Thư gửi trò nghèo Ams: Em đã sai rồi...!

10/11/2011 07:49
(GDVN) -Bài văn xúc động của cậu học trò Ams khiến nhiều người phải dừng lại soi xét, nhìn nhận lại bản thân mình. Nhưng liệu cậu bé có hoàn toàn đúng?
Sau sự kiện bài văn lạ gây cảm động của cậu học trò Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 11 chuyên Lý, trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía độc giả, đáng chú ý là lá thư của độc giả Nguyễn Thu Hằng gửi đến từ email nguyenhang2805@gmail.com. Báo điện tử GDVN xin trích nguyên văn lá thư này. Mời quý độc giả đón đọc.

Hiếu em!

Nhận được lá thư này chắc em sẽ ngạc nhiên và tò mò không biết ai đang viết thư cho mình đúng không? Giờ chị sẽ kể lại, tại sao chị lại biết đến cái tên Nguyễn Trung Hiếu, cậu học sinh lớp 11 chuyên Lý, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và “Bức thư gửi mẹ” vô cùng cảm động của em.

Một buổi tối “nằm dài” trên facebook, chị liên tục nhận được những dòng comment gửi đến địa chỉ hòm thư và địa chỉ facebook của mình. Theo thói quen bình thường chị click những dòng comment đó và sau đó không thể cưỡng lại cái suy nghĩ tò mò muốn biết rõ hơn về cái tên Nguyễn Trung Hiếu và Bức thư gửi mẹ đó có gì đặc biệt mà khiến cư dân mạng bàn tán xôn xao, xúc động, cảm thương đến tận đáy lòng như vậy.

Click vào đường link dẫn đến Bức thư gửi mẹ của em, chưa vội kéo thả chuột để đọc nội dung bức thư đó, chị nhận thấy đó là một bức thư khá dài và hình ảnh về một bài văn đã được chấm điểm. Vốn là dân chuyên văn nên thấy điểm số 8+1 và những lời phê đầy ưu ái, khen tặng của giáo viên đã khiến chị muốn đọc và đọc bức thư của em.

Nhìn ảnh em trên báo mà chị thấy xót ruột, bởi em quá gầy...
Nhìn ảnh em trên báo mà chị thấy xót ruột, bởi em quá gầy...

Và ngay từ những dòng đầu tiên, chị đã bị cuốn hút vào câu chuyện về mẹ, về gia đình cảm động của em. Câu chuyện của em khiến chị nhớ lại tuổi thơ của mình. Chị cũng đã từng sống một cuộc sống khốn khó như vậy. Mẹ chị cũng thường xuyên đau yếu, phải trở đi trở lại bệnh viện rất nhiều lần và uống thuốc thay cơm hàng ngày. Bao khó nhọc đổ dồn lên đôi vai gầy yếu của bố khi mình bố phải làm lụng vất vả nuôi sống cái gia đình 5 miệng ăn và chu cấp cho 3 anh em chị ăn học nên người.

Em biết không, suốt 3 năm học THPT, chị chưa khi nào có trong túi quá 5.000 đồng để ăn sáng và phòng xe hỏng dọc đường. Nhiều hôm chiếc xe đạp cà tang bị thủng săm, đứt xích dọc đường chỉ có nước dắt bộ mấy km về nhà vì trong túi không có lấy 1 đồng chữa xe.

Nhưng em chắc không biết điều này đâu. Sáng nào ngủ dậy, mẹ hoặc bố cũng bắt chị “nhồi nhét” hết một bát cơm rang muối với mỡ to đùng đoàng hoặc một bát xôi trắng thổi từ tối hôm trước để nguội cho dễ ăn. Chưa ăn hết là chưa được đi học. Nhiều khi không ăn nổi vì quá ngán và không hề ngon nhưng nhìn cái nghiêm nét mặt của bố, ánh mắt “van nài” của mẹ chị lại tươi cười và những miếng cơm thật to vào miệng, nhai ngon lành, hả hê…

Nhìn hoàn cảnh gia đình khốn khó, không biết bao lần chị  muốn vứt bỏ tất cả mọi thứ phía trước để đi lao động kiếm tiền phụ giúp cho gia đình. Nhưng cũng như em, chưa khi nào bố mẹ chị thôi hy vọng vào tương lai tươi sáng phía trước của anh em chị. Chỉ cần bọn chị tiếp tục đi học và cố gắng học thật giỏi là mọi mệt mỏi, muội phiền của bố mẹ lại tan biến hết. Nghèo, thiếu thốn nhưng căn nhà bé nhỏ của gia đình chị chưa khi nào thiếu vắng tình yêu và tiếng cười.

Chị cũng đã từng muốn có nhiều tiền đến tột cùng, cũng đã bao lần thấy cuộc sống sao mà bất công, tàn nhẫn, cũng đã từng “yêu”, từng “hận”, từng “sợ” đồng tiền đến vô cùng. Nhưng cuộc sống không đơn thuần là như vậy. Lớn lên rồi, chị nhận ra nhiều chân lý, và có cái nhìn đúng đắn hơn về đồng tiền. Lớn hơn một chút nữa, em sẽ tự trải nghiệm và hiểu được những điều đó.

Hiếu thân!

Em biết tại sao chị lại kể lại câu chuyện của mình cho em không? Đọc bức thư gửi mẹ của em chị vô cùng cảm động nhưng cũng vô cùng tức. Em biết sao không?

Chị không thể chịu được khi hình dung ra một cậu bé 16-17 tuổi nhưng lại gầy còm nhom, mỗi buổi sáng thức dậy đều uống nước lọc và nhịn ăn sáng để đi đến trường học. Hình ảnh ấy, khiến chị nhớ đến hình ảnh của chính mình năm xưa. Và nó như có một cái gì đó nhói, xót trong lòng chị.

Em có biết là em đã sút mất 8kg so với năm ngoái không? Điều này nói lên cái gì? Đó chẳng phải em đang tự “hành xác” mình đó sao?

Em đang khiến bố mẹ mình phải đau lòng, cảm thấy “bất lực” khi cậu con trai chưa kịp trưởng thành của mình đã sớm phải chịu những thiếu thốn, vất vả như vậy trong cuộc sống. Những người làm cha, làm mẹ như bố mẹ của chúng ta sẽ nghĩ gì, đau lòng đến mức nào khi không thể cho đứa con mình rứt ruột để ra ăn no một bữa sáng?

Đó là chưa kể đến, khi em nhịn ăn sáng trường kỳ như vậy sẽ hại đến sức khỏe như thế nào? Bữa sáng cung cấp năng lượng cho cả ngày. Em lại đang trong độ tuổi ăn, ngủ, học hành, lớn khôn để trở thành một người đàn ông thực thụ. Không ăn sẽ đói là điều chắc chắn. (Em đừng nói với chị là mình không cảm thấy đói đấy nhé!)

 Vậy em lấy sức đâu để học hành?

Em lấy sức đâu để phấn đấu trở thành học sinh giỏi như những gì đã hứa với người bố lam lũ, với người mẹ bất hạnh bệnh tật đầy người luôn mong em học giỏi???

Em lấy sức đâu để sau này đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình?

Liệu rằng, 1 năm sau, cậu bé Nguyễn Trung Hiếu không sút tiếp 8kg thịt nữa?

Lúc đó, gia đình em không chỉ có một người mẹ tuần 3 lần chạy thận mà ngay cả em cũng không loại trừ khả năng phải vào bệnh viện điều trị vì suy nhược thể trạng trầm trọng.

Lúc đó, gánh nặng càng thêm nặng, khó khăn càng thêm khó khăn…

Hiếu à! Muốn chăm lo và hy sinh cho người thân của mình là điều chính đáng và trân trọng. Tuy nhiện, em lại quên mất một điều rất đơn giản là: “Em phải biết tự chăm lo cho bản thân mình trước khi muốn chăm lo cho một ai khác nữa”.

Bởi lẽ nếu ngay cả bản thân em, em cũng không thể chăm sóc chu đáo thì em còn có thể chia sẻ, chăm lo được cho ai?

Chị nghĩ, nếu em tiếp tục để tình trạng “nhịn ăn sáng” này tiếp diễn, em sẽ là một đứa con bất hiếu, làm đau lòng bố mẹ, đáng bị người khác phê phán chứ không phải là tán thành, tung hô như thế này đâu. Hiếu hiểu những điều chị nói không em?

Em là một cậu bé thông minh, nhạy cảm và nhân hậu. Chị biết được điều này qua giọng văn chân thành, lời lẽ tự nhiên được chảy ra tự đáy lòng em trong bức thư gửi mẹ. Em hãy cố gắng học hành cho giỏi để xây dựng cho mình một tiền đề tương lai tốt. Chỉ vài năm nữa thôi, khi nhìn lại những ngày tháng khó khăn này, em sẽ thấy mình đã sai, đã trẻ con như thế nào khi “nhịn ăn sáng” với hy vọng sẽ giúp đỡ được gia đình mình.

Chị cũng không đồng tình với cái suy nghĩ đi làm thêm, lao động ngoài giờ và thậm chí là bỏ học để đi kiếm tiềm phụ giúp bố, cho mẹ chạy thận hàng tuần. Em còn quá nhỏ, lại là một cậu bé học giỏi. Em có ước mơ của riêng mình và là niềm hãnh diện của gia đình.

Bố mẹ có vất vả chừng nào nhưng cũng là làm tất cả cho em. Chỉ cần nhìn thấy em khôn lớn, học hành nên người là mọi mệt mỏi, khó nhọc đó sẽ không là gì hết. Bởi em là hy vọng, là niềm tự hào của bố, của mẹ, của anh chị em trong gia đình cơ mà. Sẽ đau khổ như thế nào khi bố mẹ chúng ta mất đi niềm tự hào và niềm vui sống của mình???

Có thể trong lúc này, vài đồng bạc lẻ ăn sáng của em rất có ý nghĩa. Nhưng Hiếu hãy nghĩ mà xem, gia đình em cần sự thay đổi như thế nào? Đó chẳng phải là sự “thay da đổi thịt” toàn diện sao? Chính em, em sẽ là người mang lại sự thay da đổi thịt đó cho gia đình mình.

Em không thể mang một thân hình ốm yếu, không sức sống để tìm kiếm, thực hiện tương lai của mình đúng không nào?!

Em cũng đừng “ghét tiền”, “thù đồng tiền” và “sợ tiền”. Là đàn ông cần có cái nhìn khác và phóng khoáng. Hãy biến nỗi sợ hãi đó, sự thù ghét đó thành tình yêu cuộc sống, thành động lực để phấn đấu, xây dựng tương lai tốt đẹp cho mình…

Chị chúc em sẽ sớm bước qua giai đoạn khó khăn trong cuộc sống, học tập tốt để có những kỹ năng và kiến thức tốt trong hành trang vào đời của mình! Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp. Nhưng:

Đừng nhịn ăn sáng nữa, nhóc à!

Một người bạn, một người cùng cảnh ngộ, một người chị gái chưa quen của Hiếu!

Nguyễn Thu Hằng

(email
nguyenhang2805@gmail.com)