Thi trắc nghiệm khách quan có phải là một cuộc cách mạng trong đánh giá?

29/10/2016 07:00
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Lợi thế lớn nhất của thi trắc nghiệm là tính chính xác và chi phí thấp, có thể kiểm tra kiến thức bao quát cho học sinh.

LTS: Với mong muốn làm rõ hơn những điểm đổi mới trong kì thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2017, thầy giáo Trần Trí Dũng đã có phản biện về quan điểm của Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng: coi trắc nghiệm khách quan là một cuộc cách mạng trong đánh giá.

Tác giả cũng cho rằng việc lựa chọn hình thức này cho kì thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2017 là một sự lựa chọn sáng suốt vì phù hợp với mục đích, yêu cầu và giúp tiết kiệm chi phí tổ chức.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 3/10/2016 có đăng bài viết "Thi trắc nghiệm khách quan là một cuộc cách mạng trong đánh giá".

Theo đó, bài viết nêu quan điểm của Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh về việc triển khai thi trắc nghiệm nhiều môn trong kỳ thi năm 2017.

Cụ thể, theo phương án thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2017 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố thì các bài thi sẽ thi trắc nghiệm khách quan, trừ bài thi môn Văn.

Theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, trắc nghiệm khách quan không mới trên thế giới bởi đã được Kelly sử dụng lần đầu từ năm 1914 (Bracey, 2001. Thinking about the test).

Thi trắc nghiệm khách quan là một cuộc cách mạng trong đánh giá (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).
Thi trắc nghiệm khách quan là một cuộc cách mạng trong đánh giá (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).

Nó đã được ứng dụng ở rất nhiều nước và tất cả các lĩnh vực từ Toán đến Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.

Trong nghiên cứu của mình, Gatfield và Larmar – Đại học Griffith, Australia (2006) cũng chỉ rõ kết quả thi trắc nghiệm khách quan không phụ thuộc vào cách học, tư duy kể cả tư duy toán học và văn hóa của các dân tộc khác nhau.

Vì vậy, ý kiến cho rằng trắc nghiệm khách quan chỉ phù hợp với văn hóa của các nước phương Tây và không phù hợp với văn hóa phương Đông là không đúng.

Từ đó, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng đã minh chứng, nước Mỹ đã áp dụng thi trắc nghiệm khách quan cho hầu hết các môn học ở bậc Trung học Phổ thông cũng như kiểm tra đầu vào cho xét tuyển Đại học trong kỳ thi SAT (Scholastic Aptitude Test) từ năm 1926.

Trong các kỳ thi Olympic Toán thế giới từ năm 1973 đến nay, đoàn Mỹ rất ít khi rời khỏi top 3 vì thế không có lý do gì để khẳng định trắc nghiệm khách quan làm giảm tư duy toán học của học sinh.

Và Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh: chuyển thi trắc nghiệm khách quan cho hầu hết các môn học trong năm 2017 thực chất là một cuộc cách mạng trong đánh giá để thực hiện Nghị quyết 29, phù hợp với xu thế của thời đại ngày nay khi kiểm tra, đánh giá trên máy tính và online dần phổ biến trong kỷ nguyên số.

Vậy thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan có phải là một cuộc cách mạng trong đánh giá?   

Có thể nói trong học hành thi cử hiện nay có hai hình thức thi phổ biến là tự luận và trắc nghiệm khách quan.

Thi theo hình thức tự luận, thí sinh phải luận giải và trình bày cách làm, theo nguyên tắc làm được đến đâu là có công có điểm tới đó.

Thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thí sinh chỉ cần lựa chọn một đáp án đúng trong số các đáp án cho trước mà không phải trình bày cách làm.

Đây thực chất chỉ là hai hình thức thi khác nhau nhằm đánh giá khả năng, năng lực và kiến thức của thí sinh dự thi trên cơ sở những kiến thức, sự hiểu biết, kinh nghiệm và kỹ năng làm bài của thí sinh đã được đúc kết và học trong một quá trình trước đó.

Sự thay đổi hình thức thi từ luận ở đa số các môn sang trắc nghiệm khách quan trong kỳ thi năm 2017 chỉ là một sự thay đổi hình thức cách đánh giá, nhưng nếu nói đây là một cuộc cách mạng thì không phải.

Bởi lẽ, cách mạng được hiểu là một quá trình đổi thay lớn và căn bản theo hướng tiến bộ trong một lĩnh vực nào đó.

Ở đây có thể đã có sự thay đổi lớn nhưng nếu nói là tiến bộ thì không hẳn đã là như vậy, bởi vì, giữa hai hình thức thi tự luận và trắc nghiệm khách quan đều có những ưu, nhược điểm riêng.

Thi tự luận thường đòi hỏi cao về tư duy, óc sáng tạo và tính logic của vấn đề, đặc biệt là sự thể hiện tinh tế khoa học trong cách trình bày, nhưng thi tự luận nhiều khi không bao quát được hết kiến thức thuộc chương trình đã học.

Vì nếu bao quát hết lượng kiến thức đã học thì sẽ là một sự đòi hỏi quá cao đối với thí sinh và kết quả thi nhiều khi còn phụ thuộc vào năng lực của người chấm bài.  

Thi trắc nghiệm khách quan có phải là một cuộc cách mạng trong đánh giá? ảnh 2

Thi trắc nghiệm khách quan là một cuộc cách mạng trong đánh giá

Thi trắc nghiệm khách quan với ưu điểm nhanh gọn, không phải trình bày cách làm, số lượng câu hỏi lớn nên có thể bao quát được kiến thức toàn diện của thí sinh.

Đặc biệt với hình thức thi này là việc chấm điểm trở nên rất đơn giản dựa trên mẫu đã có sẵn, có thể sử dụng máy để chấm cho kết quả rất nhanh và vì thế đảm bảo được tính công bằng, khách quan cho thí sinh.

Nhưng nhược điểm của hình thức này là không thể hiện được tính sáng tạo, logic, sự thông minh và vẻ đẹp tinh tế của khoa học, nhiều khi chỉ là sự lựa chọn mang tính may mắn.  

Tuy nhiên, khi áp dụng cho một kỳ thi lớn như kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia thì việc thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan vẫn có ưu thế lớn, bởi lẽ nếu thi tự luận với một lượng thí sinh lớn thì chi phí cho việc chấm bài là rất tốn kém, khả năng gian lận, tiêu cực, thiệt thòi và sai sót cho thí sinh là rất dễ xảy ra.

Lợi thế lớn nhất của thi trắc nghiệm là tính chính xác và chi phí thấp.

Nếu như thi luận thì luôn có vấn đề về sai sót và nhầm lẫn nhưng nếu trắc nghiệm thì có thể áp dụng máy để chấm với chi phí rất thấp và gần như không có khái niệm phúc tra điểm, khả năng gian lận trong quá trình chấm bài cũng rất thấp.

Như hiện nay, chỉ cần chi phí chấm bài ở mức vài chục ngàn nhân lên với gần 1 triệu thí sinh thì chi phí chấm bài đã ở mức vài chục tỷ đồng cho mỗi môn thi, đó là chưa kể đến các chi phí tổ chức chấm thi còn cao hơn nhiều so với chi phí chấm bài.

Thí sinh cũng không mất 1-2 tuần chờ đợi mà có thể biết kết quả ngay lập tức nếu hệ thống được chuẩn bị tốt.

Chính vì những lý do như vậy mà thi trắc nghiệm được các quốc gia áp dụng cho hầu hết các kỳ thi mang tính quốc gia, và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn hình thức thi này trong kỳ thi năm 2017 là một giải pháp thích hợp.

Mặt khác, mục đích của kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia là một kỳ thi 2 trong 1 với mục đích kiểm tra năng lực cơ bản mang tính chất toàn diện của học sinh chứ không phải là một cuộc thi tuyển chọn những người có năng lực xuất sắc.

Đó chưa phải là các năng lực vượt trội, năng lực chuyên biệt của những người lấy khoa học làm mục tiêu theo đuổi nghề nghiệp của mình.

Do đó, khi mà thi trắc nghiệm khách quan, trong thời gian ngắn bao phủ được kiến thức toàn bộ môn học, điểm số chính xác, nếu áp dụng cho các kỳ thi quy mô lớn (với hàng triệu thí sinh) thì thi trắc nghiệm sẽ có ưu thế áp đảo.

Vì thế, thi trắc nghiệm khách chỉ là một sự thay đổi hình thức đánh giá do khi áp dụng với một kỳ thi lớn đã có nhiều ưu điểm chứ không phải là một sự thay đổi có tính căn bản trong đánh giá.

Sẽ là một sai lầm khi cho rằng thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan là một cuộc cách mạng trong đánh giá, bởi lẽ khi đó việc kiểm tra đánh giá học sinh ở mọi bậc học sẽ được thực hiện theo hình thức này.

Thi trắc nghiệm khách quan có phải là một cuộc cách mạng trong đánh giá? ảnh 3

Mã đề thi trắc nghiệm riêng sẽ ngăn ngừa tình trạng “đậu oan”

Khi đó, sẽ dẫn tới một hệ lụy lớn là không đánh giá được năng lực toàn diện và khả năng tư duy, biện luận của học sinh.

Vì thế, trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải áp dụng hài hòa và cân đối các hình thức đánh giá đối với học sinh, nếu không sẽ để lại một lỗ hổng lớn trong việc phát triển năng lực và khả năng tư duy về nhiều mặt của người học.

Trên thực tế, ở một số Quốc gia, khi tổ chức những kỳ thi học sinh giỏi hay cần tuyển lựa những người có năng lực vượt trội, đặc biệt với môn Toán, ngoài các câu hỏi trắc nghiệm khách quan là vẫn có thêm những câu hỏi tự luận, thậm chí là những câu hỏi theo hình thức vấn đáp để đánh giá thí sinh.  

Việc thi theo hình thức nào thì thí sinh vẫn phải nắm vững kiến thức đã học, có kỹ năng và kinh nghiệm làm bài tổng hợp chứ không phải sẽ dẫn đến một hệ quả là sự thay đổi căn bản về cách học mang tính cách mạng như quan điểm của Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng.

Sở dĩ tôi phản biện lại quan điểm của Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng là vì muốn làm rõ hơn về những điểm trong kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2017, và từ đó định hướng kế hoạch giảng dạy và học tập đối với các thầy cô giáo và các em học sinh.

Bởi lẽ, thi theo hình thức nào thì cũng phải học cho thật tốt chứ không phải là "thi gì thì học nấy" như quan niệm ăn mòn bấy lâu nay.

Việc thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan ở đây cũng là dịp để ta nhìn lại các vấn đề về giảng dạy và học tập của nền giáo dục Quốc gia nói chung, để từ đó có những hiểu chỉnh thích hợp.

Và có thể đó sẽ là một điểm khởi đầu mới trong việc đổi mới cách đánh giá kết quả học tập của học sinh, vấn đề là cần phải đánh giá một cách toàn diện chứ không phải là chỉ nhìn vào hình thức thi cử!

Trần Trí Dũng