Trình độ của thầy cô, không bột sao gột nên hồ?

16/02/2019 06:00
THIÊN ẤN
(GDVN) - Rồi đây, chất lượng giáo dục nước nhà sẽ đi về đâu? Khó ai dự đoán trước được? Không có bột làm sao gột nên hồ?

LTS: Đưa ra những chia sẻ về chất lượng đầu vào ngành sư phạm, thầy giáo Thiên Ấn cho rằng, cái gốc, cái lõi của vấn đề đặt ra ở đây là ở chính sách đãi ngộ, lương bổng cho giáo dục chưa thỏa đáng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mấy năm nay, riêng ngành sư phạm trừ hai trường Đại học sư phạm Hà Nội và Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có điểm chuẩn tương đối cao, còn lại các trường khu vực, địa phương lấy điểm trúng tuyển bằng hoặc hơn một chút so với mức sàn (15,5 điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuyển sinh năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các ngành sư phạm có chuẩn điểm riêng, cao hơn các ngành khác, nhằm cứu đầu vào sư phạm khỏi tình cảnh quá tệ.

Nhưng thực tế chẳng khả thi, có ngành ở một số trường cao đẳng sư phạm chỉ một hoặc một số em đạt điểm sàn riêng. Ít sinh viên quá, làm sao nhà trường mở được lớp?

Chất lượng đầu vào ngành sư phạm hiện nay ra sao? (Ảnh minh họa: vov.vn).
Chất lượng đầu vào ngành sư phạm hiện nay ra sao? (Ảnh minh họa: vov.vn).

Nhìn lại 10 năm trở lại đây thì nhận thấy một thực trạng đáng buồn về số lượng thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi, xét tuyển vào ngành sư phạm có xu hướng giảm rõ rệt, thậm chí nhiều khối, ngành sư phạm, số lượng thí sinh nộp hồ sơ, nhập học còn thấp hơn cả chỉ tiêu.

Hàng năm, cả nước có hàng chục thủ khoa đạt điểm gần tuyệt đối và tuyệt đối nhưng khi được hỏi, tất cả đều cho biết ước mơ trở thành bác sĩ, kỹ sư, công an, nhà kinh tế... chứ không thấy thủ khoa nào mơ thành giáo viên.

Ngay cả hàng ngàn thí sinh đạt điểm cao từ 27-28 cũng hầu hết chẳng bao giờ có chút mơ màng đến các trường sư phạm.

Một khi điểm đầu vào trường sư phạm “chạm đáy” thì chắc chắn tương lai của ngành giáo dục sẽ khó có thể cất cánh được.

Đâu là những nguyên nhân chính khiến ngành sư phạm lại lâm vào tình cảnh “thảm hại” về chất lượng đầu vào như hiện nay?

Các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ của Nhà nước đối với ngành giáo dục như: không phải đóng học phí trong quá trình học tập, được hưởng mức phụ cấp từ 30% đến 70% theo từng vùng, từng cấp khi ra trường giảng dạy, được tính chế độ thâm niên nhà giáo sau năm 5 công tác (khởi điểm 5%) là rất cần thiết.

Một thời từng làm yên lòng đội ngũ thầy cô giáo, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đã mạnh dạn, tự tin chọn và thi vào ngành sư phạm.

Trình độ của thầy cô, không bột sao gột nên hồ? ảnh 2Tôi chưa bàn nhiều ít, nhưng phải quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm

Song tới thời điểm 7, 8 năm nay những chính sách ấy không còn hấp dẫn nữa.

Đối tượng học sinh khá, giỏi ở trường phổ thông thật sự mặn mà, hứng thú, quyết tâm theo đuổi nghề sư phạm đếm được trên đầu ngón tay.

Số lượng thí sinh tham gia đăng ký dự thi và xét tuyển các trường, ngành sư phạm trong nhiều năm trở lại đây ngày càng sa sút nghiêm trọng.

Tỉ lệ chọi thấp, thậm chí không đủ chỉ tiêu dẫn đến hệ lụy hiển nhiên, khó có nhiều sinh viên, thầy cô giáo giỏi khi đào tạo nghề và bước ra nghề.

Trong khi đấy, ở nhiều nước khác, điểm trúng tuyển vào trường sư phạm thường cao ngất ngưởng, trường sư phạm luôn là giấc mơ, là khát khao đối với không ít học sinh.

Thậm chí, họ còn có thêm quy chuẩn về ngoại hình và ngôn ngữ nói để tuyển chọn sinh viên sư phạm.

Quy mô, số lượng học sinh các bậc học ở hầu hết các địa phương (trừ các thành phố lớn) có xu hướng giảm mạnh, nhu cầu tuyển dụng mới giáo viên rất hạn chế, trong khi đó số lượng giáo sinh tốt nghiệp ra trường đang thất nghiệp, chờ việc lại càng gia tăng (trên 40.000 giáo viên).

Học sư phạm ra bao nhiêu năm xin việc chẳng được, đi làm việc khác, dạy gia sư, dạy hợp đồng…rất bấp bênh, không đủ nuôi thân, mấy ai dám dấn thân vào sư phạm nữa?

Cái gốc, cái lõi của vấn đề đặt ra ở đây là ở chính sách đãi ngộ, lương bổng cho giáo dục chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với công sức của các thầy, cô đã bỏ ra.

Chưa kể, muốn có chân vào biên chế nhà nước hoặc được thuyên chuyển về trường gần nhà lại phải lo chạy chọt, tốn kém không ít tiền bạc (cả hàng trăm triệu đồng).  

Học sinh, phụ huynh bây giờ khác học sinh, phụ huynh ngày trước. Họ có cái nhìn thực tế hơn. Họ chấp nhận con em họ công việc có thể vất vả, cạnh tranh nhưng có thu nhập cao, còn hơn những công việc có vẻ thanh nhàn mà thu nhập thì lại thấp.  

Trình độ của thầy cô, không bột sao gột nên hồ? ảnh 3Bài toán nhân sự cho ngành giáo dục bao giờ mới giải xong?

Lâu nay chúng ta chỉ giỏi hô hào “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Nhưng trên thực tế giáo viên nhiều nơi sống khổ sở, thiếu thốn với đồng lương ít ỏi, ba cọc, ba đồng.

Mặt khác, theo xu hướng của thời đại, nhiều phụ huynh, học sinh không muốn học sư phạm, bởi vì ngành nghề này quá lặng lẽ, gò bó, công việc cứ đều đều, lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán, rồi thu nhập cũng bình bình, chẳng khấm khá lên được.

Kể cả gia đình giáo viên, nhiều người cũng không có ý định hướng cho con em mình nối nghiệp bố, mẹ, vì thấy nghề này vất vả, thu nhập lại thấp, ít có cơ hội thăng tiến.

Nhìn vào thực tiễn, nhiều người đưa ra những phân tích không phải không có lý:

“Kinh tế của đất nước còn khó khăn; bộ máy công chức, viên chức cồng kềnh, riêng lĩnh vực giáo dục, đào tạo có gần 1,3 triệu người (chiếm gần 1 nửa tổng số công chức, viên chức của cả nước hiện nay).

Số lượng quá đông như thế thì làm sao Nhà nước cán đáng cho nổi, cái khó sẽ bó cái khôn”.

Như vậy, trong một thời gian dài nữa, nhà nước, ngành giáo dục chưa thể có những chính sách tốt, chế độ đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ nhà giáo, để họ sống được bằng lương, toàn tâm, toàn ý với nhiệm vụ góp phần đưa ngành giáo dục khởi sắc, công cuộc đổi mới giáo dục thành công.

Rồi đây, chất lượng giáo dục nước nhà sẽ đi về đâu? Khó ai dự đoán trước được? Không có bột làm sao gột nên hồ?

THIÊN ẤN