Trường kỳ chinh chiến thi giáo viên giỏi

17/01/2019 06:00
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Nói thật, khi tham gia hội thi cấp huyện, cấp tỉnh mới cảm nhận hết những gian nan, áp lực của hội thi.

Trong cuộc đời làm thầy, có lẽ giáo viên nào cũng đã từng tham gia Hội thi giáo viên giỏi các cấp.

Có người chỉ tham gia cấp trường rồi thôi, một số người thi cấp huyện rồi dừng lại.

Nhưng, cũng có nhiều thầy cô tham gia dự Hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh.

Phải khẳng định rằng những giáo viên đạt được danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh đa phần là những thầy cô đã rất vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Nhất là họ đã phải trải qua một quá trình “chinh chiến” trường kỳ nhiều năm liền với nhiều đối tượng học sinh, nhiều ban giám khảo khác nhau.

Theo hướng dẫn hiện hành, một chu kỳ thi giáo viên giỏi từ cấp trường đến cấp tỉnh thường rất gian nan.

Hội thi giáo viên giỏi các cấp hiện nay đang có rất nhiều áp lực ( Ảnh minh họa: Báo Tuyên Quang)
Hội thi giáo viên giỏi các cấp hiện nay đang có rất nhiều áp lực ( Ảnh minh họa: Báo Tuyên Quang)

Bởi, trong hướng dẫn của Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20/7/2010 

Ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên thì thời gian tổ chức hội thi giáo viên giỏi như sau:

Hội thi cấp trường được tổ chức mỗi năm một lần;

Hội thi cấp huyện được tổ chức 2 năm một lần đối với giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở.

Việc tổ chức hội thi đối với giáo viên giảng dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương;

Hội thi cấp tỉnh được tổ chức 4 năm một lần;

Liên hoan giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên toàn quốc được tổ chức 5 năm một lần.

Như vậy, chỉ trừ cấp Trung học phổ thông là không có cấp trung gian còn các cấp học từ Mầm non đến Trung học cơ sở đều phải tham gia thi giáo viên giỏi cấp huyện.

Nhìn vào hướng dẫn của Thông tư 21, chúng ta thấy rằng nếu giáo viên đăng ký thi mà không bị rớt lần thi nào thì khi có được danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh ít nhất phải 4 năm và phải trải qua 7 lần thi giáo viên giỏi các cấp (4 lần cấp trường, 2 lần cấp huyện và 1 lần cấp tỉnh).

Thông tư 21 về thi giáo viên dạy giỏi cần sửa đổi nội dung nào?

Nếu cấp trường tổ chức sau cấp huyện thì số lần thi còn nhiều hơn.

Trong 7 lần thi đó, đối với những lần thi cấp trường thì có phần đơn giản, nhẹ nhàng hơn vì giám khảo nhà, học sinh nhà nên việc thi nằm trong tầm tay của giáo viên.

Tuy nhiên, khi thi cấp huyện và cấp tỉnh là vấn đề không hề dễ dàng chút nào đối với các giáo viên tham dự.

Lúc này, giám khảo chấm cũng nghiêm khắc hơn, kỹ hơn mà điều khó khăn nhất là dạy học sinh ở đơn vị khác nên phải đối mặt với vô vàn những khó khăn.

Giáo viên dự thi phải đến xin phép Ban Giám hiệu để làm quen với lớp, phải dặn dò học sinh kĩ lưỡng từ trước.

Phải đăng ký với nhân viên thiết bị để mượn máy chiếu.

Bởi nếu khâu này mà làm không tốt thì giáo viên xem như cầm chắc "vé rớt" trong tay.

Thực tế, nếu giáo viên không hẹn trước, học sinh sẽ bỡ ngỡ và rất ít hợp tác nên phần nhiều giáo viên phải làm làm "công tác tư tưởng" với học trò để các em cùng xây dựng bài với mình trong tiết thực hành.

Nói thật, khi tham gia hội thi cấp huyện, cấp tỉnh mới cảm nhận hết những gian nan, áp lực của hội thi.

Đi lại nhiều lần, ôn luyện bài cũng nhiều, rồi viết Sáng kiến kinh nghiệm.

Khi vượt qua được 2 cửa ải ban đầu là thi Sáng kiến kinh nghiệm và bài kiểm tra năng lực thì đến lúc thi thực hành là đối diện trực tiếp với ban giám khảo.

Có người bị chê lên, chê xuống nghe đến…rát mặt mà cũng cứ phải ậm ờ gật đầu dù trong lòng không cảm phục phong cách, nội dung rút kinh nghiệm, góp ý của giám khảo.

Nhưng, chỉ cần “cãi” vài lời thì coi như quá trình chuẩn bị cả tháng trời đổ sông, đổ bể.

Và, chúng ta tưởng tượng trong 4 năm ấy, phải trải qua ít nhất 7 lần thi giáo viên giỏi các cấp thì thử hỏi nó gian nan đến chừng nào?

Mỗi lần thi là mỗi lần chuẩn bị một cách kì công và tốn rất nhiều thời gian cũng như phải đối mặt với muôn vàn áp lực.

Thế nhưng, dù gian nan như vậy nhưng vẫn có nhiều giáo viên ở thành phố đăng ký thi không được bởi vì số lượng giáo viên đăng ký tham dự đông quá.

Bộ Giáo dục đã chỉ đạo, thi giáo viên giỏi phải giữ nguyên sĩ số

Ở thành phố, đồng nghĩa với việc dạy thêm nhiều mà có danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp huyện được xem như đó là “chứng chỉ” để hành nghề và cuốn hút học sinh đến học thêm với mình nhiều hơn.

Nói thật, Hội thi giáo viên giỏi hiện nay rất nhiêu khê và có nhiều áp lực cho cả giáo viên tham dự, Ban Giám hiệu nhà trường cũng như các em học sinh.

Giáo viên đi thi đã vất vả mà khi thi ở cấp huyện, cấp tỉnh thì Ban Giám hiệu, tổ chuyên cũng phải tạo mọi điều kiện có thể để cho giáo viên trường mình giảng dạy tốt nhất những tiết đã được phân công dạy và bốc thăm.

Vì thế, nói không “diễn” là có phần khiên cưỡng. Bởi, trước khi thi cấp huyện, cấp tỉnh thì giáo viên đã nháp đi nháp lại mấy lần từ trước.

Thông tin Bộ sẽ sửa đổi Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20/7/2010 Ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên rõ ràng là một tín hiệu tích cực của Bộ Giáo dục.

Bởi, việc “sửa đổi” cũng đồng nghĩa là Bộ không bỏ mà vẫn duy trì Hội thi. Vì thế, lần sửa đổi này, Bộ có thể nghiên cứu để đưa ra những phương án phù hợp nhất cho Hội thi giáo viên giỏi các cấp.

Điều giáo viên mong muốn là Bộ cần hướng tới những nội dung thi nhẹ nhàng nhưng khoa học.

Không nhất thiết phải có nhiều vòng thi như hiện nay mà giảm đi những thủ tục rườm rà, hình thức để Hội thi tiến gần tới việc dạy và học “thật” hơn.

Bởi, cứ giống như bây giờ, để có danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh mà phải trải qua 7 lần thi trong 4 năm thì e rằng Hội thi đang gây ra quá nhiều áp lực cho giáo viên dưới cơ sở mà điều quan trọng là làm cho giáo viên chán ngán và “sợ” Hội thi này.

NGUYỄN NGUYÊN