Thực tế, cả triệu sinh viên nghèo rất khó tiếp cận giáo trình nguyên bản

17/02/2017 08:42
Dương Thanh Hương
(GDVN) - Qua việc xử lý kỷ luật sinh viên vì photo 8 cuốn giáo trình cần có cách nhìn nhận đúng đắn, thượng tôn pháp luật và xử lý thế nào để mang tính nhân văn.

LTS: Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh đã quyết định giảm mức kỷ luật đối với sinh viên photo 8 cuốn giáo trình từ đình chỉ 1 năm học xuống mức cảnh cáo.

Đây được xem là mức phạt hợp tình – hợp lý hơn so với mức án “nặng tay” đưa ra trước đó, sau khi nhà trường đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhiều chiều của dư luận.

Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam gửi đến bạn đọc bài viết của giảng viên Dương Thanh Hương chia sẻ quan điểm về vấn đề này (tiêu đề do tòa soạn đặt).

Mặc dù Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM đã ra quyết định hạ mức kỷ luật đối với sinh viên photo 8 cuốn giáo trình xuống còn cảnh cáo thay vì đình chỉ học 1 năm như ban đầu.

Tuy nhiên qua vụ việc này, sinh viên cần hiểu rõ hơn về quy định sử dụng giáo trình để tránh gặp phải trường hợp tương tự như vừa qua.  

Thượng tôn pháp luật là phải xử đúng luật và đúng quy trình

Trước tiên cần phải nhìn nhận rằng, việc sinh viên photo giáo trình là sai.

Bản thân sinh viên và mỗi công dân nói chung cần phải hiểu rõ quy định này để chấp hành pháp luật.

Sinh viên sử dụng giáo trình để học tập cũng cần chú ý vấn đề bản quyền, tránh vi phạm Luật. Ảnh: An Nguyên
Sinh viên sử dụng giáo trình để học tập cũng cần chú ý vấn đề bản quyền, tránh vi phạm Luật. Ảnh: An Nguyên

Tuy nhiên, nếu từ sai phạm đó mà sinh viên bị đình chỉ học thì có lẽ quyết định đó sẽ là thiếu căn cứ, thiếu tình người và không có giá trị giáo dục.  

Phân tích để sinh viên hiểu rõ quy định của việc photo giáo trình, cần làm rõ các vấn đề như sau.

Thứ nhất, trong vấn đề photo giáo trình thì luật sở hữu trí tuệ đã quy định rất rõ về vấn đề bảo hộ quyền tác giả.

Cụ thể tại khoản 1 điều 14 luật sở hữu trí tuệ có quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.

Đại học Luật chỉ cảnh cáo sinh viên photo 8 cuốn giáo trình

Đại học Luật chỉ cảnh cáo sinh viên photo 8 cuốn giáo trình

Trong đó “Các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c) Tác phẩm báo chí;

d) Tác phẩm âm nhạc;

đ) Tác phẩm sân khấu;

e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

h) Tác phẩm nhiếp ảnh;

i) Tác phẩm kiến trúc;

k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học;

Như vậy, giáo trình là tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Thứ 2, sinh viên dễ vi phạm quyền tác giả trong việc sử dụng giáo trình khi nào?

Trong vấn đề này, tại điểm 6 điều 28 Luật sở hữu trí tuệ đã quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả như sau:

“Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này”.

Tức chỉ được sao chép trong trường hợp “Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân” (điểm a) và “Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu” (điểm đ).

Luật hiện hành chưa cho phép sinh viên có quyền sao chép giáo trình. Như vậy việc sinh viên photo giáo trình để học tập là sai.

Tuy nhiên mức xử phạt và cách xử lý của trường như ban đầu là không đảm bảo.

Cụ thể, nếu bản thân sinh viên có hành vi vi phạm luật sở hữu trí tuệ thì vụ việc cần phải tuân thủ theo luật dân sự.

Và mức xử phạt trong quy định này cao nhất là xử phạt hành chính hoặc bồi thường dân sự nếu tác giả, chủ sở hữu chứng minh được thiệt hại và việc sao chép tác phẩm của nữ sinh này làm ảnh hưởng đến quyền khai thác thương mại của họ.

Một vấn đề khác, theo ý kiến của lãnh đạo trường Đại học Luật TP.HCM thì việc photo 8 cuốn giáo trình là vi phạm 8 lần (photo 8 đầu sách khác nhau).  

Điều này là không đúng, ý kiến này mang tính suy đoán. Vì thực tế, nữ sinh này trước đó chưa từng bị phát hiện photo giáo trình, chưa từng bị nhắc nhở về hành vi photo giáo trình.

Như vậy lần vi phạm này được xem là vi phạm lần đầu.

Sinh viên nghèo khó tiếp cận giáo trình nguyên bản

Từ trước tới nay, việc sinh viên sử dụng các tài liệu photo để học tập, trong đó có giáo trình không phải là hiếm.

Có sinh viên ở quê lên thành phố theo học, hàng tháng ba mẹ chu cấp vẻn vẹn 1 triệu đồng.

Đại học Luật đình chỉ sinh viên vì photo giáo trình là chưa thấu tình đạt lý

Đại học Luật đình chỉ sinh viên vì photo giáo trình là chưa thấu tình đạt lý

Với số tiền ít ỏi đó, các bạn phải gồng gánh nhiều loại chi phí sinh hoạt hàng ngày như: nhà trọ, ăn uống, đi lại...

Học phí nộp một lần còn tài liệu học tập và giáo trình cho một học kỳ đối với các em không phải là ít.

Chính vì vậy việc sử dụng giáo trình photo là điều dễ hiểu. Các em làm vậy để giảm bớt chi phí, giảm đi gánh nặng tài chính cho gia đình.

Nếu vì lý do này mà các em phải nghỉ học thì có lẽ có phần quá khắt khe.

Vẫn biết chi phí cho đào tạo con người là chi phí có giá trị vô hạn. Tuy nhiên, hãy hiểu cho cả hoàn cảnh trước khi đưa ra những quyết định.

Nói như vậy không có nghĩa là cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật.

Quyền tác giả cần phải được tôn trọng. Nhưng xử lý kỷ luật cũng phải thấu tình đạt lý.

Đừng đẩy sinh viên đi từ vi phạm nhỏ mà phải gánh hậu quả quá nặng, bị dở dang con đường học tập.

Cái kết trong vụ việc của trường đại học Luật TP.HCM có thể xem là cái kết đẹp.

Sinh viên đã nhận thức sâu sắc được sai phạm và có thái độ thành khẩn để xin giảm nhẹ mức phạt.

Bản thân nhà trường đã lắng nghe, cảm thông và đưa ra quyết định giảm từ đình chỉ học một năm xuống hình thức phạt cảnh cáo.

Từ sự vụ này sẽ mở ra cho sinh viên cả nước ý thức hơn về hành vi photo giáo trình.

Hiện tại theo luật sở hữu trí tuệ có quy định được phép sao chép giáo trình để lưu trữ trong thư việc với mục đích nghiên cứu.

Nếu sinh viên không có điều kiện mua giáo trình thì nên tới thư việc để vừa đảm bảo việc học tập, vừa đảm bảo quy định của pháp luật.

Dương Thanh Hương