trường đại học, cao đẳng, khó khăn trong việc di chuyển, bố trí ăn ở và tốn kém về kinh phí thì chỉ cần huy động khoảng 20-30% cán bộ, giảng viên đại học, thuộc loại “tinh hoa”, làm nòng cốt cho mọi hội đồng coi thi, số còn lại huy động đội ngũ giáo viên phổ thông tại chỗ. 

Các trường đại học phải ở vị trí người “cầm trịch”, “chủ trì” thì mới đảm bảo cho kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế, những hoài nghi của xã hội lâu nay sẽ không còn. 

Một khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết tâm giao quyền chủ trì cho các Sở Giáo dục và Đào tạo thì cần chuẩn bị và làm rất tốt, bài bản về công tác phối hợp, hỗ trợ của các cán bộ, giảng viên các trường đại học. 

Chọn lựa những cán bộ, giảng viên có tinh thần, trách nhiệm cao, có nhiều kinh nghiệm về làm công tác tổ chức thi và không “thỏa hiệp” trước những biểu hiện tiêu cực, lệch lạc của Hội đồng coi thi. 

Hơn nữa, chức năng giám sát thanh tra của sở tại, của các trường đại học, của Bộ Giáo dục và Đào tạo thật sự thực chất, luôn làm đúng vai trò, chức năng ấy, dư luận xã hội không chấp nhận các vị, đoàn thành tra làm thì ít mà chơi thì nhiều, toàn “ cưỡi ngựa xem hoa” và thích nhận phong bì khi đến các Hội đồng coi thi. 

Có vậy, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 mới thành công, trọn vẹn trên mọi phương diện.

Thiên Ấn