Vì sao chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chỉ là một tờ giấy đúng nghĩa?

26/05/2019 08:13
Phương Vy
(GDVN) - Theo thống kê của Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ giáo dục và Đào tạo (2017), cả nước có gần 4000 trung tâm/cơ sở ngoại ngữ - công lập và tư thục.

Tuy nhiên, chất lượng thực tế tại các trung tâm này thật sự đáng bàn. Dù được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học nhưng kiến thức của người học gần như bằng không và chứng chỉ chỉ là một tờ giấy để phục vụ những mục đích khác.

Để các trung tâm này hoạt động hiệu quả cần thiết phải đảm bảo chất lượng các trung tâm và tăng trách nhiệm hệ thống quản lý giáo dục của nhà nước. 

Kinh nghiệm từ các nước

Ở các nước nói tiếng Anh bản ngữ, những trung tâm muốn được kiểm định và công nhận chất lượng phải gia nhập các hiệp hội giảng dạy và được kiểm định chất lượng thường xuyên/định kỳ. Tính chuẩn mực và chất lượng của một trung tâm luôn phải được sự công nhận của một đơn vị nhà nước hoặc một tổ chức độc lập.

NEAS (National ELT Accreditation Scheme, Úc) và BC (British Council, Anh) là hai tổ chức kiểm định có nhiều kinh nghiệm với các nước Đông Nam Á.

Thông thường, các các cơ quan kiểm định quốc tế tập trung vào các lĩnh vực: chương trình; đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất & trang thiết bị; năng lực tài chánh và quản lý; các dịch vụ dành cho người học; tuyển dụng giáo viên; thời lượng và khung chương trình; kết quả học tập của người học. Mỗi lĩnh vực có những tiêu chí tương ứng, ví dụ, Khung kiểm định của NEAS bao gồm 6 lĩnh vực trên với 127 tiêu chí đánh giá.

Khung kiểm định của Hội Đồng Anh cũng có 6 lĩnh vực và 117 tiêu chí đối với chương trình giảng dạy tiếng Anh tại các trường/trung tâm ngôn ngữ.

Thông tin từ các nước nói trên cho thấy các tổ chức độc lập có vai trò quan trọng khi được thế giới công nhận, gắn với các hiệp hội giảng dạy và công khai trên trang web của mình những trường/trung tâm đạt chuẩn kiểm định.

Sự nhộn nhạo của nhiều trung tâm ngoại ngữ khi tổ chức thi cấp chứng chỉ cần các cơ quan chức năng nhìn nhận thẳng thắn hơn. (Ảnh: Vũ Ninh)
Sự nhộn nhạo của nhiều trung tâm ngoại ngữ khi tổ chức thi cấp chứng chỉ cần các cơ quan chức năng nhìn nhận thẳng thắn hơn. (Ảnh: Vũ Ninh)

Tại Việt Nam, thông tư số 03/2011/TT ngày 28/1/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học” có những điều khoản có thể xem như các tiêu chí kiểm định chất lượng.

Chương II quy định các “điều kiện, thẩm quyền thành lập, trình tự, thủ tục thành lập, sáp nhập, chia tách, đình chỉ hoạt động, giải thể trung tâm ngoại ngữ, tin học”. Chương III, Điều 12 quy định các “điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng” bao gồm trình độ, số lượng giáo viên, phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị, giáo trình tài liệu, khu vực dành cho giáo viên, học viên.

Việt Nam có CEA (Center for Education Accreditation) – Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục – được thành lập từ QĐ 79/QĐ-HH do Hiệp hội các trường cao đẳng, đại học Việt Nam ban hành ngày 16/10/2015 và theo quyết định cho phép thành lập hiệp hội 4358/QĐ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 14/10/2015.

Tuy nhiên, đây là tổ chức kiểm định giáo dục chung, không chuyên về ngoại ngữ.

Hầu hết các trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam chưa có sự liên kết với các tổ chức kiểm định (quốc tế) độc lập.

Các trung tâm ở Việt Nam đã và đang được “gián tiếp” kiểm định chất lượng qua việc phải đáp ứng các điều kiện thành lập trung tâm (ngoại ngữ - tin học) mà Thông tư 03 nêu ra, đồng thời qua các đợt kiểm tra do Phòng giáo dục thường xuyên các Sở Giáo dục và Đào tọa tiến hành.

Tuy nhiên, dưới góc độ kiểm định chất lượng, thông tư 03 – một văn bản nên không thể thay thế vai trò của một tổ chức kiểm định và công nhận chất lượng.

Tính khả thi khi áp dụng vào Việt Nam

Việc tham khảo các hệ thống kiểm định chất lượng quốc tế trước khi xây dựng bộ tiêu chuẩn là việc cần thiết. Điều này sẽ định hướng và giúp các trung tâm tiến hành việc đánh giá chất lượng dự trên các tiêu chí phù hợp thực tiễn Việt Nam, tạo cơ hội tiếp cận với xu thế, trình độ thế giới về chất lượng.

Vì sao chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chỉ là một tờ giấy đúng nghĩa? ảnh 2Những cuộc mặc cả chứng chỉ tin học, ngoại ngữ: Cứ có tiền là xong (1)

Đánh giá chất lượng theo một quy trình và bao gồm đầy đủ các yếu tố cần thiết sẽ cho các nhà quản lý, giáo viên, học viên và những người có trách nhiệm liên quan một cái nhìn đầy đủ về chất lượng của trung tâm, từ đó có phương hướng và biện pháp liên tục cải tiến.

Khi chất lượng được công nhận, người học sẽ có môi trường học tập tốt, được tư vấn để đạt được những mục tiêu riêng với khóa học phù hợp, biết và được hỗ trợ tự học và có trách nhiệm hơn với việc học của mình.

Người dạy có nhận thức rõ ràng hơn về mục tiêu, phương pháp giảng dạy, đánh giá hiệu quả giảng dạy của mình và kết quả học tập của học viên, được hỗ trợ từ khâu soạn giảng đến giảng dạy – đánh giá và có cơ hội phát triển chuyên môn thường xuyên.

Để bảo đảm chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm thành lập một đơn vị kiểm định chất lượng quốc gia độc lập hoặc khuyến khích các trung tâm có được kiểm định và công nhận chất lượng từ các tổ chức kiểm định độc lập như NEAS, British Council.

Đặc biệt, sau khi xây dựng xong, bộ tiêu chuẩn cần đưa ra thử nghiệm kiểm định ở một số trung tâm ngoại ngữ, bao gồm đầy đủ các loại hình và quy mô trung tâm nhằm đánh giá tính khả thi và mức độ phù hợp thực tế. 

Có thể thấy để có thể bảo đảm chất lượng dạy – học và tham gia tiến trình thường xuyên kiểm định chất lượng, bộ phận quản lý chuyên môn cũng như hành chính sẽ phải thực hiện một khối lượng công việc lớn, đòi hỏi chuyên môn sâu trong lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ.

Chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay mua bán quá dễ dàng, thậm chí dễ hơn mua rau. (Ảnh: Báo Giao thông vận tải)
Chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay mua bán quá dễ dàng, thậm chí dễ hơn mua rau. (Ảnh: Báo Giao thông vận tải)

Nếu không có chuyên môn sâu về lĩnh vực quản lý giáo dục ngoại ngữ thì quản lý các trung tâm khó thể hình dung được cụ thể từng việc phải làm và cách làm để đạt các tiêu chí kiểm định.

Theo ông Hà Văn Sinh – Giám đốc trung tâm ngoại ngữ PTC – Nha Trang thì việc tham gia vào một hệ thống kiểm định quốc tế hiện tại là một điều khó đối với nhiều trung tâm ở Việt Nam khi đa số các trung tâm chưa có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, phí tham gia kiểm định sẽ đẩy chi phí lên cao dẫn đến một mức học phí quá nặng đối với các học viên có mức kinh tế không cao hiện đang chiếm số đông.

Để tham gia vào hệ thống kiểm định chất lượng thường xuyên với một tổ chức kiểm định quốc tế, các trung tâm phải tự kiểm định trước, khắc phục những mặt chưa đạt chuẩn và cải tiến toàn bộ hệ thống quản lý của mình trước khi nộp hồ sơ tham gia kiểm định.

Vì sao chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chỉ là một tờ giấy đúng nghĩa? ảnh 4Muôn hình vạn trạng dịch vụ ăn theo thi công chức, viên chức, muốn gì cũng có

Bên cạnh đó, đầu tư vào cơ sở vật chất trang thiết bị để đạt tiêu chí về trang thiết bị không phải là một vấn đề lớn đối với đa số các trung tâm.

Tuy nhiên, đạt được những tiêu chí chất lượng ở lĩnh vực “Dạy, học và kiểm tra – đánh giá” sẽ là một bài toán khó đối với nhiều trung tâm ở Việt Nam khi phải vừa bảo đảm có đủ hệ thống văn bản mô tả các chương trình vừa có quy trình tổ chức thực hiện và đánh giá các chương trình của mình.

Thời gian qua, tình trạng bát nháo tại một số trung tâm ngoại ngữ có chức năng cấp các văn bằng chứng chỉ khiến dư luận hết sức quan tâm. Các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng trên tránh việc chứng chỉ chỉ là một tờ giấy đúng nghĩa khi người học không hề có kiến thức.

Phương Vy