Tự chủ đại học: Làm gì có tự chủ như nhau, hay tự chủ cào bằng!

04/04/2015 07:41
Xuân Trung
(GDVN) - Quan điểm của GS.Đặng Ứng Vận, nguyên Chánh Văn phòng, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục, Hiệu trưởngTrường Đại học Hòa Bình về chủ đề tự chủ.

LTS: Viết tiếp mạch chủ đề “Tự chủ đại học”, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với GS. TSKH. Đặng Ứng Vận, nguyên Chánh Văn phòng, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục, hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình.

Theo TS.Đặng Ứng Vận thì sở dĩ tự chủ đại học của ta chưa thực sự phát huy tác dụng là vì ta còn thiếu "văn hóa tự chủ".

Mức độ tự chủ như nhau là không đúng

Trước những quan điểm và cách hiểu cho rằng, quyền tự chủ của các trường đại học có mức độ tự chủ sẽ như nhau, GS. Đặng Ứng Vận cho biết, về mặt logic thì đây là một trong những cách hiểu dễ nhất.

Tự chủ đại học: Làm gì có tự chủ như nhau, hay tự chủ cào bằng! ảnh 1

GS. TSKH. Đặng Ứng Vận, nguyên Chánh Văn phòng, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục, hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình. Ảnh Xuân Trung

Tuy nhiên, xét theo khía cạnh lấy thước đo gì để đánh giá năng lực tự chủ của các trường, từ đó có mức độ tự chủ khác nhau? Vấn đề đặt ra là xây dựng những thể chế cho việc tử chủ đó, đi kèm với đó là phải có điều kiện, khi có điều kiện rồi thì cứ thực thi và nhà nước sẽ giám sát.

GS. Vận lấy ví dụ như các trường kém, trường tư kém, vậy trường tư là những ai? Nếu bảo trường công có năng lực quản lí hơn thì dựa vào chương trình nào để đánh giá, hay dựa vào kiểm định chất lượng để đánh giá xếp theo thang bậc rồi mới được tự chủ?

Tự chủ đại học: Làm gì có tự chủ như nhau, hay tự chủ cào bằng! ảnh 2

Tự chủ đại học: Chất đã thay đổi như thế nào?

(GDVN) - Các điều khoản trong Luật Giáo dục đại học cho thấy quyền tự chủ thực sự khó trở thành hiện thực vì nhiều điểm trái với tinh thần tự chủ đại học hoặc mơ hồ.

Do đó, với một chuẩn mực như vậy, với khối lượng công việc như vậy thì không phải trường nào cũng áp dụng được mức tự chủ như nhau, trường tư khác, trường công khác, trường theo công nghệ khác, trường nghiên cứu khác và những trường chỉ chuyên về giảng dạy lại khác. Điều đó không có nghĩa khi đưa vào một thang bậc phải đi kèm theo một tiêu chí.

Do đó, quan điểm của GS. Đặng Ứng Vận cho rằng, nên chăng Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu cái gì có thể giao cho các trường, cái gì không nên giao, khi giao rồi thì tổ chức thực hiện như thế nào? Và phải có giám sát, kiểm tra, đánh giá.

Vấn đề đặt ra đối với các trường được tự chủ là phải đi kèm với trách nhiệm xã hội như thế nào? Trách nhiệm xã hội ở đây theo GS. Đặng Ứng Vận được hiểu là “nghĩa vụ giải trình” và “chịu trách nhiệm đến cùng”.

Trường làm sai trường phải chịu trách nhiệm. Nghĩa vụ ở đây được hiểu là nghĩa vụ với xã hội. Đối với trường công là nhà nước, đối với trường tư là Hội đồng quản trị và nhà đầu tư, nhưng cũng tùy theo cấp độ.

Tự chủ và vấn đề Hội đồng trường “lấn sân”

Lâu nay, một số cách hiểu cho rằng quyền tự chủ của một trường đại học vô tình đã rơi vào tay ông hiệu trưởng hay một cá nhân quản lí đứng đầu một ngôi trường?

GS. Đặng Ứng Vận cho rằng, đây là trách nhiệm của cả một ngôi trường chứ không riêng gì ông hiệu trưởng.

Lấy ví dụ như tự chủ tài chính, cũng như các nước tư bản và bản thân các trường tư ở Việt Nam thì phải có quy chế chi tiêu nội bộ, có chiến lược tài chính. Vấn đề này do Hội đồng quản trị xây dựng quy tắc, trên cơ sở đó khái niệm tự chủ sẽ đi theo, không có khái niệm tự chủ nào lại không đi kèm theo định chế.

Tự chủ đại học: Làm gì có tự chủ như nhau, hay tự chủ cào bằng! ảnh 3

Giáo dục đại học đã từng bị đồng hóa, đâu phải bậc học tiếp theo phổ thông

(GDVN) - Ở nhiều nước phát triển và đang phát triển, các nhà làm luật đã ghi vào hiến pháp : Đại học tự trị – Viện trưởng Đại học do Tổng Thống bổ nhiệm.

Vấn đề định chế ở đây ai sẽ là người ban hành, trước kia là nhà nước ban hành, nhưng giờ nhà nước giao cho các trường - đối với trường tư là Hội đồng quản trị, trường công là Hội đồng trường.

“Vấn đề lâu nay chưa giao tự chủ tài chính cho các trường công, nên Hội đồng trường lấn sân sang hiệu trưởng, thường đi vào những công việc mang tính chất vận hành. Cái khó nhất hiện nay khi nhà nước giao kinh phí lo cơ sở vật chất cho trường công thì ai thay mặt để đảm bảo tính an toàn tài sản nhà nước, do đó Hội đồng trường phải chịu trách nhiệm” GS. Vận cho biết.

Do vậy, câu hỏi là hiện tại các trường đại học đang được tự chủ thực sự hay chưa? GS. Đặng Ứng Vận nhìn nhận, công bằng mà nói Bộ GD&ĐT đang tiến tới điều đó.

Ngay ở khâu tuyển sinh vẫn tiếp tục được quản lí chặt chẽ hơn, GS. Vận cho rằng, Bộ Giáo dục cũng có cái khó, khi giao tự chủ cho các trường, đối với những trường chưa đủ năng lực nếu có làm sai thì Bộ Giáo dục phải chịu trách nhiệm liên đới.

“Văn hóa tự chủ của nước mình chưa có, văn hóa tự chủ không phải là bản chất ở Đông Á (giữa phương tây và Đông Á) và việc phân cấp chỉ để kiểm soát cho tốt hơn. Ở nước ngoài các trường khi được trao quyền họ rất ý thức được làm cái gì và không được làm cái gì” GS. Vận liên hệ.

Cũng theo hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình, một vấn đề rất quan trọng để tránh làm sai khi được trao quyền tự chủ là phát huy tính dân chủ trong mỗi trường. Khi đã phát huy dân chủ theo đúng nghĩa thì bản thân cán bộ công nhân viên sẽ là những người thực hiện.

Do đó phải xây dựng nhà trường dân chủ chứ không phải thực hiện cơ chế dân chủ.

Xu thế quốc tế các trường phải được tự chủ, GS. Đặng Ứng Vận nhấn mạnh, nếu không cho tự chủ thì các trường không phát triển được, đặc biệt là tự chủ về tài chính. Tự chủ tài chính quan trọng là vì nếu không có nó sẽ không huy động được nguồn lực xã hội để phát triển trường.

Tại sao các trường đại học công phải huy động nguồn lực xã hội? Vì kinh phí nhà nước có hạn.

“Trong việc thực hiện quyền tự chủ và nghĩa vụ giải trình và chịu trách nhiệm của nhà trường cần phát huy đến cao độ dân chủ trong nhà trường bằng cách chuyển từ việc xem đảm bảo dân chủ là phương thức nâng cao hiệu quả quản lý sang mục tiêu xây dựng nhà trường dân chủ.

Để có thể thực hiện tốt các giải pháp nêu trên thì vấn đề cốt lõi vẫn là việc trao quyền và phân cấp quản lý nhà nước. Để cho việc phân cấp có hiệu quả đích thực thì không thể xem phân cấp như là một giải pháp của cấp quản lý nhằm kiểm soát được tốt hơn mà là một giải pháp trao thực quyền cho các nhà giáo dục ở cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục…” GS. Đặng Ứng Vận cho hay.

Bài tiếp theo, GS. Đặng Ứng Vận sẽ có bài phân tích sâu về trách nhiệm tự giải trình, tự chịu trách nhiệm và tự chủ trong tài chính như thế nào đối với trường được tự chủ. Kính mời độc giả đón đọc.

Xuân Trung