Thêm cơ hội học nghề tại Đức dành cho người lao động Việt Nam

25/11/2017 09:14
Phương Linh
(GDVN) - Học viên sau khi sang Đức học tiếng chuyên sâu, sẽ được học nghề trong vòng 3 năm, với các chuyên ngành nhà hàng – khách sạn như đầu bếp, phục vụ, dọn phòng…

Ngày 23/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đào tạo Quản lý Doanh nghiệp (CBAM) và SBH (Tập đoàn giáo dục phi Chính phủ, phi lợi nhuận về lĩnh vực giáo dục – đào tạo của Cộng hòa Liên bang Đức) đã ký kết hợp tác, đào tạo “nghề kép” tại Đức.

Đây là chương trình giáo dục thí điểm song đôi trên toàn cầu, vì tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam.

Theo bà Đỗ Thị Kim Liên – Hiệu trưởng Trường CBAM, có một thực tế đáng báo động ở nước ta hiện nay là tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Chất lượng dạy nghề trong nước mặc dù đã ngày càng được nâng cao, nhưng phần nào vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề, về các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo nhóm…

Các điều kiện đảm bảo về chất lượng dạy nghề còn bất cập, giáo viên dạy nghề còn hạn chế về kỹ năng nghề, chương trình ít được cập nhật, bổ sung phù hợp với sự phát triển của nhu cầu xã hội và khoa học công nghệ.

Bà Đỗ Thị Kim Liên và đại diện Tập đoàn SBH ký kết hợp tác đào tạo vào ngày 23/11 (Ảnh: P.L)
Bà Đỗ Thị Kim Liên và đại diện Tập đoàn SBH ký kết hợp tác đào tạo vào ngày 23/11 (Ảnh: P.L)

Nguồn lực đầu tư cho dạy nghề còn hạn chế, chưa phù hợp với sự phát triển của quy mô, mạng lưới cơ sở dạy nghề, chưa huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển dạy nghề.

Để tạo sự đột phá về chất lượng nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đòi hỏi phải có sự dũng cảm, tầm nhìn rộng.

“Với những thế mạnh và kinh nghiệm sẵn có, tôi tin CBAM sẽ làm tốt nhiệm vụ kết nối giữa học viên Việt Nam với SBH” – bà Đỗ Thị Kim Liên khẳng định.

Đối tượng tuyển của CBAM là học sinh đã tốt nghiệp các trường phổ thông, được các trường lập danh sách, đăng ký với CBAM. Trên cơ sở đó, CBAM sẽ kiểm tra, đánh giá và lựa chọn học viên đạt yêu cầu của trường.

Nội dung kiểm tra chủ yếu là các kiến thức có liên quan đến nghề sẽ làm sau này. Không chỉ căn cứ vào bảng điểm, nguyện vọng mà còn xem thái độ của học viên với nghề mà họ sẽ làm.

Sau khi đánh giá, lựa chọn được người đúng theo yêu cầu, CBAM sẽ tổ chức ký hợp đồng đào tạo tiếng Đức, trình độ B2.1 tại Việt Nam.

Học viên sau khi sang Đức sẽ được học một khóa tiếng Đức chuyên sâu B2.2, rồi sẽ được học nghề trong vòng 3 năm, với các chuyên ngành nhà hàng – khách sạn như đầu bếp, phục vụ, dọn phòng…Tương lai có thể mở rộng ra các ngành nghề khác như cơ khí, xây dựng, y tế.

Học viên học nghề tại SBH, trong thời gian học nghiệp vụ tại nhà hàng khách sạn sẽ được miễn phí, theo hình thức vừa học vừa làm. Đặc biệt, được hưởng lương cơ bản từ 550 – 700 EURO/tháng, được chủ doanh nghiệp hỗ trợ các loại bảo hiểm trong suốt thời gian học nghề, lao động tại Đức.

Sau tốt nghiệp sẽ được hỗ trợ, giới thiệu việc làm tại các nhà hàng, khách sạn quốc tế, khu nghỉ dưỡng cao cấp của Đức, lương khởi điểm từ 1.600 đến 2.500 EURO/tháng. Nếu đáp ứng được công việc giao thì sẽ có mức lương tương ứng, tăng dần theo kỹ năng.

Điểm nổi bật, SBH nhận nhiệm vụ chăm sóc học viên trong thời gian học tiếng Đức B2 ở Đức. Học viên sau khi tốt nghiệp, được phép lao động hợp pháp và cư trú dài hạn tại Đức đến độ tuổi về hưu, mức lương và chế độ đãi ngộ tương đương như các đồng nghiệp tại Đức.

Phương Linh