Vài nét về Hội thảo đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo tại Quảng Ngãi

26/12/2018 07:42
Bài và ảnh: TẤN NGỌC- NGỌC PHÁP
(GDVN) - Sau 5 năm, chất lượng giáo dục, đào tạo của tỉnh Quảng Ngãi đã được nâng lên: cơ sở vật chất, trường, lớp học trong toàn tỉnh đã từng bước được cải thiện...

Sáng 21/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo chủ đề “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi” sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương khoá XI và Chương trình hành động số 51-CTr/TU ngày 23/7/2014 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI.

Dự Hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Viết Chữ; đại diện các Cục, Vụ thuộc bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông - Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết; lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh, các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đặng Ngọc Dũng cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, điều hành Hội thảo.

Hội thảo “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi” sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW
Hội thảo “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi” sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đặng Ngọc Dũng nhấn mạnh:

“Ngay sau khi Hội nghị Trung ương 8 khóa XI ra Nghị quyết 29-NQ/TW, Chính phủ ban hành các Nghị quyết, Chương trình hành động triển khai Nghị quyết này, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động 51, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có nhiều văn bản triển khai thực hiện nghị quyết 29 trên địa bàn tỉnh.

Điều đó cho thấy sự quan tâm và kỳ vọng của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đối với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, chất lượng giáo dục, đào tạo của tỉnh đã được nâng lên: cơ sở vật chất, trường, lớp học trong toàn tỉnh đã từng bước được cải thiện, với 363/656 trường đạt chuẩn, chiếm 55,3%; phương pháp giảng dạy bắt đầu có thay đổi, đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu…

Tỉnh Quảng Ngãi mong muốn, đổi mới giáo dục và đào tạo đảm bảo toàn diện, đào tạo những công dân tương lai tự tin, có bản lĩnh, trí tuệ với tầm nhìn trở thành công dân toàn cầu, làm việc trong môi trường quốc tế.

Giáo dục đào tạo phải giúp học sinh chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết, sẵn sàng tham gia vào các tổ chức khu vực và quốc tế, tạo động lực cho đất nước phát triển, cùng hội nhập với thế giới văn minh.

Vài nét về Hội thảo đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo tại Quảng Ngãi ảnh 2Quảng Ngãi tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29

Trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế, chất lượng tăng trưởng còn thấp; nguồn lực tài nguyên là hữu hạn thì để đảm bảo đi cùng mọi người, đi trước mọi người… buộc chúng ta phải sáng tạo, mà giáo dục và đào tạo là chìa khóa để thực hiện kỳ vọng đó.

Hội thảo hy vọng được nghe các nhà khoa học, các nhà lý luận, các chuyên gia và nhà quản lý, giảng viên thảo luận, tư vấn những điều tỉnh Quảng Ngãi cần từ lý luận đến thực tiễn để đưa Nghị quyết 29 thật sự đi vào cuộc sống”.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đỗ Văn Phu đã khái quát mục đích, ý nghĩa, nội dung và sự kỳ vọng của Hội thảo:

“Giáo dục và đào tạo đã được Đảng ta xác định là quốc sách hàng đầu; là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; trực tiếp tham gia vào việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội vững mạnh về mọi mặt; góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Ngành giáo dục và đào tạo Quảng Ngãi được Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đánh giá cao về những kết quả đạt được trong thời gian qua, nhưng cũng còn không ít những hạn chế, thiếu sót cần được xem xét, phân tích thấu đáo để xác định các biện pháp nâng cao vị thế của ngành.

Nhận thức được vị trí, vai trò của hoạt động quản lý trong việc nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương khoá XI và Chương trình hành động số 51 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Mục đích của Hội thảo là nhìn nhận, đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức dạy và học thời gian qua kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Từ đó, xác định rõ hơn những giải pháp lớn cùng những biện pháp cấp bách và lâu dài cần cho từng mục tiêu phát triển của sự nghiệp giáo dục – đào tạo tỉnh nhà.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà giáo, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo từ trung ương đến địa phương, các chuyên gia đầu ngành, các cơ sở giáo dục từ mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học trong tỉnh và trên phạm vi toàn quốc,… trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý ngành; điều hành, quản trị trường học; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tổ chức dạy – học và bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp…

Hy vọng, qua một số tham luận trực tiếp tại diễn đàn và những tham luận được in trong Kỷ yếu Hội thảo lần này, chúng ta có thể tìm thấy mối liên hệ chung và riêng để cùng trao đổi, rút ra những kinh nghiệm bổ ích trong quản lý, quản trị, điều hành, trong việc xác định rõ mục tiêu định hướng trong thời gian đến – trước hết là dành cho giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ngãi.

Đây là hội thảo khoa học đầu tiên về giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ngãi sau 29 năm tái lập tỉnh nhà (1989-2018), là hội thảo đầu tiên của tỉnh được đón tiếp quý vị đại diện lãnh đạo Bộ và các vụ, viện chức năng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, quí vị lãnh đạo các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học có quan hệ hợp tác đào tạo, các Sở giáo dục và đào tạo trong khu vực, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà giáo trong cả nước về đây để cùng trao đổi, học hỏi lẫn nhau với tư cách là những đồng chí, đồng nghiệp và với tinh thần cùng trao đổi cởi mở, thân thiện, chân thành.

Hội thảo lần này sẽ còn mở ra nhiều vấn đề cần được tiếp tục bàn bạc, trao đổi.

Tuy vậy, chúng tôi hy vọng, hội thảo sẽ đem đến cho tất cả chúng ta nhiều kết luận, giải pháp, biện pháp căn cơ, mang đậm tính thực tiễn, hết sức bổ ích để góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ngãi, tiếp cận với các phương pháp dạy – học mới, nhân tố cơ bản quyết định đến sự phát triển của giáo dục, nâng cao chất lượng dạy – học, đáp ứng yêu cầu đổi mới nền giáo dục trong tổng thể của quá trình đổi mới và phát triển của đất nước”.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trình bày tham luận tại hội thảo
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trình bày tham luận tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Viết Chữ nhấn mạnh:

Vai trò của giáo dục đào tạo là rất quan trọng, giáo dục phải có tầm nhìn và phải đi trước một bước.

Đảng và nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo như: Hội nghị Trung ương 8 khóa XI có Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi qua các giai đoạn cách mạng, qua mỗi nhiệm kỳ đều xác định phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ đột phá, ban hành Nghị quyết chuyên đề, nhiều cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Trong đó, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một trong những vấn đề được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Tuy nhiên, trên thực tế thực hiện chủ trương này so với yêu cầu hội nhập và phát triển nền giáo dục và đào tạo của tỉnh còn nhiều hạn chế; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giáo dục, đào tạo chưa theo kịp với yêu cầu, chưa có nhiều giải pháp để đổi mới sáng tạo trong hệ thống giáo dục, đào tạo.

Vấn đề đặt ra là, ngành Giáo dục và Đào tạo phải đổi mới như thế nào để thích ứng với bối cảnh đó, nhu cầu cần thay đổi để không ai bị tụt hậu, không ai bị bỏ lại phía sau, thì mọi người phải tự ý thức về việc học tập suốt đời.

Không phải học để lấy bằng cấp, mà học để biết, để làm việc, để sáng tạo ra tri thức mới, để sống tốt hơn và đóng góp cho xã hội phát triển tốt hơn.

Việc đổi mới này, không chỉ đổi mới công tác quản lý giáo dục, phương pháp dạy và học, mà đổi mới toàn diện, đề cập tất cả các vấn đề của giáo dục: lối sống, kỹ năng của cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo, học sinh - sinh viên.

Qua các bài tham luận, các chuyên gia, các thầy cô giáo đã nêu ra rất nhiều khía cạnh khác nhau, khuyến nghị nhiều giải pháp đổi mới, phát triển ngành giáo dục tỉnh nhà như tham luận của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương về “Phát triển năng lực- mục tiêu cốt lõi của đổi mới giáo dục”; “Chương trình giáo dục phổ thông mới và những thách thức cần vượt qua” của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông; “Các giải pháp thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập…”

Hội thảo diễn ra trong thời gian 1 ngày, các đại biểu đã có nhiều tham luận chất lượng, thảo luận sát thực tập trung chủ yếu vào 3 nhóm chủ đề về quan điểm tiếp cận với Nghị quyết 29-NQ/TW của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ngãi; thực trạng giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và những yêu cầu từ thực tiễn; các giải pháp và những khuyến nghị đối với ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ngãi.

Bài và ảnh: TẤN NGỌC- NGỌC PHÁP