Thầy giáo nói ra những bí mật của kiểm tra miệng ở trường phổ thông

04/12/2015 08:17
Trần Vũ
(GDVN) - Có thể nào thay đổi hình thức kiểm tra miệng để đảm bảo đánh giá công bằng về học lực cho học sinh hay không?

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của thầy giáo Trần Vũ, thầy đưa ra quan điểm của mình về những bất cập trong hình thức kiểm tra miệng ở các trường phổ thông hiện nay. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 

Quy chế đánh giá xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (Ban hành kèm theo Thông tư số: 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), ghi rõ có 2 loại kiểm tra để đánh giá, xếp loại học lực học sinh. Đó là: Kiểm tra thường xuyên bao gồm kiểm tra miệng (kiểm tra bằng hỏi-đáp), kiểm tra viết 15 phút và kiểm tra định kỳ bao gồm kiểm tra viết 1 tiết, kiểm tra học kỳ.

Trong các hình thức kiểm tra nói trên thì hình thức kiểm tra miệng của tất cả các môn học, ở trường phổ thông hiện nay là do thầy ra câu hỏi, trò trả lời, thầy chấm điểm, điều này dẫn đến việc có thể có giáo viên cho điểm không đúng với sức học của học sinh.  

Vậy có thể nào thay đổi hình thức kiểm tra miệng để đảm bảo đánh giá công bằng về học lực cho học sinh hay không?

1. Trong một buổi học chính khóa ở trường phổ thông, thường có từ 3- 4 môn học, mà mỗi môn học, trò phải học thuộc bài cũ còn phải soạn bài mới và làm bài tập (nếu có).  

Để thực hiện đầy đủ theo yêu cầu của thầy, thì trò phải có sự nỗ lực rất lớn, trong khi ngoài giờ học chính khóa tại trường hầu như tất cả các em còn phải học thêm, nên việc thực hiện những yêu cầu của thầy là không dễ dàng gì. 

Nếu môn học nào thầy nào cũng yêu cầu như thế, thì những học sinh không thuộc loại Khá- Giỏi quả là điều quá sức, do không còn đủ thời gian học ở nhà hoặc từ nhiều lý do khác, nên đầu mỗi tiết học các em thường mang tâm trạng “hồi hộp” không biết thầy có gọi lên bảng hay không. 

Cũng có em chăm học nhưng tâm lý không ổn định dễ mất bình tĩnh nên không nhớ được bài học khi thầy gọi lên bảng kiểm tra.

Minh họa kiểm tra miệng của Hoa Học Trò
Minh họa kiểm tra miệng của Hoa Học Trò

Rõ ràng là hình thức gọi học sinh lên bảng để kiểm tra có khi gây ra áp lực không nhỏ cho học sinh, các em mất đi hứng thú khi bước vào bài học mới, nếu như trước đó “không thuộc bài” bị thầy ghi vào sổ đầu bài, để rồi bị viết kiểm điểm, bị thông báo trong sinh hoạt dưới cờ, bị trừ điểm hạnh kiểm và điểm thi đua lớp, còn bị mời phụ huynh đến trường để trao đổi. 
 
2.Trước khi giảng bài mới theo tiến trình lên lớp thì thầy phải tổ chức kiểm tra kiểm tra bài cũ bằng hình thức “hỏi- đáp”.


Thử xem ví dụ với môn học có 1 tiết /tuần ở cấp THPT như môn Giáo dục Công dân lớp 10. Theo Thông tư 58 của Bộ GD&ĐT thì trong một học kỳ mỗi học sinh phải được kiểm tra thường xuyên (bao gồm kiểm tra miệng và kiểm tra 15 phút) ít nhất 2 lần.  

Giả sử  một lớp học có 45 học sinh, để đảm bảo điểm kiểm tra miệng có chất lượng, thì khi “trả bài” mỗi học sinh sẽ mất khoảng 3 phút, riêng học sinh yếu kém phải mất trên 3 phút. 

Thầy giáo nói ra những bí mật của kiểm tra miệng ở trường phổ thông ảnh 2

Học nhiều quá, con “tẩu hỏa nhập ma" rồi mẹ ơi!

(GDVN) - Nghe lời than thở của cô con gái đang học lớp 10 mà xót cả ruột gan nhưng không biết làm cách gì để giúp con được.

Do vậy thời gian để kiểm tra miệng hết tất cả học sinh trong lớp trong một học kỳ sẽ mất khoảng 135 phút (tương đương 3 tiết dạy). 

Mặc khác trong 18 tuần học ở học kỳ I đối với môn học có 1 tiết /tuần chỉ có 15 lần để thầy kiểm tra miệng (trừ 1 lần kiểm tra 15 phút, 1 lần kiểm tra 1 tiết và 1 lần kiểm tra học kỳ);  tính ra mỗi lần thầy phải kiểm tra 3 học sinh mới đủ số lần kiểm tra theo quy định tại Thông tư 58 của Bộ GD&ĐT;  riêng học kỳ II chỉ còn 14 lần kiểm tra miệng.  

Như vậy, trong 1 tiết dạy người thầy phải mất khoảng 10 phút để “trả bài” học sinh, thế nên chỉ còn khoảng 35 phút để thầy vừa giảng bài mới, vừa củng cố kiến thức và hướng dẫn học sinh học ở nhà. 

Do đó việc “cháy” giáo án là không thể tránh khỏi, nếu như bài học mới có nhiều nội dung kiến thức để truyền đạt, nếu lớp học có nhiều học sinh yếu- kém thì phải mất nhiều thời gian hơn nữa. 

Thế nên để đảm bảo tiết dạy đủ nội dung cần truyền đạt, hiện nay không phải không có thầy thay hình thức “hỏi- đáp” sang hình thức “viết” để có thể kiểm tra được nhiều học sinh hơn (trong 10 phút có thể kiểm tra trên 5-6 học sinh). 

Với cách làm này, người thầy vừa có nhiều thời gian hơn dành cho việc giảng bài mới, vừa đảm bảo đủ cột điểm kiểm tra miệng theo quy định, lại vừa kiểm tra được học sinh có thể đến lần thứ 2 (bởi lẽ trong học kỳ nếu đã kiểm tra rồi, học sinh đó “yên tâm” không bị lên bảng lần nữa ).

Do đó hiện nay ở trường phổ thông hình thức kiểm tra miệng (hỏi- đáp) đã có sự biến dạng, bởi lẽ nếu không tự “đổi mới” nó sẽ tạo ra một áp lực không nhỏ cho người thầy khi phải thực hiện đủ các bước lên lớp với nỗi lo sợ “cháy” giáo án, mất đi hưng phấn trong dạy học. 

Mặc khác, ngoài những thầy, cô có lương tâm nghề nghiệp và có lòng tự trọng, họ không cho điểm tùy tiện, không dùng điểm số để “ép buộc” học sinh học thêm,  thì cũng không phải không có thầy (tuy họ không nhiều) khi gọi học sinh “trả lời bài”, nếu trò không trả lời được, thầy cho ngay “điểm 0” và ghi vào sổ đầu bài của lớp, mà không gợi mở để trò trả lời câu hỏi. 

Thầy giáo nói ra những bí mật của kiểm tra miệng ở trường phổ thông ảnh 3

Điểm “liệt” và trách nhiệm của người thầy

(GDVN) - Tôi cho rằng người thầy có lương tâm nghề nghiệp, có lòng tự trọng và có trách nhiệm đối với học trò, chắc chắn rằng không thể cho điểm tùy tiện.

Nếu như trò có “ấn tượng” với thầy thì thầy thường ra câu hỏi khó; còn những trò “quen thân” hoặc học thêm với thầy thì thầy ra câu hỏi dễ đạt điểm cao; cũng có thầy cho điểm kiểm tra miệng “rộng” để điểm trung bình môn cả năm đạt chỉ tiêu thi đua đã đăng ký với nhà trường.  

Do vậy tính khách quan của hình thức kiểm tra “hỏi- đáp” là không cao, nó tùy thuộc vào chủ quan người dạy nên có thể đánh giá chưa đúng năng lực học tập của học sinh; có thể xảy ra những điểm số không công bằng và thiếu công tâm (Đã có học sinh kiểm tra miệng đạt điểm 10 nhưng khi làm bài kiểm tra 1 tiết, kiểm tra  học kỳ thì điểm dưới 5) và đây là “chỗ” để người thầy tìm cách “nâng điểm” cho học sinh. 

Bởi lẽ cán bộ quản lý chuyên môn nhà trường không thể quản lý được hết loại điểm số này do nó không để lại chứng cứ như kiểm tra viết;  nó có thể là nguyên nhân học sinh ngồi “nhầm lớp” và bị điểm “liệt” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.  
Nghe nói ở địa phương nọ, nhiều học sinh lớp 9 cuối năm được xếp loại Giỏi về học lực, nhưng khi thi tuyển vào lớp 10 lại  bị điểm “liệt”.

3. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ rõ: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”. 

Còn theo Quy chế Thi trung học phổ thông quốc gia( Ban hành kèm theo Thông tư số: 02/2005/TTBGDĐT ngày 26 tháng 2 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì điểm xét tốt nghiệp có 50% là điểm trung bình các môn cả năm lớp 12, mà trong điểm trung bình các môn cả năm, có điểm kiểm tra miệng, bằng “hỏi- đáp”.  

Thế nên, việc đổi mới hình thức kiểm tra miệng từ “hỏi- đáp” sang hình thức “viết” là rất cần thiết, để vừa giảm áp lực cho cả thầy và trò, vừa bảo đảm tính công bằng trong đánh giá năng lực học tập của học sinh ở trường phổ thông, bởi lẽ Thông tư 58 của Bộ GD&ĐT chỉ quy định: “Trong một học kỳ, mỗi học sinh được kiểm tra thường xuyên ít nhất 2 lần”. 

Trần Vũ