Trường Nguyễn Du chưa có học sinh nào đăng ký thi môn Sử

24/04/2016 06:43
Phương Linh
(GDVN) - Qua khảo sát sơ bộ tại một số trường trung học phổ thông, số lượng học sinh đăng ký thi môn tự chọn là Sử vẫn rất ít, chứng tỏ học sinh vẫn e dè học môn này.

Chưa có bảng tổng kết cuối cùng, song qua khảo sát sơ bộ của phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, học sinh lớp 12 tại TP.Hồ Chí Minh vẫn chưa mấy mặn mà với môn Sử, khi đây là môn tự chọn trong kỳ thi quốc gia sắp đến.

Trong vài trăm học sinh lớp 12 của trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh), chỉ có 27 học sinh là đăng ký chọn thi môn Sử. Một con số chỉ chưa bằng 1/10 tổng số thí sinh dự thi kỳ thi này của trường.

Thầy Lê Văn Phước – Hiệu trưởng trường Võ Thị Sáu cho biết, số lượng học sinh đăng ký năm nay cũng không nhiều, không ít hơn so với mọi năm.

Cũng theo thầy Phước, sở dĩ có tình trạng này là do các kiến thức trong môn Sử luôn quá chi tiết, quá nhiều con số ngày tháng năm, khiến cho học sinh hay quên, nên e dè khi đăng ký. Chính vì vậy, khuynh hướng chung của học sinh trường Võ Thị Sáu thường chọn các môn về tư nhiên, có thể thi trắc nghiệm.

Còn tại trường trung học phổ thông Gò Vấp (quận Gò Vấp), thấy Nguyễn Anh Phương – Hiệu phó thông tin, trường chỉ có 12 học sinh đăng ký thi môn tự chọn là Sử, trong khi môn Địa luôn nhiều hơn.

Giống như nhiều học sinh lớp 12 khác ở TP.Hồ Chí Minh, thì học sinh của trường Gò Vấp cũng tìm đủ mọi cách để ‘né’ môn Sử, khiến cho môn học này trở nên rất ‘ế’ trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sắp đến.

Học sinh trường Nguyễn Du không có ai đăng ký thi môn Sử (ảnh minh họa: P.L)
Học sinh trường Nguyễn Du không có ai đăng ký thi môn Sử (ảnh minh họa: P.L)

Đặc biệt, tại trường trung học phổ thông Nguyễn Du (quận 10), trong tổng số gần 400 học sinh lớp 12 thì cho tới nay, chưa có học sinh nào đăng ký Sử là môn thi tự chọn.

Theo cô Nguyễn Thị Lan Hương – Hiệu phó của trường cho biết, đầu tiên, vào đầu năm học thì cũng có 2 học sinh đăng ký, nhưng càng về sau, học sinh đăng ký thi môn này càng ‘rơi rụng’ dần. 

Hiệu phó trường Nguyễn Du nhấn mạnh, đây rõ ràng là việc không tốt, đáng buồn.

Thế nhưng, cô Lan Hương cũng cho rằng, việc chỉ đổ lỗi cho học sinh không thì cũng không đúng, mà còn có cả trách nhiệm của người lớn nữa.

Lý do của việc này, được cô Nguyễn Thị Lan Hương chỉ ra là do các bài học Lịch Sử luôn quá dài, quá nhiều sự kiện và dữ liệu về mặt thời gian. Chương trình phân bổ để giáo viên dạy Sử còn quá ít, không đủ thời gian để dạy các kiến thức mở rộng từ bài học cho học sinh.

Ngoài việc chương trình học phải hay, giáo viên dạy Sử phải nhiệt huyết, thì học sinh mới có thể cảm thấy yêu thích, gắn bó hơn với môn học được cho là khô khan này.

Để khắc phục tình trạng học sinh đăng ký môn Sử là môn thi tự chọn quá ít, cô Nguyễn Thị Lan Hương đề xuất, tiến tới nên để môn Sử là môn thi bắt buộc.

“Các em học sinh trước tiên có thể chưa thích môn này, thì cần phải có sự áp đặt, mà muốn áp đặt thì cần phải thay đổi chương trình, và cách dạy theo hướng sinh động, hấp dẫn hơn ở môn học này” – cô Hương kết luận.

Phương Linh