Từ năm 2020 chuẩn giáo viên phải đạt trình độ Đại học, vậy Cao đẳng dạy ai?

14/11/2016 07:36
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị yêu cầu từ năm 2020, giáo viên tiểu học, THCS phải có trình độ đại học. Vậy các trường Cao đẳng sư phạm sẽ đào tạo ai?

Ngày 9/11, tại Hà Nội, trong buổi tọa đàm “Vai trò của các trường cao đẳng sư phạm trong thời gian tới” do Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức. 

Tại đây, các đại biểu đã đặt ra vấn đề về “số phận” của các trường cao đẳng sư phạm khi Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị về Đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo có yêu cầu từ năm 2020, giáo viên tiểu học, THCS phải có trình độ Đại học. 

Vậy thời gian tới các trường cao đẳng sư phạm sẽ đi về đâu và cơ chế hoạt động sẽ như thế nào?

Các trường cao đẳng sư phạm đang hoạt động cầm chừng


Tại buổi tọa đàm, TS.Nguyễn Thanh Phú – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước cho biết, trong vài năm trở lại đây tuyển sinh đầu vào không còn được “thoải mái chọn lựa” như trước đây. 

Hàng năm các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh khá lớn nhưng tuyển sinh không đáp ứng quy mô đào tạo, một số ngành học không có hoặc rất ít sinh viên đăng ký vào học, làm cho các trường hoạt động cầm chừng.

Cá biệt, có những ngành đào tạo hiện nay không tuyển sinh được (Sư phạm Văn, Sử, Địa, Vật lý, Hóa, Tin học, Nhạc, Họa…). Vấn đề tuyển sinh đầu vào của nhà trường hiện nay đang gặp những khó khăn” – ông Phú cho hay.

Nguyên nhân của tình trạng này, được ông Phú cho biết là do hiện nay trên địa bàn cả nước có quá nhiều trường Đại học công lập và tư thục, số lượng tuyển sinh hàng năm các trường này quá lớn nên đã thu hút gần hết học sinh của tỉnh. 

Thứ hai là sinh viên học trường Cao đẳng Sư phạm ở tỉnh rất khó tìm kiếm việc làm, lý do là họ không được tuyển vào công chức nhà nước. 

Thêm lý do sinh viên khó tìm kiếm việc làm sau khi ra trường, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa Vũng Tàu, ông Hồ Cảnh Hạnh cho rằng, do đào tạo cung vượt quá cầu, đào tạo giáo viên theo kiểu “trăm hoa đua nở”, không có cơ quan điều tiết kế hoạch, cho đào tạo tràn lan kể cả các cơ sở ngoài công lập cũng tham gia đào tạo. 

Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa Vũng Tàu - ông Hồ Cảnh Hạnh (đứng) phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Thùy Linh)
Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa Vũng Tàu - ông Hồ Cảnh Hạnh (đứng) phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Thùy Linh)

Cùng với đó là tuyển dụng có quá nhiều bất cập (chưa kể tiêu cực tràn lan) ví như yêu cầu tuyển dụng viên chức theo quy định tại Nghị định 29 của Chính phủ làm cho đối tượng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm địa phương thiệt thòi hay như giao việc tuyển dụng giáo viên cho cơ quan nội vụ thì các cơ sở giáo dục hầu như đứng ngoài cuộc.

Theo ông Hạnh, cơ chế học phí, học bổng hiện nay không còn phù hợp bởi có hiện tượng con nhà nghèo học giỏi học sư phạm, ra trường không có tiền xin việc dẫn đến thất nghiệp. Vậy là nghèo lại tiếp tục nghèo. 

Quy hoạch lại mạng lưới các trường

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thúy Hồng, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết:

Hiện giáo dục của nước ta quy hoạch kém, do đó chỉ tiêu đào tạo của các trường sư phạm chủ yếu là xin - cho  và cấp nên đã tạo ra bài toán dư giáo viên là đương nhiên. Chúng tôi đã biết và nhận thấy đội ngũ nhà giáo đang phải hứng chịu điều này”

Từ năm 2020 chuẩn giáo viên phải đạt trình độ Đại học, vậy Cao đẳng dạy ai? ảnh 2

Có nên để tồn tại mỗi tỉnh một trường Cao đẳng sư phạm?

(GDVN) - Đứng trước thực tế về nhu cầu nhân lực cho giáo dục, xuất hiện những ý kiến khác nhau liên quan tới vai trò, sự tồn tại của các trường Cao đẳng sư phạm.

Theo bà Hồng cung cấp, hiện cả nước có 92 trường sư phạm, trong đó, có 9 trường sư phạm, 1 trường đại học giáo dục 30 khoa sư phạm thuộc trường đại học đa ngành, 33 trường cao đẳng sư phạm, 17 khoa sư phạm thuộc các trường cao đẳng, trường 2 trung cấp.

Tuy nhiên, có thực tế đặt ra việc thiếu giáo viên vẫn cứ thiếu và thừa vẫn cứ thừa.

Hiện nay, giáo viên THPT đang thừa, cấp THCS thừa thiếu cục bộ, giáo viên tiểu học về cơ bản là đủ, chỉ thiếu ở một số môn chuyên biệt, ngành có yêu cầu mới. 

Nhất là khi đưa tiếng Anh vào là môn bắt buộc đối với tiểu học trong khi ở các trường Đại học sư phạm chưa có mã ngành giáo viên Tiếng Anh tiểu học.

Hiện tại chỉ có 3 trường đào tạo giáo viên tiếng Anh cho tiểu học, bao gồm: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng nhưng số sinh viên này chưa ra trường. 

Mặc dù vậy, theo tính toán trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 phải đào tạo thêm giáo viên mới rất nhiều.

Nguyên nhân, do gần đây Nhà nước nới lỏng việc sinh con thứ 3 nên số trẻ tiểu học và mầm non sẽ tăng. Như vậy cũng sẽ tăng lũy tiến giáo viên cho các cấp học khác. 

"Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ quản lý đội ngũ theo hướng chất lượng đạt chuẩn nghề nghiệp. Sẽ có khung năng lực cho các trường sư phạm, hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp", Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và và cán bộ quản lý giáo dục tiết lộ. 

Tuy nhiên, lo ngại về những tác động của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo có yêu cầu về chuẩn giáo viên phải đạt trình độ Đại học từ năm 2020, các trường Cao đẳng Sư phạm muốn nâng cấp lên thành trường Đại học.

Đại diện trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên cho biết tỉnh đã có đề án sáp nhập hai trường Cao đẳng Sư phạm và Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật thành trường Đại học Điện Biên nhưng vẫn chưa được Bộ GD&ĐT đồng ý.

Tuy nhiên, theo đại diện trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, việc chuyển đổi mục đích đào tạo để phù hợp với thực tế là điều cần thiết và trường cũng vui vẻ đồng ý.

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Hồng cho hay, Bộ đã có đề án đầu tư cho các trường sư phạm. Trong đó, chủ trương của Bộ là không “xây mới” mà chỉ nâng cấp và quy hoạch lại mạng lưới các trường.

Thùy Linh