Thủ phạm khiến dạy thêm trái phép, biến tướng là Thông tư 17

16/01/2018 06:36
Thuận Phương
(GDVN) - Khi nhà trường tổ chức dạy thêm, 20% số tiền trích lại được chia cho Ban Giám hiệu từ 10-15%, các bộ phận khác 5-10%.

LTS: Bên cạnh gánh nặng từ chương trình, sách giáo khoa hiện hành đẩy học trò lao vào các lớp học thêm, những biến tướng của việc thực hiện Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT cũng làm cho tình trạng học thêm dạy thêm tràn lan mất kiểm soát.

Là người trong cuộc chứng kiến những chiêu trò “áp dụng” Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT để ép buộc học sinh không có nhu cầu vào các lớp học thêm do nhà trường tổ chức, cô giáo Thuận Phương có bài viết chia sẻ góc nhìn của mình, xin mời quý bạn đọc theo dõi.

Dạy thêm học thêm tràn lan đã trở thành vấn nạn, biết rồi khổ lắm nói mãi, nhưng vẫn luôn nóng trên các phương tiện truyền thông. Người ủng hộ thì ít, người bức xúc, phản ứng lại quá nhiều. 

Xét về mặt tích cực thì dạy thêm tự nguyện từ 2 phía cũng đã giúp khá nhiều học sinh có lực học yếu, tiếp thu chậm theo kịp các bạn cùng trang lứa để duy trì việc học tập. 

Những học sinh khá trở nên giỏi hơn, các em có học lực giỏi trở thành xuất sắc nhờ được thầy cô giỏi hướng dẫn cho nhiều phương pháp học hay hoặc phù hợp với mình, mà các em không tìm thấy trong chương trình chính khóa. 

Để né những quy định quản lý nhà nước, có giáo viên bắt tay với các trung tâm để lùa học sinh vào các lớp dạy thêm, ảnh minh họa: VTV.vn
Để né những quy định quản lý nhà nước, có giáo viên bắt tay với các trung tâm để lùa học sinh vào các lớp dạy thêm, ảnh minh họa: VTV.vn

Người xưa hay nói “tầm sư học đạo” là tìm thầy, tìm người giỏi để học. Nếu như thầy dạy có tiếng tăm, học sinh khắp nơi sẽ tự tìm đến xin học. 

Học thêm kiểu này có bị lên án? Đương nhiên là không. Bởi trong việc này cả thầy và trò đều hoàn toàn tự nguyện (tự nguyện theo đúng nghĩa của của nó) và xuất phát từ nhu cầu có thực. 

Và thông thường các thày cô dạy giỏi, có thương hiệu thì học sinh trường khác tự tìm đến. 

Nếu chỉ như thế thì học thêm không đáng bị dư luận lên án, bị xã hội tẩy chay như vậy. 

Nhưng trong thực tế hiện nay, thường học sinh đi học thêm lại học chính thầy cô đang giảng dạy mình trên lớp. Trong số những em đi học, có không ít em buộc phải đi dù bản thân không có nhu cầu. 

Và trong số những giáo viên ấy có không ít người đã luôn dùng thủ đoạn để ép buộc học sinh đến lớp học thêm gây nên áp lực mệt mỏi cho các em, gây nên khó khăn về tài chính cho một số gia đình nghèo…

Thủ phạm khiến dạy thêm trái phép, biến tướng là Thông tư 17 ảnh 2Thông tư nào tước bỏ quyền lưu ban của học trò?

Đã có nhiều công văn, Thông tư, nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng dạy thêm học thêm nhưng dường như mọi nỗ lực đều thất bại. 

Những đứa trẻ phải học miệt mài từ sáng đến đêm, những đứa trẻ ngồi sau lưng mẹ ăn vội để tới lớp, những đứa bé vừa học vừa ngủ gà ngủ gật luôn xuất hiện trên truyền thông đã tố cáo tình trạng học thêm quá tải của các con ở trường. 

Góp phần làm cho dạy thêm mỗi ngày một tràn lan, biến tướng, theo chúng tôi còn có vai trò của Thông tư số: 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và đào tạo. 

Một số quy định của Thông tư 17 tạo điều kiện dạy thêm bùng phát

Điều 5. Tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường

1. Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về dạy thêm, học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết.

2. Hiệu trưởng nhà trường tiếp nhận đơn xin học thêm của học sinh, tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học và tổ chức dạy thêm theo nhóm học lực của học sinh.

3. Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

4. Hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên dạy thêm, phân công giáo viên dạy thêm, xếp thời khoá biểu dạy thêm phù hợp với học lực của học sinh.

Tận dụng triệt để quy định của Thông tư và sự tiếp tay của nhà trường

Nói chung 4 điều kiện đưa ra trong Điều 5 của Thông tư 17 đã được giáo viên, được nhà trường vận dụng tối đa và sự biến tướng cũng bắt đầu từ đây.

Thủ phạm khiến dạy thêm trái phép, biến tướng là Thông tư 17 ảnh 3"Hai không" trong giáo dục vì đâu sớm nở tối tàn, bệnh ngày thêm nặng?

Ở tiêu chí 1: Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường cha mẹ học sinh có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết.

Vào thanh tra bất kì trường học nào cũng có đầy đủ những lá đơn xin học thêm và chữ kí của phụ huynh. Nếu chiếu theo yêu cầu thì các trường đã thực hiện đúng theo quy định. Vậy tại sao người dân vẫn ca thán?

Vấn đề là nhà trường và chính giáo viên dạy thêm đã tác động trực tiếp đến việc đăng kí học thêm của học sinh để biến “không” thành “có” (không muốn đi học thêm thành có nhu cầu đi học) như nhắc nhở trước lễ chào cờ, thông báo trong buổi họp phụ huynh đầu năm. 

Giáo viên thông báo, tư vấn trước lớp và yêu cầu học sinh viết đơn đăng kí (có trường thầy cô phô tô sẵn để học sinh đưa về cho ba mẹ kí). 

Có giáo viên còn tác động đến các em bằng lời nói (chì chiết, bóng gió, nói khích…), đã hành xử với các em bằng việc làm (gọi lên bảng thường xuyên, cho điểm gắt gao…), bằng thái độ không thân thiện... 

Vậy nên trò đành “tự nguyện” đăng kí học thêm (đôi khi không có nhu cầu) để được yên thân.

Những tiêu chí còn lại trong Điều 5 giao cho hiệu trưởng toàn quyền quyết định xét duyệt danh sách giáo viên xin dạy thêm, xét đơn xin học thêm của trò…

Việc xét duyệt của hiệu trưởng dễ đến nỗi bất kì giáo viên dạy (môn có thể học thêm) là đều có thể được duyệt. 

Các trường mà cụ thể là Ban Giám hiệu đều lờ đi quy định ở điều này “tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học và tổ chức dạy thêm theo nhóm học lực của học sinh”. 

Thủ phạm khiến dạy thêm trái phép, biến tướng là Thông tư 17 ảnh 4Bỏ cộng điểm tuyển sinh đầu cấp là quyết định sáng suốt, tạo sự công bằng

Hầu như trường nào cũng xếp giáo viên dạy ngay chính những học sinh học chính khóa của mình mà không thể xếp nhóm dạy theo trình độ vì như thế mới thu hút được lượng học sinh đến lớp học thêm đông. 

Có ai đặt câu hỏi, vì sao hiệu trưởng lại dễ dàng trong việc tổ chức dạy thêm như thế?

Do có quy định ở điều 5 của Thông tư 17 hầu như trường học nào cũng tổ chức hình thức dạy thêm công khai trong trường học như thế. Một hình thức dạy thêm núp bóng nhà trường khá hiệu quả. 

Nhiều trường tận dụng triệt để quy định này để tổ chức dạy thêm. Dạy thêm trong nhà trường mang đến khá nhiều điều lợi cho nhiều cá nhân. 

Do có lợi ích nhóm nên việc dạy thêm trong nhà trường được một số giáo viên và Ban Giám hiệu ủng hộ tuyệt đối. 

Ban Giám hiệu, bảo vệ, kế toán, thủ quỹ đều được “thơm lây” khi nhà trường tổ chức dạy thêm, 20% số tiền trích lại được chia cho Ban Giám hiệu từ 10-15%, các bộ phận khác 5-10%.

Số lượng học sinh đăng kí càng nhiều số tiền thu được càng cao và phần trăm trích lại càng lớn. Thế nên có khá nhiều người giúp sức nên số lượng học sinh buộc phải đăng kí đi học thêm khá đông.

Chỉ mới điều 5 trong Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT đã bộc lộ khá nhiều bất cập về dạy thêm trong nhà trường hiện nay, góp phần làm cho tình trạng dạy thêm học thêm vẫn luôn tồn tại. 

Bài viết sau chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập tới một số bất cập khác của Thông tư.

Thuận Phương