Thời đại công nghệ số, thầy ngừng học sẽ thua học trò

03/05/2018 07:08
Lại Cường
(GDVN) - Thông qua các bài học, các ví dụ ứng dụng thực tế, giáo viên trên lớp cần truyền cảm hứng, định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh ngay từ ghế nhà trường.

Đây chính là tâm sự của thầy giáo trẻ Phùng Anh Tuấn, tổ tưởng tổ bộ môn Vật Lý trường Trung học phổ thông Hạ Hòa khi nói về công tác dạy học và định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông trước những cơ hội và thách thức trong thời kỳ công nghệ.

Ngày 23/4, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ, Trường trung học phổ thông Hạ Hòa (Huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) tổ chức buổi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0”.

Buổi hội thảo được tổ chức với mục tiêu định hướng nghề nghiệp cũng như việc chọn nghề nghiệp phù hợp trong thời kỳ công nghệ đang phát triển cho học sinh trung học phổ thông.

Gần 1.000 học sinh trường Trung học phổ thông Hạ Hòa đã có buổi giao lưu đầy ý nghĩa và thiết thực với Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng.

Bên lề cuộc hội thảo, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với thầy giáo Phùng Anh Tuấn, tổ trường tổ bộ môn Vật Lý của trường về công tác định hướng nghề nghiệp cũng như tâm sự về nghề trong thời đại công nghệ đang gõ cửa.

Thầy giáo Phùng Anh Tuấn, tổ trưởng bộ môn Vật Lý, trường Trung học phổ thông Hạ Hòa, Hạ Hòa, Phú Thọ (Ảnh: Lại Cường)
Thầy giáo Phùng Anh Tuấn, tổ trưởng bộ môn Vật Lý, trường Trung học phổ thông Hạ Hòa, Hạ Hòa, Phú Thọ (Ảnh: Lại Cường)

Với đặc thù là trường vùng nông thôn, học sinh trường Hạ Hòa thường ít có điều kiện để tiếp cận với công nghệ mới, chính vì vậy, theo thầy giáo Tuấn, các thầy cô giáo không chỉ là người truyền dạy kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng nghề nghiệp cho các em.

Từ thực tế giảng dạy và công tác tại trường Hạ Hòa, thầy Phùng Anh Tuấn cho rằng thực tế công tác giáo dục hiện nay có nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều thách thức hơn trước.

Thầy giáo Tuấn nói vui rằng, giáo viên truyền cảm hứng trên lớp cũng cần như một người đầu bếp, sắp xếp kiến thức thế nào cho các em “không ngán” khi phải ngốn quá nhiều khối lượng kiến thức.

Khi đứng lớp thầy giáo Tuấn cho biết, thầy luôn đặt câu hỏi "Học trò cần gì nhất ở người thầy?".

Thời đại công nghệ số, thầy ngừng học sẽ thua học trò ảnh 2Người thầy định hướng, nâng tầm cho học sinh bằng kinh nghiệm quản lý

Thầy Tuấn cho rằng, câu hỏi này và các trả lời của nó rất quan trọng, nhưng không phải là vấn đề gì hoàn toàn mới và cũng đã được bàn thảo nhiều lần từ xưa đến nay.

Nên khi nêu câu hỏi và tìm trả lời cho cho việc đứng lớp, thầy Tuấn cho biết, bản thân mình dựa trên thực tiễn học sinh của trường để trả lời và tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp nhất cho từng đối tượng học trò.

“Ví dụ như đối với học sinh học chưa tốt môn Vật Lý, giao viên không nên trách cứ các em là mất căn bản, lười học… mà cần tìm hiểu năng lực các em đó đến đâu. Có thể một số em chưa tốt về môn này nhưng lại trội về môn khác. Do đó việc trách cứ các em chẳng giải quyết được gì mà chỉ gây cho các em sự chán nản đối với môn học.” Thầy Tuấn chia sẻ.

“Đối với các em học sinh đã được phân ban, thầy giáo cần truyền cảm hứng để nâng tầm cho các em. Đối với một số em có định hướng, việc sáng tạo ra các dạng bài tập mới cũng góp phần cho các em có những cảm hứng mới trong học tập và nghiên cứu”.

Theo thầy Tuấn, để truyền được cảm hứng cho học trò thì phép cộng số học của những kỹ năng cơ bản và kỹ thuật khi giảng bài của người thầy là chưa đủ, cho dù nhiều người có thể phải chuẩn bị rất nhiều và rất công phu.

Việc truyền thụ kiến thức không chỉ một chiều mà người thầy cần phải tìm những ví dụ thực tế, truyền cảm hứng trong từng bài học.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã truyền cảm hứng cho gần 1000 học sinh trường Trung học phổ thông Hạ Hòa (Phú Thọ) (Ảnh: Lại Cường)
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã truyền cảm hứng cho gần 1000 học sinh trường Trung học phổ thông Hạ Hòa (Phú Thọ) (Ảnh: Lại Cường)

Thầy giáo Tuấn cho rằng, "truyền cảm hứng" cho học trò có nghĩa là không chỉ truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm thông thường mà ở mức cao nhất là truyền ngọn lửa tình yêu khoa học, chất men say khoa học cho học trò để các em tiếp tục tự học thêm, tự hoàn thiện mình, trong suốt cuộc đời mình.

Để làm được điều đó, các kiến thức thực tiễn và những nhân vật nổi tiếng, những câu chuyện có thật trong thực tế sẽ có hiệu quả tích cực.

Những người đó, những câu chuyện đó không chỉ dạy cho học sinh những kiến thức theo chương trình quy định mà còn dạy cho chúng ta biết những điều mới lạ ngoài sách giáo khoa, về thiên nhiên, về nghề nghiệp trong cuộc sống. Thầy giáo Tuấn nhận định.

Nói về việc dạy học trong thời kỳ công nghệ số, thầy giáo Phùng Anh Tuấn cho biết, đây cũng là cơ hội và cũng là thách thức đối với nghề giáo.

Vẫn là câu hỏi: “Học sinh cần gì ở người thầy?”, thầy Tuấn cho rằng, việc nâng tầm mình là rất cần thiết, tuy rằng đây là một vấn đề khó đòi hỏi mỗi thầy cô giáo đứng lớp phải luôn tự hoàn thiện mình, tự đổi mới mình để cập nhật được các kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy mới.

Được gặp gỡ và giao lưu với nhà giáo dân dân Nguyễn Lân Dũng là một trải nghiệm đặc biệt với các em học sinh Trường trung học phổ thông Hạ Hòa (Phú Thọ). Ảnh: Lại Cường.
Được gặp gỡ và giao lưu với nhà giáo dân dân Nguyễn Lân Dũng là một trải nghiệm đặc biệt với các em học sinh Trường trung học phổ thông Hạ Hòa (Phú Thọ). Ảnh: Lại Cường.

Trong thời kỳ mới, người thầy phải không ngừng tự học, học cùng với học trò. “Với sự phát triển của Internet, việc cập nhật kiến thức mới không còn khó khăn như trước, các bài học đó tôi và các giáo viên khác trong trường Hạ Hòa đều phải không ngừng học tập chuyên môn sáng tạo ý tưởng mới.” Thầy Tuấn chia sẻ kinh nghiệm dạy học của mình.

Với đặc thù môn vật lý, các ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới hoặc đơn giản là xu hướng sử dụng công nghệ cũng là những bài học mà người thầy phải tiếp nhận, học tập và tìm cảm hứng truyền thụ cho học sinh ngay trong đó.

Nhiều năm làm công tác giảng dạy, không ít học sinh đã tìm được niềm cảm hứng học tập và tìm ra được nghề nghiệp yêu thích để bản thân theo đuổi, học tập.

Kết thúc buổi trò chuyện, thầy giáo trẻ Phùng Anh Tuấn cho rằng, giáo dục tổng thể hiện nay đang có nhiều thay đổi, nhưng việc đào tạo rất quan trọng.

Do đó, để việc dạy học thành công, người thầy cần phải để học sinh tự bộc lộ và có những tiết thực hành luyện tập nhiều hơn, thiết thực hơn. Có như vậy các em sẽ tự thu nhận lấy kiến thức của mình, kiến thức các em tự thu nhận sẽ là kiến thức bền vững nhất.

Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước.

Với diễn giả đặc biệt là giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các trường có thể đăng ký qua hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777,

Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Lại Cường