Từ trường hợp Hào Anh nhìn về việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ

11/09/2014 06:41
Hồng Nhung (ghi)
(GDVN) - Về một phương diện tiêu cực nào đó kỹ năng sống có thể làm cho con người sống thủ đoạn hoặc “khéo đến phát ghét”...

Bốn năm trước, chuyện cậu bé tên Hào Anh bị vợ chồng trại nuôi tôm giống tra tấn dã man như thời Trung cổ khiến dư luận dậy sóng, thì bốn năm sau, cái tên Hào Anh lại một lần nữa khiến dư luận xôn xao, nhưng theo chiều ngược lại. Nếu như trước kia, người ta thương xót, chia sẻ nỗi đau tinh thần và thể xác mà em phải chịu đựng, thì giờ đây dư luận lại thể hiện sự bức xúc trước hành vi đuổi bố mẹ ra khỏi nhà của em.

Từ một cậu bé bị ngược đãi cần được quan tâm, qua 4 năm, Hào Anh đã trở thành chàng trai có hành vi “ngược đãi” chính bố mẹ mình.

Trường hợp Hào Anh là một trong số trường hợp trẻ phát triển chịu sự tác động, tổn thương khi còn nhỏ, sự tác động đúng vào giai đoạn bước ngoặt trong cuộc đời. Xung quanh câu chuyện của Hào Anh, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Mai Văn Hưng – Giám đốc Trung tâm Nhân học và phát triển trí tuệ, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội để hiểu thêm về sự giáo dục, định hướng hành vi với những trẻ đặc biệt.

“Cái rốn” của sự chú ý

Theo PGS.TS Mai Văn Hưng, con người xét trong sự tồn tại của nó bao gồm 2 phần; con người tự nhiên và con người xã hội. Về mặt tự nhiên, vòng đời của mỗi người từ khi sinh ra đến khi trưởng thành cho đến khi về già và chết là một sự khép kín, trong cái vòng đó đời con người trải qua các giai đoạn sinh trưởng và phát triển liên tiếp nhau. 

Từ trường hợp Hào Anh nhìn về việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ ảnh 1

PGS.TS Mai Văn Hưng lí giải về trường hợp của Hào Anh - trẻ chịu sự tổn thương, tác động đúng vào giai đoạn bước ngoặt của tuổi dậy thì

Một vấn đề cần lưu ý ở đây là tại thời điểm nối tiếp giữa các giai đoạn thường xảy ra các bước ngoặt cả về sinh lí và tâm lí, đặc biệt là trong những giai đoạn có gia tốc tăng trưởng mạnh như từ vị thành niên sang người trưởng thành và từ trẻ em sang tuổi dậy thì những “bước ngoặt” này là rất nhạy cảm.

Hiện nay, người Việt Nam, bước vào giai đoạn dậy thì ở nam giới khoảng 14 đến 15 tuổi (trước kia khoảng 16 tuổi) và kết thúc giai đoạn dậy thì này thường từ 18 đến 19 tuổi.

Để đánh giá một hành vi bất thường của con người cần phải có những nghiên cứu khoa học liên ngành vì vậy đánh giá về hành vi của cậu bé Hào Anh là một vấn đề khá phức tạp. Tuy nhiên dưới góc độ sinh học người, có thể nhìn nhận như sau: Hào Anh bị người khác ngược đãi vào năm 14 tuổi, đúng vào thời điểm diễn bước ngoặt chuyển từ trẻ em sang tuổi dậy thì, nên em rất dễ bị “sốc” về tinh thần dẫn đến trong giai đoạn dậy thì sau đó những sự thay đổi không bình thường về sinh lí và tâm lí. 

Đến năm 18 tuổi (tuổi hiện nay của Hào Anh) là kết thúc dậy thì chuyển sang trưởng thành hoàn toàn, đây là bước ngoặt tiếp theo cả về sinh lí nói chung, sinh lí thần kinh nói riêng. Chính nhưng thay đổi về Sinh lí thần kinh bên trong sẽ biểu hiện ra bên ngoài bằng trạng thái tâm lí mất cân bằng.

Như vậy, có thể xem 2 bước ngoặt này là nguyên nhân bên trong, còn nguyên nhân bên ngoài chính là môi trường sống của trẻ. Bất cứ một trẻ em nào khi lớn lên đều ghi nhớ những dấu ấn mà người lớn hoặc môi trường tác động đến chúng, đặc biệt là những dấu ấn làm đứa trẻ bị sốc. Có những người bị trầm cảm khi trưởng thành, có những đứa trẻ bị tự kỉ ngay từ khi còn bé, một trong số các biểu hiện sự “quay lưng” lại với cộng đồng, không giao tiếp với cộng đồng.

Thời điểm đó, báo chí có đưa tin là Hào Anh bị đánh vào đầu, nếu việc bị hành hạ về thể xác dễ tạo ra cú sốc về tâm lí, thì việc bị đánh vào đầu có thể dẫn tới các bất thường về sinh lí thần kinh. Vỏ não của người rất mỏng, khoảng vài mm nên chỉ cần một tác động cơ học đủ lớn là có thể gây tổn thương. Khi vỏ não bị tổn thương có thể dẫn đến những biểu hiện bất thường về tâm thần. Chính hai cái đó làm cho đứa bé sau khi thoát khỏi nơi bị hành hạ có những biểu hiện không bình thường, có lúc biểu hiện ra bên ngoài, có lúc tiềm ẩn bên trong mà người khác không nhận ra được (điều này cần phải được kiểm tra về y tế).

Xét về góc độ cộng đồng xã hội, khi có nhiều người quan tâm, đứa trẻ có cảm giác trở thành “cái rốn” của sự chú ý. Ở đây, với trường hợp của Hào Anh cũng vậy. Nếu như trước kia, Hào Anh kiếm đồng tiền rất khó khăn, thậm chí phải vật lộn với mưu sinh khi còn rất nhỏ trong máu và mồ hôi, đứa trẻ lại xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh  éo le nên việc kiếm sống càng trở nên khốn khó. Bỗng nhiên lại em được xã hội cung cấp cho một khoản tiền rất lớn, đứa trẻ sẽ có cảm giác làm ra tiền quá nhanh, mặc dù thực chất tiền không phải do đứa trẻ làm ra mà là do sự ủng hộ của người khác.

Vì 14 tuổi, tuổi chưa được sử dụng tiền nên được mẹ hoặc tổ chức xã hội giữ giùm. Do đó, đứa trẻ chưa có biểu hiện rõ nét ảnh hưởng của đồng tiền. Đến khi đứa trẻ đi vào giai đoạn chuyển từ trẻ em sang người lớn, dậy thì hoàn toàn(18 tuổi), đây là thời điểm nhạy cảm với những biểu hiện thay đổi về sinh lí, về tâm lí  cũng là lúc Hào Anh được phép tiêu tiền của mình.

Kết hợp cả tác động xã hội lẫn bước ngoặt về sinh lí, lúc đó đứa bé sẽ có biểu hiện đòi hỏi, nếu đòi hỏi của trẻ mà không đáp ứng được thì chúng sẽ có những hành vi “xấu” như ở Hào Anh là đuổi cha đuổi mẹ...

Tại sao đứa trẻ lại đuổi cha mẹ? Bởi vì chính mẹ là người giữ tiền. Đứa trẻ hiểu rằng nguyên nhân mình không được thỏa mãn nhu cầu là do mẹ, đứa trẻ chống lại chính cái nguyên nhân, cái nguyên nhân không làm nó thỏa mãn được nhu cầu vật chất như mong muốn. Khi một đứa bé sống trong sự nghèo khổ trong sự ức chế về tinh thần vật chất quá lâu, mà trong đầu lại nghĩ rằng có tiền mà không được tiêu, đến khi được phép tiêu thì sẽ tiêu vào những mục đích thỏa mãn nhu cầu như báo chí có đưa tin là thay xe máy, điện thoại...

Từ trường hợp Hào Anh nhìn về việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ ảnh 3

Hình ảnh cậu bé Hào Anh bốn năm trước khi bị ngược đãi và hình ảnh hiện tại trong ngôi nhà mới xây từ số tiền nhà hảo tâm quyên góp

Còn việc Hào Anh xin lỗi cha mẹ, đón cha mẹ về nhà sống, có sự hối cải, nếu đúng có sự hối cải thực sự thì đây là biểu hiện tích cực. Hành vi “đuổi bố mẹ” chỉ là bột phát do bất thường của giai đoạn cuối dậy thì sang người lớn, sau khi em suy nghĩ lại thì đã có sự cân bằng tốt về hành vi.

Dạy kỹ năng sống dựa trên giá trị sống

Trường hợp Hào Anh chỉ là một trường hợp cụ thể, qua đó chúng ta cần phải đưa ra các khuyến cáo với các trường hợp khác. Trong giai đoạn nhạy cảm của quá trình phát triển sinh lí con người, từ dậy thì đến hết dậy thì, người ta cần phải được giáo dục trong môi trường tốt nhất, tránh giáo dục mang tính chất tự phát hoặc giáo dục không có nghiên cứu cụ thể sẽ ảnh hưởng đến nhân cách và sự phát triển của đứa trẻ.

Hiện nay có nhiều chương trình giáo dục kĩ năng sống, giáo dục nhân cách học sinh. Giáo dục kỹ năng sống không phải chỉ là chuyện dạy cho học sinh biết cách sống thế nào mà quan trọng hơn là kĩ năng đó phải phù hợp với các chuẩn mực văn hóa của cộng đồng, nếu chúng ta dạy không khéo kỹ năng sống sẽ dẫn đến việc đứa trẻ có thể có biểu hiện khôn lỏi và dối trá. 

Về một phương diện tiêu cực nào đó kỹ năng sống có thể làm cho con người sống thủ đoạn hoặc “khéo đến phát ghét”, trẻ có thể sẽ khôn hơn, dễ mất đi sự hồn nhiên của lứa tuổi, đây chính là hậu quả của việc dạy kỹ năng sống không dựa trên giá trị sống. Do đó, khi dạy kỹ năng sống cho học sinh lứa tuổi dậy thì phải quan tâm đến giá trị sống trước khi dạy kỹ năng sống.

Với trường hợp đặc biệt như Hào Anh cần có sự quan tâm riêng chứ không phải quan tâm chung, bởi em chịu cú sốc không bình thường thì ta phải có những biện pháp không bình thường. 

Khi đứa trẻ sống trong một môi trường như vậy, bị hành hạ như thế, có những bất thường về thần kinh như thế mà chúng ta lại dùng phương pháp giáo dục đại trà như những đứa trẻ khác thì sẽ không hiệu quả, phải có biện pháp giáo dục riêng giúp đứa bé hòa nhập với cộng đồng của những đứa trẻ bình thường, sau đó tự nó cân bằng trở lại giá trị tinh thần, hòa nhập với những đứa trẻ khác. 

Tháng 4/2010, báo chí đưa tin cậu bé Hào Anh (14 tuổi) bị gia đình chủ trại tôm giống - nơi em làm việc bạo hành dã man như thời trung cổ: lấy bàn ủi nóng ấn vào người, dùng kìm bẻ răng, lấy thanh sắt nung nóng dí vào bộ phận sinh dục...  Sau đó, Hào Anh được điều trị vết thương cơ thể và được các nhà hảo tâm quyên góp tiền. 

Khi tròn 18 tuổi, Hào Anh được nhận lại số tiền từ thiện 800 triệu đồng (tính cả lãi sau 4 năm). Hào Anh dùng số tiền đó xây nhà mới ở cùng bố mẹ. Tuy nhiên, mới đây Hào Anh có hành động đập phá đồ đạc, đuổi mẹ và cha dượng ra khỏi nhà. Sau đó, em đã xin lỗi về hành động của mình và đón bố mẹ về nhà.

Hồng Nhung (ghi)