Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: Không thể dùng cảm xúc để định vị cuộc đời

28/05/2015 07:27
Trang Hạ
(GDVN) - Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng, Bill Gates đã từng bỏ học tại trường đại học danh tiếng không phải vì không thích mà vì đã định vị được bản thân mình.

Cần loại bỏ cảm xúc khi định vị bản thân

Tại một hội thảo giao lưu giữa TS. Lê Thẩm Dương (Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh) và các bạn sinh viên về chủ đề “Định vị bản thân, làm chủ cuộc đời” diễn ra vào ngày 17/5, rất nhiều bạn sinh viên đã đưa ra câu hỏi:

“Trước khi thi đại học em chưa biết mình muốn gì, mục đích của em là thi đỗ vào một trường Đại học nên hiện tại em thấy mình không thích ngành mà em đang học, em có nên bỏ học theo đuổi một ngành nghề khác không?”.

Với câu hỏi này TS. Lê Thẩm Dương đã thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình : “Đi chơi thì em nên làm theo cái mình “thích”, còn đi làm phải làm theo cái mình không thích, vì đi làm phải theo tác phong công nghiệp, người ta trả lương dựa trên những gì mà em đã làm, muốn tồn tại thì em phải dẹp bỏ cảm xúc để đặt mình vào đúng chỗ, phù hợp với bối cảnh”.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: Không thể dùng cảm xúc để định vị cuộc đời ảnh 1

TS. Lê Thẩm Dương trao đổi với cái bạn sinh viên về định vị bản thân. Ảnh Trang Hạ

Cũng  theo cảm xúc mà sinh viên Việt Nam hiện nay đang có trào lưu “rủ nhau đi làm thêm”, theo Tiến sĩ “làm thêm chỉ là một cách nguỵ biện”, nguỵ biện vì nhiều sinh viên cho rằng ngoài cuộc sống khác với những gì mình đang học, nguỵ biện vì đi làm thêm để giúp đỡ bố mẹ, để kiếm thêm kinh nghiệm. 

Tại sao các bạn luôn nghĩ sinh viên ra trường không có kinh nghiệm? Bạn là lớp trưởng, bạn ra trường sẽ có kinh nghiệm trong quản trị một đám đông, bạn viết một bài báo cáo khoa học, bạn phải lăn lộn với thực tế để đi tìm kiếm tài liệu, số liệu, đó đều là kinh nghiệm…

Nếu bạn không biết mình đang cần những kinh nghiệm gì mà bạn chỉ quy đổi ra vật chất để cân đo đong đếm thì kinh nghiệm đó chỉ làm “mờ mắt” bạn?

Nhược điểm của sinh viên Việt Nam là luôn làm theo trào lưu, bạn mình làm thêm thì mình cũng phải làm thêm, lương phải bằng nó hoặc phải cao hơn?  Không định vị được bản thân mình muốn gì, chỉ quan tâm đến nhiều người làm gì thì mình làm theo, thành công sẽ không bao giờ đến với bạn.

Hạn chế “cảm xúc” đặt mình vào đúng “bối cảnh” 

Theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, bối cảnh mà các bạn sinh viên cần nhận thức được bao gồm nền kinh tế phẳng, kinh tế tri thức và sức cạnh tranh.

Nền kinh tế phẳng đòi hỏi các bạn phải biết thích nghi với WTO, TPP (hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương), AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN), bạn phải biết bạn đang có gì, nền kinh tế đang cần gì sau đó mình khớp với bối cảnh để định vị bản thân.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: Không thể dùng cảm xúc để định vị cuộc đời ảnh 2

Cuộc chiến với thời gian của cha mẹ học sinh đã bắt đầu!

(GDVN) - “Trẻ cần được chơi trong mùa hè” nhưng cho trẻ chơi ở đâu? “ Những sân chơi an toàn và hiện đại thì không miễn phí…”.

Kinh tế tri thức là nền kinh tế trong sản phẩm của nó tri thức chiếm 70%, nguyên liệu chiếm 30%. Tại sao Việt Nam vẫn nghèo vì Việt Nam luôn dựa vào xăng, dầu …những sản phẩm có sẵn không cần huy động tri thức, thế giới lại luôn biết cách sử dụng tri thức để mua về những thứ có sẵn để tạo ra lợi nhuận gấp đôi. 

Có nghĩa là sinh viên vào dựa vào tri thức,  không nên dựa vào những thứ “có sẵn” không phải do mình tao ra.

Sức cạnh tranh, thế giới ngày càng phát triển, Việt Nam hội nhập với thế giới đòi hỏi bạn phải có năng lực, năng lực bao gồm: kiến thức, kỹ năng và thái độ. 

Cũng theo TS. Dương, để giữ được vị trí của mình bạn phải có kiến thức, tuy nhiên có “tài mà không có đức thì cũng không làm được gì”, bạn phải có thái độ, để tạo được thái độ tốt bạn phải có những kỹ năng ứng xử khôn khéo. Sức cạnh tranh sẽ tạo cho bạn sức mạnh nếu bạn biết vận dụng nó.

Để định vị được bản thân sinh viên Việt Nam phải biết mình đang đứng ở đâu ? Bối cảnh kinh tế thế nào? Cụ thể Việt Nam có những gì? Bạn không thể dùng cảm xúc để định vị cuộc đời mình vì cuộc đời phải nhìn vào thực tế .

Trang Hạ