Trường lên chuẩn quốc gia mà ai cũng buồn

05/06/2017 07:13
Sông Mã
(GDVN) - Chỉ là trường học bình thường nên nhà trường chưa bị khống chế về các chỉ tiêu lên lớp thẳng..., giáo viên được dạy thật, học sinh được học thật.

LTS: Tác giả Sông Mã lý giải nguyên do khiến các giáo viên cảm thấy buồn chán và lo lắng khi trường chuẩn bị lên chuẩn quốc gia.

Theo tác giả, chính những chỉ tiêu lên lớp tại các trường chuẩn quốc gia khiến các thầy cô không thể thẳng tay cho học sinh yếu kém lưu ban, điều này dẫn đến hệ lụy học sinh ngồi nhầm lớp.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong buổi họp hội đồng cuối năm, khi vừa nghe thầy Hiệu trưởng thông báo “Trường mình đang rà soát các chỉ tiêu để chuẩn bị sang năm học mới lên chuẩn”. 

Không khí buổi họp chùng xuống, đâu đó có tiếng xì xào nổi lên “bắt đầu khổ rồi đây, giáo viên căng sức chạy theo phong trào còn học trò lại chẳng được lưu ban”.

Nếu như vài năm trước đây, khi danh hiệu trường chuẩn quốc gia bắt đầu xuất hiện nhiều giáo viên cũng đã từng ao ước “giá mình được giảng dạy trong những ngôi trường ấy sẽ vinh dự biết bao nhiêu”. 

Nhiều phụ huynh cũng từng có khao khát “con cái của mình được học trong ngôi trường chuẩn quốc gia như thế sẽ là niềm hãnh diện lớn”. 

Và đã không ít lần, vị cán bộ của ngành giáo dục nói: “Thầy cô phải lấy làm tự hào khi mình được dạy trong trường chuẩn quốc gia. Bởi thế, thầy cô phải biết làm gì để xứng với niềm vinh dự đó”.

Trường chuẩn quốc gia từng là mơ ước của nhiều giáo viên và phụ huynh. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Trường chuẩn quốc gia từng là mơ ước của nhiều giáo viên và phụ huynh. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Giờ thì những lời hay ý đẹp dành cho trường chuẩn, những vầng hào quang chói lóa mà mọi người khoác lên mình nó đã lịm tắt. 

Giáo viên cảm thấy áp lực, mệt mỏi nhiều hơn là vinh hạnh, tự hào. Bởi nơi đây quả thật “có tiếng” nhưng không “có miếng”. 

Giáo viên vừa phải nỗ lực hết mình để dạy dỗ học sinh, vừa phải chạy đôn chạy đáo tham dự hết phong trào này đến phong trào khác. 

Rồi các cuộc thi của giáo viên, của học sinh cứ nối tiếp nhau mà không thể nào bỏ sót cuộc thi nào. Nhưng thi lại phải có giải. Vì thế cả thầy và trò cứ xoay mòng mòng suốt cả ngày đêm.

Đã thế, giáo viên luôn phải gồng mình lên để đáp ứng các chỉ tiêu thi đua luôn được đăng kí cao ngất ngưởng (để khẳng định vị thế). Và trên hết là phải căng mình ra để tìm cách đối phó khi các chỉ tiêu ấy không đạt.

Chưa hết chỉ trong năm học nhưng phải đón biết bao đợt thanh tra, thăm trường của cấp Phòng, cấp Sở đôi khi cả cấp trung ương về kiểm tra, thẩm định để công nhận chuẩn.

Trường lên chuẩn quốc gia mà ai cũng buồn ảnh 2

Chỉ tiêu không có tội nhưng người thực thi thì có

Vì thế, với giáo viên hiện nay, bốn tiếng “trường chuẩn quốc gia” chỉ là một sự lo sợ, ám ảnh. 

Trường nơi tôi giảng dạy hiện nay dù chỉ là ngôi trường nhỏ với 12 lớp lại nằm trong khu dân cư khó khăn.

Nhưng nơi đây, giáo viên giảng dạy rất nhiệt tình, thầy cô luôn hết lòng chăm sóc học trò. 

Điều đặc biệt nơi đây là không có bất cứ học sinh nào "ngồi nhầm lớp". Có được điều này nguyên nhân lớn nhất là học sinh yếu được quyền lưu ban khi thầy cô giáo đã nỗ lực hết mình mà các em vẫn không theo kịp chương trình. 

Bởi, chỉ là trường học bình thường nên nhà trường chưa bị khống chế về các chỉ tiêu lên lớp thẳng, chỉ tiêu phổ cập đúng độ tuổi, hiệu quả 5 năm đào tạo…

Cuối năm học, nếu học sinh nào không đáp ứng đủ nội dung kiến thức theo yêu cầu đều được giáo viên ôn luyện và cho thi lại nếu các em vẫn không tiến bộ sẽ cho học lại vào năm sau. 

Nhờ được học lại nhiều em đã tiến bộ rất nhanh lực học ngày càng được cải thiện.

Nay nghe tin trường lên chuẩn quốc gia, chuyện học sinh ở lại lớp sẽ không còn được dễ dàng như trước. Và rồi, chắc chắn sẽ tái diễn cảnh “lùa” học sinh lên lớp như biết bao trường chuẩn đã làm.

Câu hỏi mà giáo viên luôn trăn trở “Biết đến bao giờ giáo dục không còn áp lực bởi các chỉ tiêu thi đua? Để học sinh được học thật và giáo viên được dạy thật?

Sông Mã