Vì sao cán bộ, giáo viên sợ lên Phòng, về Sở?

19/04/2017 06:23
Sông Trà
(GDVN) - Vì lên trên đó, đồng nghĩa với mức lương, thu nhập bị giảm sút, những phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên không còn, kể cả phụ cấp công vụ cũng chẳng có.

LTS: Thầy giáo Sông Trà tiết lộ lý do vì sao giáo viên thường sợ bị điều chuyển lên Phòng hay Sở.

Theo thầy Sông Trà, khi giáo viên bị chuyển lên thì đồng nghĩa với việc ngoài mức lương cố định, họ không được hưởng bất cứ phụ cấp nào hết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Những năm gần đây, mặc dù, nền kinh tế đất nước còn khó khăn, nguồn thu của nhà nước chưa nhiều, nhưng Đảng, Nhà nước ta đã có các chính sách cụ thể, thiết thực để quan tâm, hỗ trợ về lương bổng, mức thu nhập, đời sống vật chất cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cả nước và những đối tượng khác. 

Hàng chục năm nay, đội ngũ nhà giáo đã được hưởng phụ cấp đứng lớp, từ mức 30-70%. 

Nghị định số 54/2011/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 54), phụ cấp thâm niên dành cho nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, làm công tác giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân… cũng đã được tính và hưởng. 

Nghị định về chế độ phụ cấp công vụ bằng 25% (hiện nay là 10%) mức lương áp dụng cho đối tượng cán bộ, công chức, người hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước được tính và hưởng kể từ ngày 1/5/2012. 

Các chính sách, chế độ đó, vừa góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện mức sống, thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, vừa nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ này đối với công việc, nhiệm vụ được giao phó. 

Giáo viên rút về Phòng Giáo dục và Đào tạo đồng nghĩa với việc thu nhập của họ bị giảm sút. (Ảnh minh họa trên Danviet.vn)
Giáo viên rút về Phòng Giáo dục và Đào tạo đồng nghĩa với việc thu nhập của họ bị giảm sút. (Ảnh minh họa trên Danviet.vn)

Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, ban hành Nghị định, Thông tư, các nhà hoạch định chế độ, chính sách chưa lường hết, tính hết những đối tượng, nhóm đối tượng được tính hưởng.  

Chẳng hạn như, trong các đơn vị nhà trường, cơ sở giáo dục Nhà nước, thuộc lĩnh vực sự nghiệp, ngoài cán bộ quản lý, giáo viên, còn có những biên chế thuộc bộ phận: kế toán, văn thư, y tế, thư viện. 

Họ đã, đang làm công việc, phục vụ gián tiếp cho ngành giáo dục và cũng được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. 

Theo Nghị định về chế độ phụ cấp công vụ bằng 10% lương trước đây (đã tính) và Nghị định về chế độ phụ cấp bằng 25% lương được tính và hưởng kể từ ngày 1/5/2012, thì các trường hợp nói trên trong trường học cũng không thuộc diện được tính. 

Như vậy, những công chức: kế toán, văn thư, y tế, thư viện ở nhà trường cả nước này bị thiệt thòi nhiều nhất. 

Họ vốn không được phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên, mà nay lại không được hưởng phụ cấp công vụ nữa thì thật bất công và nghịch lý. 

Mỗi trường trung bình có 4-5 người như thế, cả nước này từ bậc phổ thông đến cao đẳng, đại học, biết bao nhiêu trường, biết bao nhiêu con người, viên chức biên chế Nhà nước gặp khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống, khi chế độ, chính sách Nhà nước lại “bỏ quên” họ.  

Vì sao cán bộ, giáo viên sợ lên Phòng, về Sở? ảnh 2

Chỉ cần nói "cán bộ phòng" thì Ban giám hiệu đã...sợ chết khiếp!

Chị Mai Thị Hiệp, nhân viên thư viện, trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, Thành phố Quảng Ngãi bày tỏ: 

Công việc của chúng tôi làm giờ hành chính, suốt ngày ở trường, vất vả lắm, nhưng thu nhập lại thấp, vì lâu nay không thuộc diện được hưởng phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên. 

Nghị định về phụ cấp công vụ cũ và mới tiếp tục phân biệt đối xử với chúng tôi như vậy thì còn mấy ai muốn làm, muốn gắn bó công việc phục vụ gián tiếp cho ngành giáo dục nữa”. 

Có Ban giám hiệu, Hội đồng sư phạm nhà trường thấu hiểu, thương cảm nỗi vất vả, khó khăn của các nhân viên, cán bộ thuộc Tổ văn phòng mà đã trích ít phần trăm từ quỹ phúc lợi, gói kinh phí cấp trên rót về hỗ trợ cho họ.

Song thực tế, chưa có nhiều cơ sở giáo dục quan tâm, chia sẻ như thế.   

Cần nói thêm, các công chức: chuyên viên, kế toán, văn thư… làm việc ở Phòng Giáo dục và đào tạo cũng chung cảnh bị thiệt thòi như thế. 

Họ nói một cách chua xót rằng, họ thuộc diện “con hoang” của Nhà nước, với “ba không”: không phụ cấp đứng lớp, không phụ cấp thâm niên và không phụ cấp công vụ. 

Do đó, nhiều cán bộ quản lý, thầy cô giáo đang công tác ở các trường học, có tâm lý rất sợ cấp trên là Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện nhắm đến mình, điều động về làm việc tại Phòng Giáo dục và Đào tạo. 

Vì lên trên đó, đồng nghĩa với mức lương, thu nhập bị giảm sút, những phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên không còn, kể cả phụ cấp công vụ cũng chẳng có. 

Vì sao cán bộ, giáo viên sợ lên Phòng, về Sở? ảnh 3

Lãnh đạo xuống làm giáo viên, có thể làm thế không?

Kể cả, không ít giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở trường trung học phổ thông bây giờ cũng có tâm lý, tư tưởng không muốn được Sở Giáo dục và Đào tạo rút về làm chuyên viên, Trưởng, Phó phòng vì thu nhập giảm sút, không còn thâm niên đứng lớp, phụ cấp công vụ (25%) lại thấp hơn ở các cơ sở giáo dục từ 5-55%. 

Thầy T.B, chuyên viên Phòng giáo dục phổ thông thuộc một Sở Giáo dục và Đào tạo từng tâm sự:

Tôi được Sở Giáo dục và Đào tạo rút về đây hơn 4 năm, so với ở trường khi lên trên này, tôi bị giảm thu nhập hơn 3 triệu đồng, vả lại phải đi làm xa nhà hơn 20 cây số, cộng với tính chất, áp lực công việc của chuyên viên ngày càng lớn, ngoài đồng lương ra không có khoản gì thêm. 

Hiện giờ, tôi rất muốn quay về trường cũ công tác nhưng khó được lãnh đạo chấp thuận, vì mới ra đi mà lại đòi về...”     

Nhà nước khi ban hành những chính sách, chế độ liên quan đến quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy công quyền, sự nghiệp của Nhà nước mà không cân chắc, tính toán kỹ, còn bỏ sót một số đối tượng như trên trong hệ thống giáo dục quốc dân thì thật đáng tiếc.

Điều này sẽ tạo nên sự bất công bằng giữa mọi người, mọi đối tượng, làm nhụt ý chí phấn đấu, làm giảm động lực làm việc, cống hiến ở họ. 

Lương bổng, ứng xử đối với một số đối tượng ở ngành giáo dục như vậy thì Nhà nước, cấp trên, các vị đừng trông mong họ tận tụy, trách nhiệm hết mình trong cuộc việc. 

Đã đến lúc Nhà nước, các cấp quản lý giáo dục không thể thờ ơ, bỏ qua những thiệt thòi, khó khăn của các đối tượng nêu trên.

Sông Trà