Vì sao đường dây nóng phản ánh tiêu cực giáo dục Đà Nẵng lại nóng?

05/11/2017 07:44
Tấn Tài
(GDVN) - Hầu như tuần nào, giám đốc sở cũng nhận được thư, văn bản, email hoặc phản ánh qua cổng thông tin điện tử thành phố về tố cáo tiêu cực trong giáo dục.

Đó là chia sẻ của ông Mai Tấn Linh, Chánh thanh tra sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng tại hội nghị “giao ban thủ trưởng các đơn vị, trường học lần thứ nhất, năm học 2017-2018” do Sở vừa tổ chức mới đây.

Tuần nào cũng nhận đơn thư, phản ánh tiêu cực

Theo ông Linh, từ đầu năm học đến nay, hầu như tuần nào, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cũng nhận được đơn thư, văn bản, email hoặc phản ánh qua cổng thông tin điện tử thành phố về tố cáo tiêu cực trong giáo dục.

Trong tám tuần đầu năm học mới, hầu như tuần nào giám đốc sở giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cũng nhận được thông tin tố cáo tiêu cực. Ảnh: TT
Trong tám tuần đầu năm học mới, hầu như tuần nào giám đốc sở giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cũng nhận được thông tin tố cáo tiêu cực. Ảnh: TT

“Chúng tôi cũng thấy lạ là mấy năm gần đây do việc tuyên truyền, tập huấn của chúng ta nên việc đơn thư phản ánh có giảm.

Nhưng thời gian gần đây trỗi dậy nhiều. Một số đơn, một số vụ việc phản ánh có đúng và xác thực.

Những cũng có nhiều cái mang tính chủ quan của người phản ánh, không có cơ sở. Phần lớn những đơn này không chính danh”, ông Linh nói.

Vì sao đường dây nóng phản ánh tiêu cực giáo dục Đà Nẵng lại nóng? ảnh 2

Vì sao Đà Nẵng phải luân chuyển, bổ nhiệm lãnh đạo nhà trường trước ngày 30/7?

Dẫn chứng cho việc này, ông Linh nói, vào cuối tháng 10 vừa qua, Thanh tra sở giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng nhận được phản ánh của một số phụ huynh về việc một số giáo viên ép học sinh đi học thêm.

“Khi chúng tôi đến kiểm tra một cơ sở dạy thêm trên đường Ỷ Lan Nguyên Phi (quận Hải Châu) thì phát hiện có một số giáo viên của một trường trên địa bàn có đưa học sinh về dạy ở đây.

Trong đó, phần lớn là dạy học sinh ở lớp mình”, ông Linh nói.

Sau đó, cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm, đồng thời yêu cầu những giáo viên trên khắc phục, không tổ chức dạy thêm trái quy định.

Ngoài ra, Sở cũng nhận được phản ánh về việc ép dạy phụ đạo ở lớp 9 tại một trường trung học cơ sở ở quận Ngũ Hành Sơn.

Khi chúng tôi đến làm việc thì là do ý muốn của phụ huynh cũ (năm học trước), chưa được thông qua ban chấp hành phụ huynh mới, mà chúng ta cứ sử dụng theo năm cũ.

Thanh tra Sở làm việc với trường và trường đã rút kinh nghiệm, đồng thời tổ chức lại việc phụ đạo theo quy định.

“Hiện nay, có một số trường phổ thông và trung học cơ sở cứ thường dùng từ phụ đạo để tổ chức dạy thêm trong trường.

Nhưng chúng tôi nói đã phụ đạo thì không thu tiền. Còn tổ chức dạy thêm trong trường thì phải theo quy định của thành phố và Bộ giáo dục.

Tổ chức dạy thêm phải có kế hoạch dạy thêm, có đơn dạy thêm, có người dạy thêm và giáo viên, học sinh tự nguyện đăng ký. Nhất là phải có sự đồng ý của phụ huynh”.

Ông Linh nói tiếp, nhưng có một thực tế xảy ra ở hầu hết các quận là nhà trường phụ đạo gần như không có thời khóa biểu, luôn tổ chức theo lớp chứ không theo tinh thần của dạy thêm.

Bởi hiện nay có sự xung đột giữa hai nhóm: một nhóm giáo viên, học sinh và phụ huynh rất cần phụ đạo này, học thêm để củng cố kiến thức khi thi chuyển cấp.

Nhưng cũng có một bộ phận thì phụ huynh đã chuẩn bị trước, đã gửi con đi học ở chỗ này chỗ kia, rèn luyện.

Thời gian cũng đã kín mít rồi. Nên khi lịch này của trường lên thì nó chồng với lịch của họ thì họ phản ứng. Cho nên đáp ứng cho bộ phận này thì ko đáp ứng phần kia.

Nóng chuyện lạm thu

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục cũng nhận nhiều đơn thư phản ánh về tình trạng lạm thu đầu năm học.

Vì sao đường dây nóng phản ánh tiêu cực giáo dục Đà Nẵng lại nóng? ảnh 3

Giáo viên bốc thăm phân lớp để tránh lớp chọn trá hình

“Có đơn phụ huynh phản ánh lạm thu đầu năm tại một trường tiểu học ở quận Liên Chiểu.

Giáo viên chủ nhiệm đã ngó lơ để hội cha mẹ phụ huynh đứng ra vận động phụ huynh đóng góp, mua một số thiết bị như: tivi, đèn chiếu…

Sau đó, nhà trường phải tiến hành chấn chỉnh và ngay đầu năm học đã trả lại tiền cho phụ huynh”, ông Linh nói.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo thừa nhận vẫn còn một số tình trạng dạy thêm, học thêm xảy ra trên địa bàn.

“Qua đơn kiến nghị, Sở đã trao đổi các đơn vị liên quan để hướng dẫn việc dạy thêm, học thêm đích thực phù hợp với tâm tư nguyện vọng của học sinh, phụ huynh.

Tránh trường hợp phụ huynh kêu cùng một nội dung như vậy mà học sinh học đến ba lần (học ở trường, học phụ đạo và lần thứ ba là cô giáo ép học thêm ở nhà cô giáo).

Việc dạy thêm, học thêm theo đăng ký bao giờ cũng tốt. Do đó, để ngăn ngừa phải để dạy thêm, học thêm có đăng ký”, ông Vĩnh nhấn mạnh.

Tấn Tài