Thi trắc nghiệm có thể kiểm tra kiến thức bao quát của thí sinh

15/09/2016 08:11
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Không nên áp dụng hình thức thi trắc nghiệm với các môn Khoa học xã hội, vì đề thi sẽ dễ rơi vào những phần kiến thức chưa được thống nhất, gây tranh cãi.

LTS: Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2017.

Nêu thêm ý kiến đồng tình với hình thức thi trắc nghiệm của Dự thảo, thầy giáo Trần Trí Dũng đã có ý kiến của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan là một hình thức thi mới, được chúng ta áp dụng từ mùa thi năm 2007 đối với các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học.

Trên thực tế, hình thức này đã được nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, tuy nhiên, ở nước ta vào thời điểm đó là hoàn toàn mới mẻ, vì thế, trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi, các trường học đã cho học sinh làm quen với hình thức này.

Áp dụng thi trắc nghiệm Toán và các môn Khoa học xã hội có nên không? (Ảnh: vietnamnet.vn).
Áp dụng thi trắc nghiệm Toán và các môn Khoa học xã hội có nên không? (Ảnh: vietnamnet.vn).

Tính tới này, hình thức thi trắc nghiệm khách quan vẫn được áp dụng và có sức lan tỏa nhất định. Song, trên thực tế, nhiều người vẫn còn băn khoăn với hình thức này, liệu có thực sự khách quan và đánh giá đúng năng lực của thí sinh?         

Thi trắc nghiệm có thể kiểm tra kiến thức bao quát của thí sinh

Có thể nói trong thi cử, từ trước tới nay tồn tại hai hình thức đó là thi tự luận và thi trắc nghiệm khách quan. Đối với thi tự luận, đó là cách thi truyền thống, với những câu hỏi để thí sinh tư duy và luận giải.

Thi trắc nghiệm khách quan có một lượng câu hỏi lớn, thí  sinh không phải trình bày cách giải, mà chỉ chọn đáp án được cho là đúng, trong số các đáp án đưa ra ở đề thi. Các câu hỏi thi trắc nghiệm thường ngắn, không mất nhiều thời gian để giải.

Ưu điểm của hình thức thi trắc nhiệm khách quan là học sinh không phải trình bày cách giải, các câu hỏi thường ngắn gọn, nội dung thi bao quát được những kiến thức đã học, việc chấm thi trở nên đơn giản, không mất thời gian.

Tuy nhiên, hình thức thi trắc nghiệm khách quan cũng có những hạn chế là nhiều khi có những câu hỏi quá dễ, không mang tính tư duy, trong khi thi có thể xảy ra hiện tượng học sinh lựa chọn đáp án dựa trên sự may rủi nên không đánh giá đúng được năng lực của thí sinh.   

Đối với hình thức thi tự luận, câu hỏi thường có sự đòi hỏi cao về tư duy, trình bày cách giải dựa trên nguyên tắc khoa học, hợp lý, gọn gàng và làm được tới đâu thì có điểm tới đó.

Về hình thức, thi tự luận thực sự đánh giá được năng lực của thí sinh, đặc biệt là những môn đòi hỏi cao về tư duy như Toán học và Vật lí.

Thi trắc nghiệm có thể kiểm tra kiến thức bao quát của thí sinh ảnh 2

Vì sao Bộ tiếp tục đổi mới kỳ thi quốc gia?

Tuy nhiên, hạn chế của hình thức thi tự luận là nhiều khi không bao quát được chương trình đã học, vì nếu bao quát toàn bộ chương trình học sẽ là một sự đòi hỏi quá cao đối với thí sinh. 

Trong hình thức thi trắc nghiệm khách quan, các câu hỏi thi có thể trải khắp chương trình đã học, nên đảm bảo được yêu cầu về kiến thức.

Nói về năng lực, đó là khả năng luận giải của thí sinh khi làm bài thi. Tuy nhiên, đối với thi trắc nghiệm, học sinh vẫn phải luận giải để cho ra kết quả chỉ khác là không phải trình bày cách làm.

Mấu chốt vẫn là chất lượng của đề thi có tốt hay không!

Nếu các câu hỏi trong đề thi trải khắp nội dung đã học, tính khái quát cao thì sẽ đánh giá được đúng kiến thức của thí sinh. Mặc dù là trắc nghiệm nhưng câu hỏi thi vẫn có thể đòi hỏi về khả năng tư duy, vấn đề là thời gian làm bài.

Ở đây, ta có thể lấy ví dụ về một trong những cách ra đề thi của môn Toán, môn học đòi hỏi cao về tư duy:

Cách ra đề 1. Cho hàm số y = x3 - mx2 + 2mx + 1 với m là tham số. Tìm m để hàm số luôn đồng biến:
     A. 0 < m < 6.         B. m < 0 hoặc m > 6.         C. 2< m < 4.          D. m > 4 hoặc m < 2.

Cách ra đề 2. Cho hàm số y = x3 - mx2 + 2mx + 1 với m là tham số. Nếu hàm số luôn đồng biến thì giá trị của m là:
     A. 0 < m < 6.         B. m < 0 hoặc m > 6.         C. 2< m < 4.          D. m > 4 hoặc m < 2.

Như thế, ở cách ra đề 1, học sinh chỉ cần suy luận để làm, nhưng ở cách ra đề 2 đã kích thích được tư duy của học sinh. 

Thi trắc nghiệm có thể kiểm tra kiến thức bao quát của thí sinh ảnh 3

TS.Lê Viết Khuyến: Còn thi tự luận thì khó có được phổ điểm chuẩn

Vì thế, nếu thi trắc nghiệm môn Toán sẽ đòi hỏi rất cao ở người ra đề, nếu không sẽ trở nên quá dễ hoặc quá khó đối với thí sinh.

Một bộ đề thi trắc nghiệm khách quan tốt khi lượng câu hỏi phổ quát được chương trình học, có sự hài hòa về mặt thời gian làm bài giữa các câu hỏi dễ và khó, có sự tăng cường về mặt tư duy, không tạo bẫy đối với thí sinh.

Đặc biệt, khi chúng ta đã nhập chung hai kỳ thi Tốt nghiệp và Đại học, khi đó một đề thi tốt phải phân hóa được thí sinh.        

Cần phải thấy rằng học và thi là hai vấn đề khác nhau. Đối với thi trắc nghiệm, câu hỏi thường được chia nhỏ về tất cả nội dung mà thi sinh từng được học.

Trong quá trình học, đặc biệt đối với các bài tập, học sinh phải được làm quen và giải cả các bài tập trắc nghiệm và tự luận, nhằm đảm bảo yêu cầu toàn diện của kiến thức và phát triển tư duy.

Học để đảm bảo nắm vững về mặt kiến thức và phát triển khả năng.

Thi thực chất là nhằm kiểm tra kiến thức và khả năng của học sinh, vì thế, việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm cũng nằm trong yêu cầu này.

Ở đây cần được nói thêm là, trong một quan điểm về giáo dục đúng đắn là "Học gì thi nấy" chứ không phải là "Thi gì học nấy".

Trần Trí Dũng