"Việc rất lớn, ảnh hưởng toàn dân, phải thận trọng, đã làm là phải thành công"

03/10/2017 16:28
Thùy Linh
(GDVN) - Ủy ban của Quốc hội đề nghị Bộ làm rõ cơ sở của việc lùi 1 năm và thay đổi phương thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

LTS: Được biết, căn cứ ý kiến của các chuyên gia, các địa phương và tình hình cụ thể biên soạn chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản báo cáo Chính phủ xin giãn tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 1 năm.

Để rộng đường dư luận về vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. 

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn ông Phạm Tất Thắng. Tòa soạn tân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này. 

Phóng viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản báo cáo Chính phủ xin giãn tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 1 năm. Ông đánh giá như thế nào về lộ trình này của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Ông Phạm Tất Thắng: Trong phiên làm việc với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (gọi tắt là Ủy ban – PV) gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đề xuất ý kiến lùi thời gian và thay đổi phương thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chương trình - sách giáo khoa mới sẽ được thực hiện từ năm học 2019 - 2020 thay vì năm học 2018 - 2019 như Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. 

Bên cạnh đó, Bộ cũng có đề xuất thay đổi phương thức thực hiện. Thay vì thực hiện đồng loạt cả 3 lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10) thì sẽ chỉ thực hiện từ lớp 1 trong năm đầu tiên đổi mới.

Ông Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thông tin, Ủy ban đề nghị Bộ làm rõ cơ sở của việc lùi 1 năm và thay đổi phương thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: quochoi.vn)
Ông Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thông tin, Ủy ban đề nghị Bộ làm rõ cơ sở của việc lùi 1 năm và thay đổi phương thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.  (Ảnh: quochoi.vn)

Sau khi nghe đề xuất của Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới và Bộ Giáo dục và Đào tạo, quan điểm của Thường trực Ủy ban là:

Mặc dù Nghị quyết của Quốc hội có nêu rõ về phương thức thực hiện, thời điểm triển khai, tuy nhiên đây là một công việc rất quan trọng, liên quan đến cả bậc học phổ thông, cả xã hội nên nguyên tắc là phải đảm bảo chất lượng, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết từ việc hoàn thành chương trình bộ môn, biên soạn sách giáo khoa, chuẩn bị cơ sở vật chất, tập huấn đội ngũ giáo viên, đồ dùng dạy học….để khi triển khai thì phải đảm bảo thành công. 

Do vậy, Ủy ban cơ bản đồng tình với đề xuất của Bộ rằng nếu chưa chuẩn bị tốt thì báo cáo Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội đề xuất lùi thời gian triển khai. 

"Việc rất lớn, ảnh hưởng toàn dân, phải thận trọng, đã làm là phải thành công" ảnh 2

“Tôi hi vọng Chính phủ sẽ chấp nhận ý kiến của Bộ Giáo dục"

Nhưng Ủy ban cũng đề nghị Bộ làm rõ cơ sở của việc lùi 1 năm và thay đổi phương thức triển khai chỉ thực hiện với lớp 1 từ năm học đầu tiên thay vì cả 3 lớp đầu cấp ở một số nội dung như: 

Hiện tại chúng ta đã chuẩn bị được những gì? 

Những công việc gì cần phải làm trong thời gian tới? 

Cần bao nhiêu thời gian để hoàn thành các công việc đó?

Thời gian lùi như vậy đã đảm bảo cho sự chuẩn bị kỹ lưỡng chưa?...

Như vậy, quan điểm của Ủy ban là làm sao có được một chương trình phổ thông tốt nhất chứ không chỉ căn cứ vào thời gian.

Vậy theo ông, kể từ bây giờ tới khi thực hiện, Bộ cần đặc biệt chú trọng tới yếu tố nào để chương trình mới thực sự đạt hiệu quả?

Ông Phạm Tất Thắng: Nói yếu tố nào là quan trọng nhất thì cũng khó bởi lẽ nếu chương trình bộ môn, biên soạn sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học…chỉ cần một trong số những yếu tố này không chuẩn bị tốt thì việc áp dụng chương trình mới sẽ không hiệu quả.

Chưa kể đến việc sau khi có sách giáo khoa chính thức rồi, chúng ta phải tiến hành dạy thử, đánh giá rút kinh nghiệm trước khi đưa vào giảng dạy đại trà. 

Tuy nhiên, nếu tính về mặt thời gian thì bây giờ yếu tố cần phải ưu tiên đó là cần tập trung khẩn trương xây dựng chương trình các bộ môn, từ đó các yếu tố khác mới có cơ sở để hình thành. 

Đội ngũ giáo viên được đánh giá là có vai trò tiên quyết trong việc thành, bại của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Trong bối cảnh chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ông đánh giá như thế nào về đội ngũ giáo viên hiện nay?

Ông Phạm Tất Thắng: Từ trước đến nay, đội ngũ giáo viên ở nước ta được đào tạo đơn môn tức là sinh viên sư phạm học môn nào thì ra trường dạy môn đó. 

"Việc rất lớn, ảnh hưởng toàn dân, phải thận trọng, đã làm là phải thành công" ảnh 3

Bộ Giáo dục đã xin giãn tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Chính vì vậy khi chương trình giáo dục phổ thông mới xuất hiện thêm các môn học mới đó là môn tích hợp, điều này đòi hỏi phương thức đào tạo của các trường sư phạm cũng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu đổi mới. 

Có nghĩa là, các trường sư phạm phải thay đổi phương thức, chương trình đào tạo theo hướng đào tạo tích hợp chứ không đơn thuần là dạy ghép. 

Do vậy, ngay từ lúc này, trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, khối các trường sư phạm đặc biệt là 8 đại học sư phạm trọng điểm cần chủ động định hướng xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. 

Mặc dù theo logic về thời gian thì sau khi có chương trình, sách giáo khoa mới xây dựng chương trình đào tạo.

Tuy nhiên, nếu chờ đủ điều kiện mới thay đổi thì không biết bao giờ mới làm được do đó các trường cần chủ động triển khai. 

Trân trọng cảm ơn ông. 


Thùy Linh