Thầy giáo mơ ước một lễ khai giảng "giáo viên không buồn, học sinh không mệt"

25/08/2016 07:00
Nguyễn Cao
(GDVN) - Khai giảng ở một số các trường học bây giờ, thường có cảm giác “nhàn nhạt”, để lại những dư âm buồn cho giáo viên và cả sự mệt mỏi cho học sinh.

LTS: Bàn về công tác chuẩn bị khai giảng đầu năm học, thầy giáo Nguyễn Cao đã thể hiện quan điểm của mình, qua đó góp ý để những ngày này mang đúng ý nghĩa của ngày đầu tiên các em đi học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Chúng ta đều biết, ngay sau khi nước nhà độc lập, trong thư gửi học sinh nhân ngày khai giảng năm 1945, Bác Hồ đã viết:

Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi.

Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn”.

Và, cái cảm giác ấy cũng được tác giả Thanh Tịnh viết trong truyện ngắn “tôi đi học:

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”.

Bộ nên điều chỉnh thời gian khai giảng trước lúc học sinh đi học! (Ảnh nguồn: Vov.vn).
Bộ nên điều chỉnh thời gian khai giảng trước lúc học sinh đi học! (Ảnh nguồn: Vov.vn).

Hai đoạn trích trên cho ta thấy được sự thiêng liêng, náo nức của học trò trong ngày đầu tiên trong năm học, bởi sau những ngày hè xa cách gặp lại bè bạn hay những em học sinh lần đầu được cắp sách đến trường đều chứa chan xúc cảm.

Còn bây giờ, ngày khai trường đã giảm đi sự thiêng liêng vốn có của nó.

Nhiều trường đã học cả gần tháng trời mới “nô nức” đi khai giảng, vì thế, những ngày này ở một số các trường học thường có cảm giác “nhàn nhạt”, để lại những dư âm buồn cho giáo viên và cả sự mệt mỏi cho học sinh.

Một anh bạn đồng nghiệp tôi kể rằng:

Ngay trong ngày họp hội đồng Sư phạm đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã chuẩn bị chi tiết cho ngày khai giảng, trong đó có một chi tiết làm tôi cứ băn khoăn mãi.

Đó là ngày khai giảng năm nay rơi vào ngày thứ 2 nên Hiệu trưởng yêu cầu là chiều ngày thứ 7 trước đó nhà trường chỉ học hai tiết đầu, thời gian còn lại mời toàn thể giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường dự lễ khai giảng… trù bị để ngày thứ 2 tuần tới làm cho nó chu tất.

Bởi ngày khai giảng có nhiều lãnh đạo cấp trên về dự mà không chuẩn bị trước thì “coi làm sao được”.

Thầy giáo mơ ước một lễ khai giảng "giáo viên không buồn, học sinh không mệt" ảnh 2

Mấy lâu rồi, lễ khai giảng bị biến thành nơi người lớn tung hô nhau

Nghe anh bạn kể vậy thì biết vậy, nhưng liệu có nên điều động một lúc mấy trăm con người vào chỉ để làm một việc được lặp đi lặp lại hàng năm mà đáng ra không cần thiết?

Trong những bài phát biểu đó, điệp khúc lặp đi lặp lại hàng năm là giới thiệu về đoàn đại biểu từ lãnh đạo địa phương, ngành giáo dục, đoàn thể đến lãnh đạo nhà trường; đón nhận bằng những hồi trống chào mừng, vỗ tay nhiệt liệt của học sinh và giáo viên.

Sau lời giới thiệu, các em lại được nghe báo cáo của thầy Hiệu trường về tình hình năm học vừa qua, phương hướng cho năm học tới và những phát biểu chỉ đạo từ trên.

Rồi đến giáo viên, học sinh phát biểu… năm nào cũng vậy, cứ na ná nhau. Na ná vì lãnh đạo thường có bộ phận văn thư in sẵn cho một bài phát biểu và phân chia đến các trường để dự nên trường nào cũng được “quan tâm” như nhau.

Còn ở trường thì các bài của Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng được in lại, các bài của Hội phụ huynh, giáo viên, học sinh thường là  giao cho một giáo viên Ngữ văn viết sẵn; đến ngày, giờ thì đem ra đọc lại rồi được người dẫn chương trình thêm vào vài câu dẫn cho thêm phần… long trọng!

Sau khi lễ khai giảng kết thúc giáo viên bộ môn và học sinh thường tiếp tục lên lớp học hoặc được cho nghỉ còn các vị khách mời thì được Ban giám hiệu nhà trường mời vào phòng để tọa đàm đầu năm.

Và, điệp khúc muôn thuở lại bắt đầu bằng việc báo cáo sơ lược thành tích của giáo viên, học sinh trong năm qua, dẫn đến vai trò của các Mạnh Thường Quân và các bậc phụ huynh vô cùng lớn, những mong được sự chia sẻ, đóng góp của quý vị để nhà trường tiếp tục làm tốt nhiệm vụ.

Thầy giáo mơ ước một lễ khai giảng "giáo viên không buồn, học sinh không mệt" ảnh 3

Sao cứ nhất định học rồi mới khai giảng?

Sau khi trao đổi xong, Ban giám hiệu thường mời các lãnh đạo cấp trên đi dự bữa cơm thân mật.

Những ngày khai giảng như vậy cứ lẳng lặng đến và đi từ năm này sang năm khác với sự thiêng liêng, háo hức của “ngày đầu tiên đi học” phai nhạt dần.

Thay vào đó là những ngày khai giảng có phần thực dụng, tranh thủ để đón tiếp cấp trên, cùng sự lồng ghép của một lần vận động xã hội hóa giáo dục. Có lẽ vì thế mà, các bậc phụ huynh được “vinh dự” mời đến cũng tỏ ra ngại ngần.

Thiết nghĩ, ngày khai giảng của mỗi đơn vị trường học cũng không cần nhất thiết phải “cờ trống” hoành tráng quá. Bởi đây là ngày khai giảng của một năm học, chúng ta chỉ cần làm ngắn gọn, trọng tâm; đi vào phát động phong trào dạy học của nhà trường trong năm học.

Đồng thời, trong những dịp này nhà trường nên lồng ghép trao một số phần thưởng cho các em học sinh hoạt động tích cực trong sinh hoạt hè, quà cho học sinh khó khăn để qua đó giáo dục, khích lệ các em lòng yêu thương, sự đùm bọc, sẻ chia với mọi người.

Ngoài ra, nhà trường có thể tổ chức thêm một số hoạt động vui chơi tạo không khí vui vẻ, đầm ấm trong ngày đầu năm học.

Nguyễn Cao