Tương lai gần, số phận các trường và sinh viên sư phạm sẽ đi về đâu?

09/11/2016 16:10
Thùy Linh
(GDVN) - Thừa giáo viên sẽ ảnh hưởng đến thị phần của các trường sư phạm buộc phải giải thể, sáp nhập hoặc quy hoạch lại.

Ngày 9/11, tại Hà Nội, Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức tọa đàm “Vai trò các trường cao đẳng sư phạm trong những năm tới”.

Đến dự buổi tọa đàm của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện cơ quan Bộ GD&ĐT và lãnh đạo các trường cao đẳng sư phạm trên cả nước. 

Mở đầu cuộc tọa đàm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, hiện nay tình trạng đào tạo ồ ạt giáo viên đã dẫn đến tình trạng nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu. Và nếu cứ tiếp tục thì chất lượng nguồn nhân lực sẽ bị ảnh hưởng và khó đạt yêu cầu để tiến tới hội nhập quốc tế. 

Với mong muốn tháo gỡ những lo ngại đó, Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm này để cùng nhìn nhận về bức tranh giáo viên hiện nay. 

Thừa giáo viên sẽ ảnh hưởng đến thị phần của các trường sư phạm

Tại tọa đàm, TS.Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) nêu, theo thống kê giáo dục 2014, cả nước thừa 35.000 giáo viên THCS và THPT chưa tính đến mầm non, Tiểu học. 

Cụ thể, số lượng giáo viên năm học 1995-1996 là 492.000 thì đến năm học 2013-2014 con số này đã đạt 855.000 (tương ứng với 14,9 triệu học sinh). 

Trong khi đó, năm học 2012-2013, tổng số giáo viên là 847.000 tương ứng với 14,74 triệu học sinh. 

Tương lai gần, số phận các trường và sinh viên sư phạm sẽ đi về đâu? ảnh 1
Toàn cảnh buổi tọa đàm “Vai trò các trường cao đẳng sư phạm trong những năm tới” (Ảnh: Thùy Linh)

Điều này có nghĩa là, số lượng học sinh tăng lên rất chậm do đó quy mô đào tạo giáo viên dù tăng nhanh hay chậm thì đều dẫn đến tình trạng thừa giáo viên

Thừa giáo viên sẽ ảnh hưởng đến thị phần của các trường sư phạm buộc phải giải thể, sáp nhập hoặc quy hoạch lại. Điều này thể hiện rõ qua hai mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2 năm qua, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường đào tạo sư phạm giảm 10% chỉ tiêu tuyển sinh. 

Trong khi đó hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên “trăm hoa đua nở”, theo thống kê hiện nay có 108 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó 9 trường đại học sư phạm và 1 trường đại học giáo dục, 31 khoa sư phạm đại học, 35 trường cao đẳng sư phạm, 19 khoa sư phạm cao đẳng, 3 trường trung cấp sư phạm. 

Quy mô tuyển sinh sư phạm hàng năm: hệ đại học chính quy từ 22.500-23.000 còn hệ cao đẳng sư phạm chính quy là 24.500-26.000. 

TS.Lê Viết Khuyến khẳng định, những con số này dấy lên lo ngại khi nhu cầu giáo viên giảm mà số lượng giáo sinh ra trường không hề giảm.

Chính vì vậy, mặc dù biên chế giáo viên có tăng (đã gần đạt tới tiêu chuẩn của các nước phát triển về tỷ lệ học sinh/giáo viên) nhưng tình trạng thất nghiệp của các giáo sinh hàng năm vẫn tăng mạnh. 

TS.Lê Viết Khuyến dẫn chứng, theo báo cáo của PGS.TS Bùi Văn Quân đến năm 2020 Việt Nam sẽ thừa 70.000 giáo viên bao gồm: 41.000 giáo viên tiểu học; 12.200 giáo viên THCS, 16.900 giáo viên THPT. 

Trong khi các trường “sống” bằng chỉ tiêu đào tạo nhưng với tình hình hiện nay thì Nhà nước đứng ra giải tán hay các trường tự giải tán vẫn đang là câu hỏi lớn mặc dù xã hội chưa thấy một định hướng cụ thể nào từ Bộ GD&ĐT. 

Tuy nhiên, đã có một số lãnh đạo đã gợi ý giải pháp. Một trong những người đó là ông Nguyễn Ngọc Vũ - Vụ trưởng Vụ kế hoạch- Tài chính (Bộ GD&ĐT), ông cho rằng, cần quy hoạch lại các trường sư phạm; chỉ giữ lại một số cơ sở đào tạo sư phạm bảo đảm chất lượng và phù hợp với nhu cầu đào tạo. 

Và cần có giải pháp đồng bộ sắp xếp các cơ sở đào tạo sư phạm thuộc diện dôi ra như sáp nhập với các cơ sở đào tạo khác, thành lập trường cộng đồng đào tạo đa ngành, chuyển đổi thành phân hiệu của các trường đại học khác…

Nhìn nhận lại hệ thống các trường sư phạm, TS.Lê Viết Khuyến cho rằng, các trường sư phạm đã trải qua nhiều biến động về nhu cầu giáo viên. Đó là khi phổ cập giáo dục thì quy mô giáo viên “bung ra” đến khi dân số tăng chậm thì tỷ lệ giáo viên suy giảm. 

Đây là hiện tượng chung của thế giới, theo TS.Lê Viết Khuyến, tất cả các quốc gia đều trải qua sự thăng trầm về nhu cầu giáo viên theo quy luật lượn sóng. Do đó, cần phải duy trì sự ổn định của các cơ sở đào tạo giáo viên (độc lập hoặc nằm trong một sơ sở đào tạo đại học đa lĩnh vực). 

Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới họ tính toán số lượng giáo viên về hưu hàng năm, tỷ lệ thừa bao nhiêu, cần bổ sung bao nhiêu từ đó ổn định quy mô đào tạo nhưng Việt Nam chưa làm việc này. 

Các cơ sở sư phạm không nên tranh giành nguồn tuyển

TS.Lê Viết Khuyến gợi ý một số giải pháp đối với các trường cao đẳng sư phạm hiện nay. Đó là, thực hiện phân tầng hệ thống trường sư phạm thành các trường đại học sư phạm /đại học giáo dục trọng điểm, các trường/khoa đại học sư phạm địa phương, các trường/khoa cao đẳng sư phạm địa phương. 

Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ (không theo cơ chế thị trường). 

Tương lai gần, số phận các trường và sinh viên sư phạm sẽ đi về đâu? ảnh 2
TS.Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) nêu thực trạng các trường cao đẳng sư phạm hiện nay (Ảnh: Thùy Linh)

Bộ GD&ĐT quy định nội dung cứng của chương trình đào tạo giáo viên để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống. 

Về vấn đề phân cấp quản lý thì TS.Lê Viết Khuyến cho rằng, Bộ GD&ĐT quản lý họat động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học sư phạm/đại học giáo dục trọng điểm. Các trường được tự chủ trong đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học. 

Còn Ủy ban nhân dân tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương quản lý trực tiếp và giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và THCS cho các trường/khoa sư phạm địa phương. 

Và quan trọng là, các cơ sở sư phạm không tranh giành nguồn tuyển, đào tạo chồng chéo giữa các địa phương.

Thùy Linh