Trần tình của một Hiệu phó hơn 10 năm chong đèn dạy thêm

22/12/2014 07:17
Anh Minh
(GDVN) -"Nếu nói về đúng nghĩa quy định ấy thì mình đang vi phạm, bởi vì khi giáo viên đang còn đương chức thì không được, nhưng đây mình không phải tổ chức trung tâm".

Để có thêm góc nhìn về việc thày dạy thêm (hay rộng hơn là phong trào dạy thêm, học thêm tràn lan) và quy định cấm dạy thêm, Báo GDVN gửi tới quý độc giả những lời tâm sự của một thầy giáo. Thầy là Hiệu phó, và thầy dạy thêm đã hơn 10 năm...

Lớp dạy thêm tại Nhà văn hóa khu phố 

Lớp dạy thêm, học thêm mà chúng tôi nói tới cách lớp dạy thêm của thầy Tuấn Anh (được phản ánh trong bài viết Một thầy giáo ở Hải Dương tổ chức dạy thêm ngay tại nhà) không xa.

Lớp được tổ chức tại một Nhà văn hóa khu phố thuộc phường Nguyễn Trãi, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Hàng đêm, đèn sáng, xe cộ đi lại và tiếng thầy hỏi bài học sinh vang cả xóm.

Bài viết Một thầy giáo ở Hải Dương tổ chức dạy thêm tại nhà nhận được nhiều phản hồi từ độc giả. Đồng tình có, không đồng tình cũng có. 

Một số bày tỏ hẳn quan điểm muốn được cho con cái học thêm, học bất kể thời gian, ngày đêm, cuối tuần và cả ngày lễ. Họ cho rằng học thế là tốt cho con cái họ và việc thày dạy thêm dù trái quy định cũng không sao (!?).

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh rằng, chúng tôi không đưa ra bất cứ nhận xét hay phê phán nào đối với trường hợp thầy Tuấn Anh. Trên thực tế, đúng như các quý độc giả nhận xét, ở bất cứ đâu, trường nào, việc dạy thêm đều có.

Các thày cô dạy thêm, đều biết quy định cấm. Họ vẫn làm, vẫn mở lớp.

Chúng tôi quan tâm đến việc học của con trẻ, với việc cấm dạy thêm rất đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học sinh bây giờ, đi học cả ngày, tối còn học thêm đến khuya, bất kể ngày cuối tuần. Việc ấy, không biết là giúp ích gì cho các cháu trong tương lai của mình?

Trong các bài tiếp theo, sẽ là phân tích của các chuyên gia chỉ ra nguyên nhân và cách giải quyết vấn nạn dạy thêm, học thêm.

Phía bên trong lớp là các dãy bàn ghế được bố trí làm hai bên, ở giữa là lối đi nhỏ. Cuối căn phòng là một tấm bảng trên vẫn còn hình vẽ, chữ viết. 

Theo lời thầy giáo đang dạy trong lớp cho biết, lớp học này dành cho học sinh lớp 9 và thầy hiện đang “dạy ở trường Lê Quý Đôn”.

Thầy là Đặng Quang Hải Việt – Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) được thuê mặt bằng tại Nhà văn hóa khu phố.

Biết là vi phạm nhưng vẫn làm

Thẳng thắn trao đổi với phóng viên, theo thầy Việt, lớp dạy thêm của thầy được tổ chức tại “Nhà văn hóa, khu dân cư mình ở từ lâu rồi, mười mấy năm nay rồi”. 

Học sinh tại lớp học thêm gồm các khối lớp từ lớp 6 đến lớp 9, có ôn thi vào lớp 10. Đối tượng học sinh “từ khắp nơi trong thành phố Hải Dương, phụ huynh học sinh đề nghị kèm thêm cho các cháu từ mười mấy năm nay rồi”.

Thầy Việt cũng cho biết, thời gian dạy “chỉ dạy vào tối thứ 2,3,5,6 và chiều chủ nhật”. Mỗi khối lớp mở 1 lớp. Học phí cho mỗi buổi học thu là 40 nghìn/học sinh, hai năm nay không có gì thay đổi.

Về việc thuê mặt bằng Nhà văn hóa, thầy Việt cho biết: “Thỏa thuận mình với đại diện khu dân cư ở đó. Trước đây khi nhà văn hóa mới xây, các cụ thường phải đi quyên góp mỗi gia đình vài nghìn đồng làm ấm chè khi các cụ họp, về sau mình là người đề nghị các cụ đi xin bàn ghế cũ của các trường về đấy, sau mình có nói các ông các bà cứ cùng với cháu đi làm việc này, các cụ cần trả bao nhiêu, cháu dạy thì cháu sẽ gửi tiền gọi là lệ phí ấy, để các cụ họp hành cho thoải mái. Mình làm với các cụ khu dân cư từ mười mấy năm nay rồi”.

Nói về quy định dạy thêm học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, thầy Việt cho biết: “Nếu nói về đúng nghĩa quy định ấy thì mình đang vi phạm, bởi vì khi giáo viên đang còn đương chức thì không được, nhưng đây mình không phải tổ chức trung tâm, mình dạy 1 vài lớp theo nguyện vọng của phụ huynh học sinh”.

“Đúng là trong quy định dạy thêm học thêm, hiện nay dạy thêm học thêm còn đang rất nhức nhối, mình rất buồn việc dạy thêm học thêm bây giờ đôi khi đánh đồng của việc ép học sinh, có 1 số người làm rất tốt cho phụ huynh học sinh thì đều bị đánh đồng. Mình làm giáo viên hai mấy năm nay rồi, vừa làm công tác quản lý, vừa làm công tác giảng dạy, mình không đồng tình với việc dạy thêm học thêm tràn lan, nhưng đôi khi việc đánh đồng cũng rất là đáng buồn”, thầy Việt nói thêm.

Thầy Việt có chia sẻ rằng tham gia công tác giảng dạy tại Trường THCS Lê Quý Đôn đã 21 năm, hiện đang giữ chức Phó hiệu trưởng của trường được 11 năm.

“Việc này mình không báo cáo, bởi vì mình cho rằng việc này là quan hệ giữa cá nhân của mình với một số phụ huynh học sinh, và hiệu trưởng mình chắc sẽ biết điều đó, không chỉ hiệu trưởng mới này mà những hiệu trưởng trước đó của mình chắc sẽ đều biết là mình dạy từ nhiều năm nay rồi”, thầy Việt tâm sự.

Trong các bài tiếp theo, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục đăng tải các ý kiến chuyên gia về việc dạy thêm, học thêm.

Trân trọng kính mời độc giả tiếp tục góp ý cho vấn đề này, nhất là các lời trần tình của thầy Việt nêu trên.

Anh Minh