“Trận đánh lớn” và “chủ trương lớn” liệu có đồng hành?

16/12/2013 08:24
Tác giả TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Một trong các chủ trương lớn của nhà nước được người dân quan tâm là di dời các trường CĐ-ĐH ra khỏi hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Chương trình dân hỏi, Bộ trưởng trả lời ngày 14/08/2013 trên báo GD&TĐ đưa tin Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Đề án Xây dựng Khu Đại học Phố Hiến tại tỉnh Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 999/QĐ-TTg (QĐ999) ngày 10/7/2009. Hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên, Ban Quản lý Khu đại học Phố Hiến đang tập trung triển khai thực hiện các nội dung của Đề án”.

Trong QĐ999 có điều khoản quy định: “Kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung (cho khoảng 1.000 ha), dự kiến 5.530 tỷ đồng, trong đó: Kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo việc làm, ổn định đời sống cho người dân có đất bị thu hồi khoảng 1.250 tỷ đồng; - Kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung khoảng 4.280 tỷ đồng”.

Ngày 29/3/2010 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 392/QĐ - TTg về việc thành lập Ban Quản lý Khu Đại học Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên. Điều 1 quyết định ghi rõ: “Ban Quản lý Khu Đại học Phố Hiến tỉnh Hưng Yên (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý) là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu Đại học Phố Hiến; tổ chức và quản lý các hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến đầu tư, xây dựng và hoạt động của Khu Đại học Phố Hiến”.

Ảnh chụp màn hình ngày 7/12/2013 (Cổng thông tin Ban Quản lý khu đại học)
Ảnh chụp màn hình ngày 7/12/2013 (Cổng thông tin Ban Quản lý khu đại học)

Đi sâu tìm hiểu thực chất tình hình mà Bộ trưởng Luận nêu: “Hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên, Ban Quản lý Khu đại học Phố Hiến đang tập trung triển khai thực hiện các nội dung của Đề án”, xin nêu một vài ý kiến.
Với một quyết định do chính Thủ tướng ký từ tháng 3 năm 2010, đến nay đã gần bốn năm trôi qua. Ngày 07/12/2013 tìm vào cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên, Ban Quản lý khu Đại học người ta không khỏi ngỡ ngàng khi thấy các mục: Cơ quan quản lý, địa chỉ, tổng biên tập, Email, điện thoại đều bỏ trống (hình 1). 
Mục “Bộ máy tổ chức” Cổng thông tin Ban quản lý Khu Đại học [1]  thông báo nhân sự ban này gồm các ông:  Doãn Anh Quân, Hoàng Tùng, Phùng Hoàng Hảo, ngoài Trưởng ban và hai Phó ban, một loạt ban bệ cũng đã được thành lập. Phải chăng Ban Quản lý khu Đại học Phố Hiến không biết cơ quan mình có một cổng thông tin điện tử hay vì lý do nào khác nên buộc phải để trống phần “Cơ quan quản lý”? Không những thế các mục Địa chỉ, Email, Điện thoại cũng bỏ trống khiến cho người ta phải đặt câu hỏi: “Cổng thông tin Khu Đại học Phố Hiến lập để làm gì?”
Tìm vào mục Tin tức, sự kiện, xin chép ra đây một số thông tin:

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hào làm việc với Trường Đại học Giao thông vận tải về việc triển khai các dự án III tại khu đại học Phố Hiến (22/12/2010)

UBND tỉnh Hưng Yên: Ký kết tiếp nhận trường Đại học Ngoại thương Hà Nội và trường Đại học Giao thông vận tải về khu Đại học Phố Hiến.  (22/12/2010)

Từ Văn miếu Xích Đằng đến khu đại học Phố Hiến.  (22/12/2010)

UBND tỉnh Hưng Yên: Công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án xây dựng khu đại học Phố Hiến.  (22/12/2010)

Toàn bộ “tin tức sự kiện” đều được đăng vào tháng 12 năm 2010 nghĩa là tròn 3 năm qua nó không được ai đụng chạm đến. Cổ nhân có câu: “Nét mặt thể hiện tâm tính con người”. Nhìn vào cổng thông tin Ban quản lý khu đại học Phố Hiến, không biết nên nhận xét như thế nào!

Đi sâu tìm hiểu bốn mục “Công tác văn phòng, Tuyên truyền phổ biến, Văn bản chỉ đạo điều hành, Thủ tục hành chính” lại cũng hoàn toàn bỏ trống. Hóa ra mấy năm qua Ban quản lý Khu đại học mới chỉ có cái ban và vài chức vụ chứ không có việc gì để làm? 

Với 8 trường cao đẳng, đại học trên địa bàn, có trường cách Ủy ban tỉnh chỉ 1 km, nhiều trường có khoa Công nghệ Thông tin, vì sao Ban Quản lý Khu Đại học Phố Hiến lại “bỏ hoang” cổng thông tin tròn ba năm không đụng đến? Nên biết rằng việc thiết kế trang Web hay cổng thông tin điện tử chỉ tương đương các khóa luận tốt nghiệp mà sinh viên Công nghệ Thông tin các trường ĐHSP Kỹ thuật Hưng Yên hay ĐH Chu Văn An hoàn toàn có thể làm được. Không thể nói ở thành phố Hưng Yên không tìm được người có đủ khả năng cập nhật thông tin nên Ban Quản lý một khu đại học tầm cỡ quốc gia phải giữ nguyên mấy cái tin đã lỗi thời từ tháng 12 năm 2010?

Cho đến nay mặc dù đã có một số trường làm việc với Ban quản lý khu đại học (ĐH Chu Văn An, ĐH Giao Thông, ĐH Ngoại Thương, ĐH Thủy lợi…) song mới chỉ có ĐH Chu Văn An là chính thức sử dụng khu giảng đường mới xây dựng. Theo một vị lãnh đạo Đại học Chu Văn An cho biết, để có hơn 7 hecta đất xây trường, nhà trường đã phải bỏ ra gần 8 tỷ cho việc đền bù giải phóng mặt bằng. Trong khi đó Nghị định 69/2008/NĐ-CP về “chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường” ban hành ngày 30/05/2008 quy định [2]:
    
“Nhà nước có nhiệm vụ giao đất, cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; có chính sách hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa đã tự thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành”.

Mục c, khoản 1 điều 6 Nghị định còn nêu rõ: “Trường hợp chủ đầu tư đã ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án xã hội hóa theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành) thì số kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã đầu tư đối với diện tích đất phục vụ hoạt động xã hội hóa sẽ được ngân sách nhà nước hoàn trả”. 

Mặc dù quyết định của Thủ tướng đã ghi rất cụ thể chức năng, nhiệm vụ Ban quản lý Khu Đại học Phố Hiến là: “tổ chức và quản lý các hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến đầu tư, xây dựng và hoạt động của Khu Đại học Phố Hiến”.

Vậy đến khi nào Ban Quản lý mới “giúp” Đại học Chu Văn An nhận lại được số tiền đã chi cho việc giải phóng mặt bằng từ ngân sách nhà nước? Liệu Ban Quản lý Khu Đại học Phố Hiến có xem đó là một trong những nhiệm vụ của mình hay “quyết định của Thủ tướng … chưa đủ cơ sở để thực hiện”.  Có một thực tế là nhiều trường ở Hà Nội không mặn mà lắm với chuyện phải di chuyển khỏi Thủ đô, nhưng có lẽ phải bỏ ra một lúc vài chục tỷ để có vài chục hecta đất như Đại học Chu Văn An đã làm cũng là một khó khăn không nhỏ.

Có lẽ Hưng Yên không nên bó hẹp đội ngũ Ban Quản lý Khu Đại học Phố Hiến chỉ gồm những công chức Hưng Yên, nên thu hút các nhà khoa học, giáo dục cả nước cùng tham gia góp công sức và trí tuệ, trước mắt là đội ngũ trí thức các trường CĐ-ĐH trên địa bàn tỉnh. Với một vài công chức và nhân viên như hiện nay, liệu Ban Quản lý Khu Đại học Phố Hiến có đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ về việc xây dựng một khu đô thị đại học tầm cỡ quốc gia? Nếu không tận dụng nguồn lực đội ngũ trí thức sẵn có tại địa phương, nếu không thu hút được nhân tài từ các vùng miền tổ quốc, liệu mười năm nữa Hưng Yên sẽ có gì ngoài danh tiếng Nhãn lồng?

Các chuyên gia đang lo lắng về sức ì quá lớn trong tiến trình đổi mới toàn diện giáo dục mà minh chứng là Khu Đại học Phố Hiến. Vì sao với một quyết định do Thủ tướng ký từ năm 2009, với một nguồn kinh phí trên 5.000 tỷ đã được bố trí mà cả Khu Đại học Phố Hiến cho đến hôm nay mới chỉ có duy nhất một trường đại học (Đại học Chu Văn An) chính thức hoạt động? Liệu câu trả lời của Bộ trưởng đã sát với tình hình thực tế?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://new.hungyen.gov.vn/vi-vn/bqlkdh/Pages/Article.aspx?ChannelId=2&articleID=2
[2]http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=24639  
Tác giả TS. Dương Xuân Thành