Vì sao xã hội nghi ngại về chất lượng đào tạo từ xa?

06/06/2017 07:10
Thùy Linh
(GDVN) - Dù hình thức đào tạo nào: chính quy hay từ xa đều phải đáp ứng chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp.

LTS: Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học thay cho Quyết định liên quan được ban hành năm 2003. Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/6/2017. 

Theo đó, quy chế có một số điểm mới so với quy định hiện hành (Thông tư số 40 ban hành 8/8/2003). Được biết, chương trình đào tạo từ xa được thực hiện ở Việt Nam từ năm 1993. Hiện cả nước có 21 trường đại học tiến hành các chương trình đào tạo từ xa.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch Hội đồng Trường (Viện Đại học Mở Hà Nội).

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.


Phóng viên: Rõ ràng, khi mở ra 2 Đại học Mở (tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) là nhằm đáp ứng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực mang tầm cỡ quốc gia và giải quyết nhu cầu học tập của người dân nhưng theo thống kê, tính đến nay, cả nước có 21 trường đại học tiến hành các chương trình đào tạo từ xa.

Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng trường của Viện Đại học Mở Hà Nội, bà nghĩ sao về vấn đề “sứ mệnh” của các trường đại học hiện nay?


Phó giáo sư Nguyễn Mai Hương: Đối với một trường đại học, “sứ mệnh” được xem là kim chỉ nam, định hướng cơ bản cho sự phát triển của nhà trường. Đặc biệt, đó là sự tuyên bố, sự cam kết của nhà trường đối với xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước. 

Viện Đại học Mở Hà Nội từ ngày thành lập cho tới nay luôn trung thành với sứ mệnh “Mở cơ hội học tập cho mọi người với chất lượng tốt, phục vụ nhu cầu học tập đa dạng với nhiều loại hình đào tạo, đa ngành, đa cấp độ, đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế”. 

Vì sao xã hội nghi ngại về chất lượng đào tạo từ xa? (Ảnh minh họa trên báo Vietnamnet)
Vì sao xã hội nghi ngại về chất lượng đào tạo từ xa? (Ảnh minh họa trên báo Vietnamnet)

Trong suốt 24 năm xây dựng và phát triển, Viện Đại học Mở Hà Nội kiên định thực hiện sứ mệnh của mình nhằm phục vụ nhu cầu học tập đa dạng với nhiều hình thức đào tạo khác nhau, trong đó chú trọng phát triển giáo dục từ xa cả về quy mô, chất lượng và công nghệ đào tạo vì một nền giáo dục đại chúng, vì một xã hội học tập, học thường xuyên và học suốt đời.

Trong Thông tư 10 về đào tạo từ xa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, một trong các yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình đào tạo từ xa (Khoản 2, Điều 3) chỉ rõ:

“Việc thực hiện chương trình đào tạo từ xa phải được xác định trong sứ mạng, tầm nhìn, phương hướng, kế hoạch phát triển của cơ sở giáo dục đại học …”.

Điều này hoàn toàn hợp lý và tạo điều kiện để đào tạo từ xa phát triển bền vững.

Theo quy chế mới được ban hành thì từ 12/6/2017, việc mở các khóa học đào tạo từ xa sẽ không cần sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo như quy định hiện hành. Liệu yêu cầu này có dẫn đến việc các trường mở ồ ạt gây ra tình trạng “loạn 12 sứ quân” không, thưa bà?

Phó giáo sư Nguyễn Mai Hương: Theo quy chế mới, mặc dù việc mở các khóa học đào tạo từ xa sẽ không cần sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo như quy định hiện hành nhưng 9 yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình đào tạo từ xa được quy định trong Điều 3 chính là một “giấy phép” với các điều kiện nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo của hình thức học tập này. 

Vì sao xã hội nghi ngại về chất lượng đào tạo từ xa? ảnh 2

Học đào tạo từ xa sẽ được ghi trong văn bằng tốt nghiệp

Do vậy, với việc thực hiện nghiêm túc Thông tư 10 của các cơ sở đào tạo và sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chắc chắn sẽ không có hiện tượng các trường mở ồ ạt hình thức đào tạo từ xa gây ra tình trạng “loạn 12 sứ quân” như lo lắng của nhiều người.

Trái lại, nếu các cơ sở giáo dục đại học thực hiện đầy đủ các điều kiện cần và điều kiện đủ, đúng quy trình để tổ chức đào tạo từ xa thì việc nhiều cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo từ xa, đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các trường cạnh tranh lành mạnh trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Được biết, có tình trạng một trường tận Trà Vinh lại có thể đào tạo tại Lai Châu. Vậy theo chị dự đoán, cứ đà này thì 2 Đại học Mở sẽ tồn tại thế nào khi nhiều trường đại học khép kín thì Bộ lại cho đào tạo từ xa?

Phó giáo sư Nguyễn Mai Hương: Trong nền kinh tế tri thức và trong xã hội học tập, nhu cầu học tập của mọi người nhằm đáp ứng công việc và yêu cầu tuyển dụng lao động là rất lớn và rất đa dạng. Đa dạng về nội dung đào tạo, đối tượng đào tạo, mục đích, phạm vi đào tạo,.. 

Hình thức đào tạo từ xa cho phép giải quyết được sự đa dạng đó mà vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo thông qua công nghệ đào tạo từ xa. 

Các trường đại học nếu đã có đủ các điều kiện để thực hiện chương trình đào tạo từ xa đều có thể tổ chức đào tạo tại các trạm đào tạo từ xa đặt ngoài trường và đều có những đóng góp cho việc phát triển nguồn nhân lực. 

Vì sao xã hội nghi ngại về chất lượng đào tạo từ xa? ảnh 3

Việt Nam cần nghĩ tới việc xuất khẩu chương trình đào tạo ra nước ngoài

Tuy nhiên, với Thông tư 10, các trường đại học không thể tổ chức đào tạo từ xa một cách dễ dàng nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nghiên cứu lý luận về đào tạo từ xa đến kinh nghiệm tổ chức đào tạo và đầu tư nguồn lực, công nghệ cho đào tạo từ xa. 

Bởi lẽ, để có một hệ thống đào tạo từ xa theo yêu cầu gồm:

Chương trình đào tạo từ xa; học liệu đào tạo từ xa; bộ máy tổ chức và quản lý đào tạo từ xa; hệ thống kiểm tra, đánh giá; hệ thống kỹ thuật hỗ trợ thực hiện đào tạo từ xa; đội ngũ giảng viên, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý; các văn bản quy định về đào tạo từ xa là không phải đơn giản. 

Hai đại học Mở đã có những nghiên cứu, kinh nghiệm và xây dựng Hệ thống đào tạo từ xa qua một thời gian dài trên 20 năm. Do đó, 2 trường đại học Mở có những nền tảng để phát triển bền vững đào tạo từ xa.

Và quy chế mới chỉ yêu cầu tổ chức thi phải được thực hiện tại trường hoặc trạm đào tạo từ xa và bổ sung quy định, đề thi cho chương trình phải rút ra từ ngân hàng đề thi chung với đào tạo chính quy. Theo bà, liệu điều này có ảnh hưởng về chất lượng?

Phó giáo sư Nguyễn Mai Hương: Theo Khoản 3, Điều 7 trong Thông tư, việc tổ chức thi kết thúc học phần phải được thực hiện tập trung tại cơ sở giáo dục đại học hoặc tại Trạm đào tạo từ xa và được giám sát bởi cán bộ của cơ sở giáo dục đại học là phù hợp và bảo đảm sự nghiêm túc của kỳ thi. 

Bên cạnh đó, tại trạm đào tạo từ xa, nhà trường có thể trang bị các phòng học từ xa hiện đại với hệ thống máy tính, kết nối mạng và có hệ thống camera để đảm bảo cho hoạt động thi cử được nghiêm túc.

Việc lựa chọn đề thi cho chương trình đào tạo từ xa từ ngân hàng đề thi chung với đào tạo chính quy là một yêu cầu bắt buộc để đảm bảo chất lượng đào tạo và đảm bảo cùng chuẩn đầu ra của cùng một ngành học trong cùng một cơ sở đào tạo.

Hiện nay, xã hội vẫn chưa có cái nhìn thiện cảm với mô hình đào tạo từ xa vì họ nghi ngại về vấn đề chất lượng. Vậy bà có đề xuất, kiến nghị gì về phương án triển khai hình thức đào tạo đại học từ xa (từ học liệu, thi cử, đánh giá) trong thời gian tới? 

Phó giáo sư Nguyễn Mai Hương: Mô hình đào tạo từ xa đã được lý luận và thực tiễn chứng minh là một mô hình đào tạo hữu hiệu, là công cụ để thực hiện xã hội học tập và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời rất phù hợp với người học do cách tổ chức mềm dẻo và linh hoạt, hướng tới cá thể hoá hoạt động học tập trong nền giáo dục cho số đông người. 

Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin và truyền thông phát triển nhanh chóng và có tác động lớn đền công nghệ giáo dục hiện đại trong kỷ nguyên cách mạng 4.0, đào tạo từ xa trở thành một xu thế và đang rất phát triển trên thế giới và xứng đáng nhận được sự ghi nhận và thiện cảm của xã hội.

Vì sao xã hội nghi ngại về chất lượng đào tạo từ xa? ảnh 4

Trường nào cũng đào tạo mở, từ xa thì hai Đại học Mở sẽ tồn tại như thế nào?

Thực tế ở Việt Nam, mặc dù các văn bản chỉ đạo đều không phân biệt hình thức đào tạo, tuy nhiên xã hội vẫn còn băn khoăn về chất lượng đào tạo từ xa.

Do vậy, đảm bảo chất lượng đào tạo nói chung và đào tạo từ xa nói riêng là một yêu cầu tất yếu để cơ sở đào tạo phát triển bền vững.

Theo tôi, dù hình thức đào tạo nào: chính quy hay từ xa đều phải đáp ứng chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp.

Vì vậy, để xã hội không băn khoăn đến chất lượng đào tạo từ xa, các cơ sở đào tạo cần có các giải pháp để chất lượng đào tạo từ xa tiệm cận dần đến chất lượng đào tạo chính quy đang được coi là khá chuẩn mực. 

Căn cứ vào các đặc điểm đặc thù của đào tạo từ xa, một số điều kiện cần lưu ý khi triển khai đào tạo từ xa chất lượng, đó là:

• Đào tạo từ xa cần thống nhất với đào tạo chính quy về:

- Nội dung, mục tiêu, chương trình đào tạo (tăng cường các môn học tự chọn).

- Nội dung kiểm tra, đánh giá các học phần trong chương trình đào tạo.

- Chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp.

- Quy trình kiểm định chất lượng đào tạo.

• Lưu ý các đặc điểm đặc thù của đào tạo từ xa: 

- Phát triển đội ngũ giảng viên, cố vấn học tập, sinh viên và các thành phần tham gia đào tạo từ xa đáp ứng đặc điểm của đào tạo từ xa. 

- Sản xuất hệ thống học liệu đa dạng phục vụ tự học và tăng cường khả năng tương tác qua học liệu.

- Tạo môi trường ứng dụng mạnh công nghệ thông tin trong tổ chức, quản lý các khoá học từ xa.

- Kiểm soát tốt công tác khảo thí.

Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư.

Thùy Linh