Thót tim xem học sinh tiểu học Sập Xa đu cáp treo qua suối đến trường

03/10/2018 14:25
Vũ Phương
(GDVN) - Để đến trường các em phải leo một cái giá sắt có bi trượt trên dây cáp rồi dùng tay bám vào dây thừng kéo qua suối.

Ngày 1/10, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video dài hơn 2 phút ghi lại cảnh 2 học sinh mặc áo trắng đồng phục của một trường tiểu học nằm trên địa bàn huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đi học về phải đu cáp treo qua suối nhận được sự quan tâm và chia sẻ lớn từ dư luận.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Nguyễn Trọng Kiên là người quay video và chia sẻ trên mạng xã hội cho biết: “Tình cờ trên đường đi làm về tôi thấy một bé gái đang đi cáp treo qua bên này suối đón 2 học sinh đi học về nên đã ghi lại và chia sẻ trên mạng xã hội.

Hai học sinh mặc đồng phục áo trắng trong đoạn video là học sinh Trường tiểu học Sập Xa (xã Sập Xa, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Hàng ngày các em vẫn đi học và đi về bằng cáp  treo.

Chiếc cáp treo được một số người dân sống bên kia suối làm để các em tiện đi học. Bên kia sông cũng chỉ có vài hộ sinh sống làm nương rẫy bên đó. Hàng ngày cũng chỉ có vài em học sinh đi học phải đu cáp treo qua suối”.

Video 2 học sinh đu cáp treo qua suối Sập. Nguồn: Nguyễn Trọng Kiên.

Video học sinh Trường tiểu học Sập Xạ đu cáp treo qua suối

Anh Nguyễn Trọng Kiên cũng chia sẻ: “Chiếc cáp treo được người dân tự trang bị và thiết kế rất đơn giản. Một dây cáp bằng thép được căng qua suối và được cố định ở hai bên bờ một cách chắc chắn.

Người dân hàn một cái giá bằng sắt có bánh xe để lăn trên dây cáp. Cùng với dây cáp, còn có một dây thừng căng song song cùng với dây cáp để giúp người đu cáp treo tự qua suối.

Người dân, học sinh ở đây họ đi quen, còn người chưa đi cáp treo bao giờ sẽ rất sợ, thậm chí nhìn rất nguy hiểm. Con suối Sập không phải chiều rộng chỉ vài mét mà rất rộng, dưới mênh mông nước mà bên trên các em không có áo phao, ngồi vắt vẻo, chông chênh trên chiếc dây cáp”.

Hàng ngày một số học sinh Trường tiểu học Sập Xa đến trường bằng cách đi cáp treo qua suối rất nguy hiểm. Ảnh: Cắt từ video.
Hàng ngày một số học sinh Trường tiểu học Sập Xa đến trường bằng cách đi cáp treo qua suối rất nguy hiểm. Ảnh: Cắt từ video. 

Anh Kiên cũng cho hay, để đến trường học, học sinh cũng có thể đi  đường vòng để qua cầu hay đi đường mòn, nhưng sẽ rất xa khoảng trên chục cây số. Bởi vậy, người dân đã làm cáp treo để con em họ đi học thuận tiện và nhanh hơn.

Còn anh Đình Thiên, cán bộ điện lực Công ty điện lực Sơn La phụ trách địa bàn xã Sập Xa cho biết: “Bên kia suối là địa phận huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La) bên này suối là huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La).

Học sinh bên Bắc Yên đi cáp treo qua suối sang học nhờ tại Trường tiểu học Sập Xa của huyện Phù Yên. Bên kia suối chỉ có khoảng chục hộ làm nương rẫy, chỉ có vài em đi học.

Hàng ngày các cháu tự đi học chứ không có bố mẹ, người lớn đi cùng. Nhìn các cháu phải đi cáp treo qua suối đến trường rất nguy hiểm, nhưng khó có thể làm cầu vì chỉ có ít hộ làm nương rẫy bên đó”.

Cả ba cháu nhỏ cùng leo lên cáp treo đu qua suối mà không mặc áo phao. Ảnh: Cắt từ video.
Cả ba cháu nhỏ cùng leo lên cáp treo đu qua suối mà không mặc áo phao. Ảnh: Cắt từ video. 

Xác nhận với phóng viên, thầy Đinh Văn Thuấn – Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Sập Xạ cho biết: “Nhà của nhiều em học sinh không phải ở bên kia suối, có thể trong video một số em theo bố mẹ đi nương rẫy và ở tạm luôn bên đó nên đã đi cáp treo qua suối.

Người dân làm cáp treo để thuận tiện việc đi nương là chính, còn số rất ít học sinh theo bố mẹ ở tạm bên đó nên hàng ngày đi cáp treo qua suối đến trường. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp học sinh đi sang nương rẫy của bố mẹ, ông bà chơi”.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tiến Quân - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên, phụ trách khối Văn hóa - Xã hội khẳng định: “Qua xác minh, báo cáo ở địa phương cho thấy chỉ có một học sinh lớp 1 thuộc huyện Bắc Yên ở bên kia suối học nhờ tại Trường tiểu học Sập Xạ.

Cáp treo đi qua suối là của người dân tự làm để thuận tiện sang nương rẫy, mang sản phẩm, mua công cụ lao động.

Còn trong video có hình ảnh học sinh đi cáp treo qua suối có thể các cháu đùa nghịch, đi chơi. Chúng tôi sẽ cho tiếp tục cho cán bộ xác minh, nếu là học sinh học đến trường phải đi bằng cáp treo sẽ có giải pháp để đảm bảo các em đến trường an toàn”.

Vũ Phương