Trong trường tư thục, tài sản của nhà đầu tư nên được xác định thế nào?

02/09/2018 06:29
Hưng Long
(GDVN) - Bà Nguyễn Kim Dung – Trường Đại học Anh Quốc đề xuất, nhà đầu tư phải thành lập một pháp nhân để nhà nước quản lý số vốn của nhà đầu tư.

Loay hoay tìm pháp nhân cho nhà đầu tư

Bà Nguyễn Kim Dung – Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại Trường Đại học Anh Quốc phân tích, theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư phải thành lập nhà trường thông qua tổ chức kinh tế.

Nếu như trong dự thảo luật quy định rằng, thành lập pháp nhân nhà trường là không đúng.

Bà Nguyễn Kim Dung - Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại Trường Đại học Anh Quốc. (Ảnh: H.L)
Bà Nguyễn Kim Dung - Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại Trường Đại học Anh Quốc. (Ảnh: H.L)

Bởi, nhà đầu tư nước ngoài thành lập dự án nhà trường thông qua tổ chức kinh tế theo quy định của Luật đầu tư. Nếu như nhà trường là pháp nhân có nghĩa là pháp nhân trong pháp nhân.

Bà Dung nhấn mạnh: ‘Như vậy không tương thích với quy định của luật đầu tư”.

Ngoài ra, trong hệ thống trường có vốn đầu tư nước ngoài thì  đại diện trước pháp luật là Tổng giám đốc.

Bà Nguyễn Kim Dung đánh giá, còn nếu nhà trường là pháp nhân thì đại diện trước pháp luật là Hiệu trưởng nhà trường.

Có nghĩa, 2 vấn đề này không tương thích và không đảm bảo hoạt động của trường có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu như quy định của trong luật như vậy là không đúng.

Toàn bộ các hoạt động của nhà trường về tài chính, tài sản, góp vốn, đầu tư là do tổ chức kinh tế điều hành và toàn bộ các hoạt động của nhà trường do Hiệu trưởng nhà trường quản lý.

Nhà trường hoạt động theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành về mở ngành, giảng viên và người học. Với hệ thống như vậy thì rất rõ ràng giữa sở hữu tài sản của nhà đầu tư và với hoạt động của nhà trường.

Bà Dung nhấn mạnh, cần phải tách biệt ra sở hữu tài sản của nhà đầu tư và tách biệt các hoạt động về mở ngành, học thuật của nhà trường.

Trường công lập là trường có tư cách pháp nhân, sử dụng nguồn vốn của nhà nước và thực hiện theo quy định của pháp luật về trường công.

Còn đối với trường tư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài là loại hình trường vì lợi nhuận cần phải có sự quản lý của nhà nước rõ ràng về tài sản.

Trong luật cần có quy định, chế định về quản lý tài sản này để đảm bảo sự hoạt động ổn định của nhà trường.

Bà Dung đặt câu hỏi, vậy thì quản lý như thế nào?

Với một cá nhân khi thành lập trường nếu như không quy định là phải thành lập ra một tổ chức kinh tế là pháp nhân để quản lý phần vốn thì sẽ dẫn tới theo quy định của luật dân sự. Lúc này, chủ sở hữu tài sản là cá nhân, này tài sản sẽ liên quan đến các thành viên của gia đình.

Bà Dung khẳng định, trong trường hợp có tranh chấp thì căn cứ vào luật nào để xử lý tài sản cá nhân đó. Tham khảo những quy định của Singapore, Malaysia thì các nước này đều quy định, trước khi thành lập cơ sở giáo dục thì nhà đầu tư phải thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của luật nước đó.

Singapore và Malaysia hiện đang áp dụng theo mô hình đó với các trường tư và trường quốc tế. Cho nên, trong luật cần phân định rõ, trường công là loại hình đặc biệt, tồn tại theo cơ chế khác và trường tư, trường nước ngoài là một mô hình quản trị khác.

Nhà đầu tư chưa thể quản lý được vốn của mình

Đối với việc sở hữu tài sản với trường công thì tài sản là của nhà nước nhưng đối với trường tư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài thì đây là tài sản của các nhà đầu tư. Nhà nước vẫn sẽ quản lý các trường tư nhưng phải được xem đây là loại hình đặc biệt.

Bà Dung dẫn chứng theo WTO, dịch vụ giáo dục là loại hình đặc biệt cần phải có sự quản lý của nhà nước đối với số tài sản của nhà đầu tư đầu tư vào giáo dục.

Trong luật, cần có chế định, đối với giáo dục là đặc thù thì cho phép nhà đầu tư được thành lập theo hình thức tổ chức kinh tế nào để đảm bảo sự hoạt động ổn định nhà trường. 

Trong trường tư thục, tài sản của nhà đầu tư nên được xác định thế nào? ảnh 2Hội đồng trường ở Đại học công lập: Nhu cầu tự thân hay dân chủ hình thức? 

Đơn cử, trong luật chứng khoán và theo luật Việt Nam thì cho phép thành lập công ty cổ phần. Theo luật Nhật Bản, chỉ cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của nhà nước đó.

Hoặc theo châu Âu, luật chứng khoán cho phép cá nhân lẫn công ty, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập công ty.

Bà Nguyễn Kim Dung nhận định, tức là, tùy từng điều kiện của mỗi nước để cho phép loại hình dịch vụ đó được phép thành lập tổ chức kinh tế nào.

Với giáo dục tại Việt Nam, đây là loại hình đặc thù đặc biệt cần phải có sự quản lý của nhà nước thì phần vốn của nhà đầu tư đầu tư vào cơ sở giáo dục thì cần có sự quản lý của nhà nước đối với phần vốn này.

Hiện nay, các trường tư thục đang có sự tranh chấp về tài sản là vì tài sản của nhà đầu tư đầu tư vào trong nhà trường không được quy định bởi bất kỳ các quy định, pháp lý nào.

Bà Dung từng tham gia một số cuộc tranh chấp của các trường và hiểu rõ việc tranh chấp ở đây là tài sản của nhà đầu tư đầu tư vào trường.

Nếu như quy định nhà trường là pháp nhân thì có nghĩa là nhà đầu tư phải chuyển tài sản của mình vào pháp nhân là nhà trường.

Và nếu như thế, nhà đầu tư sẽ không bao giờ chuyển vào. Dưới góc độ này, luật giáo dục đã tạo ra “kẻ hở” để cho nhà đầu tư… lách.

Bà Dung khẳng định, để đảm bảo quy định của nhà nước về số vốn đầu tư của nhà đầu tư vào trong trường tư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài cần phải quy định: “Nhà đầu tư phải thành lập một pháp nhân để nhà nước quản lý số vốn của nhà đầu tư”.

“Theo quy định của luật đầu tư và luật doanh nghiệp, nhà đầu tư phải phân định rõ tài sản riêng dành cho đầu tư trong giáo dục,  tài sản riêng độc lập này cần được khẳng định bằng một giấy tờ pháp lý. Đó chính là Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”, bà Dung kết thúc vấn đề. 

Hưng Long