Thông tin tuyển sinh 2019, Khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí và tuyên truyền

26/03/2019 10:01
Công Tiến
(GDVN) - Năm 2019 Khoa tuyển 150 chỉ tiêu cử nhân Chính trị học ở ba chuyên ngành: Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa, Truyền thông chính sách, Văn hóa phát triển.

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về công tác tuyển sinh năm 2019 của Khoa Tuyên truyền, Tiến Sĩ Lương Ngọc Vĩnh - Trưởng Khoa Tuyên truyền thông tin cho biết:

“Năm 2019, Khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến tuyển 150 chỉ tiêu đào tạo trình độ đại học chính quy, ngành Chính trị học ở 3 chuyên ngành: Văn hóa phát triển; Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa; Truyền thông chính sách.

Trước đó, năm 2018 Khoa Tuyên truyền có liên kết với một số Trường đại học của Hàn Quốc xây dựng khung chương trình, phối hợp đào tạo chuyên ngành Truyền thông chính sách, sinh viên khi ra trường hứa hẹn sẽ đáp ứng nhu cầu mới của xã hội, sẽ có tỷ lệ việc làm cao.

Các chương trình đào tạo của Khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: KTT
Các chương trình đào tạo của Khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: KTT

Sinh viên sau khi học tập tại Khoa Tuyên truyền sẽ có các lợi thế về khả năng diễn thuyết, kỹ năng nói trước đám đông, truyền thông về chính sách của Đảng và nhà nước cũng như quốc tế.

Với đặc thù là trường Đảng vì vậy các kiến thức trong thời gian các bạn sinh viên học tập tại Khoa Tuyên truyền luôn đảm bảo đúng định hướng của Đảng và nhà nước đó là một lợi thế so với các sinh viên trường khác”.

Chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo các ngành Quản lý hoạt động Tư tưởng - văn hóa, Văn hóa phát triển và Truyền thông chính sách được thiết kế dựa trên mô hình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trong và ngoài nước.

Chương trình đào tạo của Khoa luôn nhận được sự tư vấn quý báu của các chuyên gia cao cấp đang hoạt động trong ngành tuyên giáo, văn hóa ở Việt Nam để thường xuyên cải tiến cho phù hợp với yêu cầu phát triển mới trong ngành.

Nội dung, chương trình đào tạo của Khoa từng bước phát triển và hoàn thiện theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, gắn đào tạo với yêu cầu sử dụng cán bộ của hệ thống chính trị và của xã hội, mở rộng mục tiêu đào tạo, nâng cao chất lượng đầu ra. 

Sinh viên của khoa Tuyên truyền

Sinh viên Khoa Tuyên truyền là những thanh niên năng động, sáng tạo, tự tin và ham học hỏi.

Liên chi đoàn Khoa Tuyên truyền đã nhiều năm dẫn đầu về thành tích các phong trào sinh viên của Đoàn Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Sinh viên Khoa Tuyên truyền đã nhiều năm dẫn đầu về thành tích các phong trào sinh viên của Đoàn Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: KTT
Sinh viên Khoa Tuyên truyền đã nhiều năm dẫn đầu về thành tích các phong trào sinh viên của Đoàn Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: KTT

Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường các bạn sinh viên đều có cơ hội chủ động tích luỹ kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp từ thầy cô, bạn bè và từ các chuyên gia, cán bộ thực tiễn.

Ngoài việc học tập ở trên giảng đường, sinh viên còn có cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khoá như giải bóng đá toàn trường Ajc Cup, các cuộc thi hùng biện, chào tân sinh viên khóa mới…

Bên cạnh đó, để nâng cao khả năng vận dụng, thực hành của sinh viên, Khoa cũng thường xuyên tổ chức các chuyến đi học tập thực tế để sinh viên có điều kiện tìm hiểu và làm quen với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên Khoa Tuyên truyền

Với bề dày gần 60 năm xây dựng và phát triển, Khoa Tuyên truyền đã xây dựng được đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên chuyên nghiệp, nhiệt huyết, có năng lực và trình độ cao về chuyên môn.

Đội ngũ cán bộ giảng viên Khoa Tuyên truyền có khả năng sử dụng ngoại ngữ, khả năng ứng dụng công nghệ kỹ thuật và có kinh nghiệm tác nghiệp thực tế trong lĩnh vực tuyên giáo, văn hóa, quản lý truyền thông, quan hệ công chúng.

Khoa Tuyên truyền đã xây dựng được đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên chuyên nghiệp, nhiệt huyết, có năng lực và trình độ cao về chuyên môn. Ảnh: KTT.
Khoa Tuyên truyền đã xây dựng được đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên chuyên nghiệp, nhiệt huyết, có năng lực và trình độ cao về chuyên môn. Ảnh: KTT.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ giảng viên Khoa Tuyên truyền có 19 cán bộ, giảng viên cơ hữu, trong đó có 05 phó giáo sư, 05 tiến sĩ, 05 nghiên cứu sinh, 03 thạc sĩ, 01 cử nhân.

Ngoài các giảng viên cơ hữu, Khoa Tuyên truyền còn có một đội ngũ đông đảo giảng viên thỉnh giảng là các chuyên gia, giảng viên uy tín trong và ngoài nước để giảng dạy cho sinh viên và học viên của Khoa.

Có thể kể đến một số giảng viên như: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Huy Rứa, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Duy Quát, Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồng Vinh, Nguyên Phó Trưởng Ban thường trực, Ban Tuyên giáo Trung ương…

Cơ hội việc làm của sinh viên khi tốt nghiệp

Sinh viên sau khi tốt nghiệp Khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí và Tuyên truyền có thể đảm nhận nhiệm vị trí việc làm là mơ ước của nhiều người như:

Cán bộ tuyên giáo các cấp, cán bộ tuyên huấn, cán bộ chính trị của lực lượng vũ trang.

Cán bộ quản lý văn hóa trong cơ quan chính quyền các cấp, cơ quan văn hóa, thể thao, du lịch.

Cán bộ truyền thông, người phát ngôn trong các cơ quan của Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội,  các công ty, tập đoàn truyền thông, cơ quan báo chí.

Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, văn hóa, giáo dục công dân ở các cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và trường phổ thông.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp Khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí và Tuyên truyền có thể đảm nhận nhiệm vị trí việc làm là mơ ước của nhiều người như. Ảnh: KTT.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp Khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí và Tuyên truyền có thể đảm nhận nhiệm vị trí việc làm là mơ ước của nhiều người như. Ảnh: KTT.

Vài nét về Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trường của Đảng với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, cán bộ làm công tác tuyên giáo, công tác xây dựng Đảng; đào tạo đại học, sau đại học chuyên ngành báo chí, tuyên truyền và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khác.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) được thành lập ngày 16/01/1962 theo Nghị quyết số 36 NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, trên cơ sở hợp nhất 3 trường: Trường Nguyễn Ái Quốc II, Trường Tuyên huấn và Trường đại học Nhân dân.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến sẽ tổ chức ngày hội Tư vấn tuyển sinh năm 2019 “AJC OPEN DAY 2019” vào ngày 31/3/2019 để cung cấp các thông tin chi tiết về ngành học, chỉ tiêu tuyển sinh, chuẩn đầu vào, đầu ra và các thắc mắc cho thí sinh nắm bắt.

Công Tiến